Tín hiệu hạ nhiệt từ thuế quan
Sau giai đoạn biến động mạnh do ảnh hưởng từ chính sách thuế quan cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có Việt Nam, đang ghi nhận những tín hiệu ổn định trở lại. Đặc biệt, tuyên bố miễn trừ tạm thời thuế nhập khẩu đối với mặt hàng điện thoại và thiết bị điện tử vào ngày 12/4/2025 đã được giới phân tích quốc tế đánh giá là một bước “xuống thang” đáng kể trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang.
Cùng với đó, ông Donald Trump gần đây liên tục đăng tải các thông điệp tích cực về tiến trình đàm phán thương mại với Nhật Bản và sắp tới là Ý, cho thấy xu hướng linh hoạt hơn trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Theo người phát ngôn Nhà Trắng, Mỹ đang xem xét các đề xuất thương mại từ hơn 15 quốc gia. Trong đó, Việt Nam và Israel đã chủ động đề xuất xóa bỏ thuế quan, động thái thể hiện rõ thiện chí hợp tác, dù vẫn chưa bước vào vòng đàm phán chính thức.
Chúng tôi duy trì quan điểm rằng, kịch bản thuế quan 46% chỉ là kịch bản tệ nhất và xác suất xảy ra thấp. Trong khi đó, với một thỏa thuận song phương có mức thuế tốt hơn, nhà đầu tư có quyền hy vọng một bức tranh sáng hơn hiện tại, câu chuyện xuất khẩu vẫn sẽ còn, ít nhất là cho một số mảng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, nội thất, gỗ hay dệt may.
Kinh tế toàn cầu vẫn có nỗi lo suy thoái
Dữ liệu mới công bố cho thấy, sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn. Tại Mỹ, chỉ số niềm tin tiêu dùng do Đại học Michigan công bố bất ngờ lao dốc, xuống còn 50,8 điểm, mức thấp thứ hai trong vòng hơn 70 năm qua. Điều đáng lo ngại là con số này thậm chí còn thấp hơn mức ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, phản ánh tâm lý bất an sâu sắc của người tiêu dùng trước nguy cơ lạm phát kéo dài, bất ổn địa chính trị và những quyết sách khó đoán từ chính quyền Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại.
Châu Âu cũng không nằm ngoài làn sóng lo ngại. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây đã tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách hạ lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, đánh dấu lần cắt giảm thứ bảy liên tiếp kể từ tháng 6 năm ngoái. Đáng chú ý, ECB đã chính thức loại bỏ cụm từ “lập trường hạn chế” trong thông cáo, cho thấy sự chuyển hướng rõ rệt sang chính sách hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế khu vực Eurozone đang chững lại và có nguy cơ rơi vào suy thoái lan rộng.
Sự bất định gia tăng tại các nền kinh tế lớn đang khiến dòng tiền toàn cầu có xu hướng dịch chuyển khỏi các tài sản rủi ro để tìm nơi trú ẩn. Tính từ đầu năm nay, giá vàng thế giới đã bật tăng hơn 25% và chính thức vượt mốc 3.200 USD/ounce. Trong nước, giá vàng SJC vọt lên mức 120 triệu đồng/lượng, cao nhất trong lịch sử.
![]() |
Tâm lý nhà đầu tư trong nước dần ổn định hơn…
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ suy thoái, thị trường Việt Nam, với đặc thù là nền kinh tế định hướng xuất khẩu và phụ thuộc vào nhu cầu tiêu dùng quốc tế, có thể chịu tác động tâm lý tiêu cực trong trung hạn. Tuy nhiên, ở góc độ ngắn hạn, triển vọng tích cực vẫn hiện hữu nhờ một số yếu tố hỗ trợ mang tính nội tại và kỳ vọng vào kết quả đàm phán thương mại.
Cụ thể, các động thái hỗ trợ tăng trưởng từ Chính phủ, môi trường chính trị ổn định, cùng với khả năng cao hệ thống giao dịch mới KRX sẽ chính thức vận hành trong tháng 5 tới và kỳ vọng thị trường chứng khoán được nâng hạng vào tháng 9 năm nay đang tạo nền tảng cho sự phục hồi của thị trường. Trong kịch bản này, diễn biến phân hóa giữa các nhóm ngành sẽ ngày càng rõ nét, phụ thuộc nhiều vào kết quả đàm phán và các điều khoản cụ thể giữa Việt Nam và Mỹ.
Ở góc độ kỹ thuật, trong ngắn hạn (1 -3 tháng tới), thị trường chứng khoán tiếp tục phát đi tín hiệu tích cực. Mô hình hai đáy - một trong những mô hình đảo chiều đáng tin cậy - đang dần hình thành. Sau khi lùi về vùng 1.070 điểm để tạo đáy thứ nhất, thị trường đã có nhịp hồi phục. Dù chịu áp lực chốt lời tại vùng kháng cự 1.250 điểm, chỉ số không giảm sâu mà thiết lập đáy thứ hai cao hơn, tại vùng 1.200 điểm - một tín hiệu củng cố đáng kể cho tâm lý nhà đầu tư trong nước, vốn là dòng tiền dẫn dắt thị trường hiện nay.
![]() |
Chúng tôi nhận thấy, có sự ổn định trong hành vi mua bán quanh vùng hỗ trợ mạnh 1.180 - 1.200 điểm. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt kỹ thuật, mà còn thể hiện tâm lý ổn định hơn do dòng tiền mua mang tính chất dài hạn hơn. Nếu vùng hỗ trợ này được giữ vững, thị trường có thể xác lập xu hướng phục hồi bền vững, với mục tiêu ngắn hạn là 1.250 điểm và trong trường hợp đàm phán tốt, mục tiêu xa hơn là vùng 1.300 điểm.
Về dòng tiền nước ngoài, mặc dù khối ngoại vẫn trong xu hướng bán ròng - đáng chú ý là phiên thứ Năm với giá trị bán ròng lên tới 4.500 tỷ đồng (trong đó mã VIC chiếm 4.400 tỷ đồng) - nhưng duy trì hoạt động mua ròng có chọn lọc ở một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bán lẻ và đầu tư công. Diễn biến này cho thấy, mặc dù không còn đóng vai trò dẫn dắt thị trường, dòng vốn ngoại chưa rút lui hoàn toàn, mà đang tái cơ cấu danh mục theo hướng thận trọng và chọn lọc hơn.
… nhưng cần duy trì tư duy phòng thủ
Về mặt chiến lược, chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư nên duy trì tư duy phòng thủ, không nên dùng đòn bẩy (giao dịch ký quỹ - margin) thời điểm này, đồng thời ưu tiên lựa chọn các cổ phiếu ít chịu tác động trực tiếp từ các rủi ro bên ngoài. Đây cũng đang là tâm lý chung của dòng tiền trên thị trường, vì vậy, sức cầu của các nhóm ngành này sẽ cao hơn các nhóm còn lại, giúp cho giá cổ phiếu mạnh hơn. Các nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán, đầu tư công và bán lẻ, theo chúng tôi là lựa chọn tốt trong giai đoạn hiện tại, nhờ vào khả năng hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ trong nước.
Song song đó, một số nhóm ngành có mức độ rủi ro cao hơn như thủy sản, dệt may, đá xây dựng đang nổi lên như các cơ hội tạo alpha ( tỷ suất sinh lợi dựa trên rủi ro đã được điều chỉnh) trong trường hợp đàm phán thương mại đạt kết quả tích cực. Ở chiều ngược lại, nhóm khu công nghiệp có thể đối mặt với áp lực nếu Mỹ đưa ra các điều kiện khắt khe, làm chậm lại xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc - yếu tố vốn đã hỗ trợ tích cực cho nhóm này trong thời gian qua.
Dự báo, mức độ lan tỏa của đà phục hồi trên thị trường sẽ phụ thuộc phần lớn vào kết quả đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Mỹ. Một thỏa thuận được ký kết không chỉ đóng vai trò như chất xúc tác mạnh mẽ cho tâm lý thị trường, mà còn có thể khơi dậy kỳ vọng tăng trưởng nội địa và thúc đẩy tiến trình cải cách cơ cấu kinh tế. Ngược lại, nếu các cuộc đàm phán không mang lại kết quả cụ thể, rủi ro điều chỉnh có thể tái xuất hiện khi tâm lý nhà đầu tư quay lại trạng thái thận trọng.