Ngày 15/04/2025, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã ký Quyết định số 768/QĐ-TTg, phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) với nhiều điểm mới, kỳ vọng sẽ giúp nhiều cổ phiếu hưởng lợi.
Việc điều chỉnh Quy hoạch điện VIII là nhằm đảm bảo cung cấp điện cho tăng trưởng kinh tế hai con số, đảm bảo an ninh năng lượng và nhiều mục tiêu khác.
Một trong những điểm nổi bật nhất của Quy hoạch điện VIII phiên bản mới là sự ưu tiên mạnh mẽ cho phát triển năng lượng tái tạo (NLTT). Theo kế hoạch mới, tỷ trọng điện tái tạo (không bao gồm thủy điện) trong cơ cấu nguồn điện quốc gia sẽ tăng lên mức 28 – 36% vào năm 2030 và đạt 74 – 75% vào năm 2050.

Chứng khoán VPBank (VPBankS) đánh giá, cùng với các chính sách về phát triển thị trường điện đã được ban hành trong năm 2024 – 2025 (Luật Điện lực, Nghị định 80/2024 về cơ chế mua bán điện NLTT trực tiếp, các quyết định về giá phát điện…), quy hoạch điện VIII điều chỉnh được ban hành lần này sẽ tạo ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho thị trường phát điện trong những năm tới, đáp ứng nhu cầu điện cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Quy hoạch điều chỉnh cũng tập trung phát triển các nguồn điện NLTT, phù hợp với xu hướng chuyển đổi năng lượng xanh sạch trên thế giới hiện nay và theo cam kết của chính phủ Việt Nam trong các hội nghị biến đổi khí hậu với mục tiêu Net Zero đến năm 2050. Thu hút được các nguồn vốn quốc tế tài trợ với chi phí thấp trong các chương trình Chuyển đổi năng lượng công bằng mà Việt Nam tham gia.
Điện gió được gia tăng đầu tư với các dự án quy mô vừa và nhỏ, linh hoạt trong việc huy động và thu xếp vốn của đông đảo các nhà đầu tư tư nhân khi tham gia. Trong khi đó, điện mặt trời áp mái cũng được khuyến khích đầu tư, các cơ chế về giá phát điện mới được ban hành kèm theo các quy định chi tiết về nguồn điện mặt trời có hệ thống lưu trữ được mua với giá điện cao hơn.
Tuy nhiên, với các dự án năng lượng tái tạo giai đoạn 2025 – 2030, nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn, trong khi đó những vướng mắc về cơ chế giá phát điện (đặc biệt là các dự án NLTT chuyển tiếp), vận hành thị trường điện… chưa được tháo gỡ sẽ là thách thức đối với các nhà đầu tư.
VPBankS cho rằng, với việc tập trung phát triển lĩnh vực điện năng lượng tái tạo những năm tới với quy mô vừa phải (50 - 200 MW mỗi dự án) rất phù hợp với nhiều nhà đầu tư tư nhân tham gia vào thị trường phát điện. Điều này mở ra các cơ hội phát triển tốt cho các doanh nghiệp đầu ngành đang niêm yết cổ phiếu trong chuỗi giá trị ngành.
Cụ thể, nhóm sản xuất thiết bị và vật liệu điện bao gồm GEE, TBD, RAL; nhóm tư vấn, xây lắp, vận hành có TV1, PC1; nhóm đầu tư phát triển nguồn điện sẽ có REE, HDG, GEG, GEE.
Chứng khoán Dầu khí (PSI) cũng nhận định, Quy hoạch điện VIII sửa đổi và các nghị định mới ban hành dự kiến tạo ra tiềm năng tăng trưởng đáng kể cho các công ty phát điện. Đồng thời, những thay đổi về mặt chính sách này tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi hơn, thúc đẩy các dự án hạ tầng điện và phát triển năng lượng tái tạo.
Cổ phiếu GEG và REE sẽ được hưởng lợi lớn từ chính sách hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo của Chính phủ. Đối với GEG, Các dự án sẽ được triển khai trong thời gian tới bao gồm dự án điện mặt trời Đức Huệ 2 (49 MW) và dự án điện gió VPL 2 (30 MW). REE hiện đang mở rộng danh mục đầu tư mảng năng lượng tái tạo bằng cách bổ sung thêm dự án thủy điện Trà Khúc 2 (30 MW tại tỉnh Quảng Ngãi) và nhà máy điện gió Duyên Hải (V1-4 công suất 48 MW tại tỉnh Trà Vinh).
POW được dự báo sẽ tăng trưởng nhờ nhu cầu điện ngày càng tăng và dự kiến nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 sẽ được đưa vào vận hành trong nửa cuối năm 2025. Do LNG đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, công suất hoạt động của POW có thể sẽ tăng cao hơn, từ đó triển vọng lợi nhuận được cải thiện trong những năm tới.
TV2, PC1 sẽ được hưởng lợi từ việc tăng cường phát triển điện gió, khi đây là các nhà thầu xây dựng, tư vấn thiết kế nổi bật. Ngoài ra, việc ưu tiên vào nâng cấp lưới điện trong QHĐ VIII sửa đổi mang lại cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ cho mảng xây dựng liên quan đến điện của PC1.
Ngoài những doanh nghiệp kể trên, Vietcap thông tin thêm, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh cũng ưu tiên đẩy nhanh các dự án khí trong nước, bao gồm Lô B và Cá Voi Xanh, cùng với 6.900 MW công suất từ các nhà máy điện khí đồng hành như Ô Môn II, III, IV, Miền Trung I, II, và Dung Quất I, II, III.
Diễn biến này mang sẽ lại lợi ích cho PVS nhờ nhu cầu tăng cao đối với các dịch vụ kỹ thuật, mua sắm và bảo trì; trong khi PVD hưởng lợi từ việc gia tăng hoạt động khoan và các dịch vụ liên quan đến giếng khoan, phục vụ khai thác khí thượng nguồn; còn GAS được hưởng lợi từ việc gia tăng vận chuyển khí qua các đường ống từ các mỏ ngoài khơi vào các cơ sở xử lý khí trên bờ.