Chứng khoán Việt Nam vẫn “hấp dẫn” trong mắt loạt chuyên gia ngoại

21/04/2025 16:30

Theo các chuyên gia, ngắn hạn, thị trường dự báo sẽ dao động trong biên độ nhất định cho đến tháng 7.

Sáng 19/4, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam tổ chức hội thảo đầu tư quy mô khu vực với chủ đề “From Asia to Vietnam – Kết nối tầm nhìn châu Á, tạo lập kỷ nguyên thịnh vượng”, quy tụ các chuyên gia kinh tế – tài chính hàng đầu đến từ Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Thái Lan.

Kinh tế Việt Nam có triển vọng dài hạn nhờ tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu

Tại đây, nhận định về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ông Yen Chen Hui – chuyên gia đến từ Đài Loan đưa ra phân tích căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tạo ra những tác động trái chiều đối với Việt Nam – quốc gia có quan hệ thương mại lớn với cả hai thị trường này. Hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chiếm khoảng 30% kim ngạch, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 10%. Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới 30% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, dẫn đến thâm hụt thương mại lớn với nước này.

"Tuy nhiên, theo nhận định của tôi, những diễn biến mới trong xung đột thương mại Mỹ - Trung lại mở ra cơ hội cho Việt Nam. Khi các doanh nghiệp toàn cầu có xu hướng giảm tỷ lệ phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến thay thế, thúc đẩy xu hướng thay thế nhập khẩu và gia tăng giá trị sản xuất trong nước.

Ngoài ra, với việc các dòng thương mại từ Trung Quốc sang Mỹ bị gián đoạn, nhiều hoạt động xuất khẩu sẽ được chuyển hướng sang các quốc gia khác như Việt Nam, Mexico hay các quốc gia khác, giúp bù đắp cho sự sụt giảm của hoạt động xuất khẩu sang một số thị trường truyền thống và tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Mặc dù có thể gặp một số thách thức ngắn hạn nhưng trong dài hạn, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung được cho là sẽ mang lại tác động tích cực cho kinh tế Việt Nam", ông Yen Chen Hui nhìn nhận.

Ông Chu Ka Kit – chuyên gia chứng khoán đến từ Hồng Kông - cho rằng chính sách thuế đối ứng mà Mỹ đang triển khai có thể gây ảnh hưởng đến toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam hay khu vực châu Á. Tuy nhiên, ông xem đây một yếu tố tích cực hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng.

Cụ thể, làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc đang khiến nhiều doanh nghiệp quốc tế lựa chọn Việt Nam là điểm đến mới. Điều này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn vốn và nguồn lực tài chính trong nước, mà còn mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp mới lên sàn, góp phần làm phong phú hơn cho thị trường chứng khoán.

“Dưới góc nhìn dài hạn, tôi tin rằng nếu Việt Nam tận dụng tốt làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng, chính sách thuế từ Mỹ có thể trở thành cú hích lớn cho sự chuyển mình và phát triển bền vững của thị trường chứng khoán trong thời gian tới" , ông Chu Ka Kit nói.

Chứng khoán Việt Nam vẫn “hấp dẫn” trong mắt loạt chuyên gia ngoại- Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục dao động cho đến tháng 7/2025

Về thị trường chứng khoán, các chuyên gia Yuanta cho rằng thị trường Việt Nam phản ứng tương đối ổn định so với các thị trường khác trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, chuyên gia cũng khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì sự thận trọng và không nên hoảng loạn. Yuanta dự đoán thị trường sẽ dao động trong biên độ nhất định cho đến tháng 7, thời điểm có thể có những diễn biến mới liên quan đến thuế quan.

Điểm sáng hiện nay là việc thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đưa vào vận hành hệ thống KRX. Năm sau, thị trường có thể triển khai thêm hệ thống đối tác thanh toán trung tâm (CCP) – vốn sẽ giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật mà thị trường Việt Nam đang gặp phải. Điều này sẽ giúp MSCI dễ dàng hơn trong việc xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, và do đó sẽ có tác động lớn hơn nhiều đến thị trường vốn, đồng thời cũng sẽ làm tăng lợi nhuận của ngành môi giới.

Ông Min Byungkyu – chuyên gia đến từ Hàn Quốc - chia sẻ: " KRX chỉ là một hệ thống và Chính phủ đang làm rất tốt trong việc mời gọi nhà đầu tư đưa dòng tiền vào Việt Nam bằng cách nới room cho nhà đầu tư nước ngoài và nỗ lực để được nâng hạng lên thị trường mới nổi theo MSCI. Tôi k ỳ vọng Chính phủ sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa và tôi tin rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có một tương lai rất hứa hẹn".

Cũng bày tỏ sự lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Jaruchart Chuchachart – chuyên gia đến từ Thái Lan khẳng định: “ Việt Nam hiện đang là một trong những thị trường chứng khoán được nhà đầu tư Thái Lan quan tâm nhiều nhất, kể cả trung và dài hạn. Trước khi xảy ra biến động liên quan đến thuế quan, chỉ số chứng khoán Việt Nam được đánh giá là một trong những chỉ số có sức chống chịu tốt nhất ở Đông Nam Á, bởi tất cả các quốc gia trong khu vực đều đang gặp khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều bất ổn ”.

So với Thái Lan, tăng trưởng GDP của Việt Nam theo vị này rất hấp dẫn, đạt 7% vào năm ngoái (trước khi có thông tin về chính sách thuế quan mới) và dự kiến sẽ đạt 8% trong năm nay – so với mức tăng trưởng thấp ở các nước trong khu vực. Dòng vốn FDI hiện cũng đang đổ mạnh vào Việt Nam và định giá thị trường vẫn chưa quá đắt so với trong các quốc gia trong cùng khu vực. Ngoài ra, về dài hạn, xu hướng nhân khẩu học cũng là một điểm cộng lớn – lực lượng lao động trẻ tuổi vẫn đang tiếp tục gia nhập vào nền kinh tế.

Bạn đang đọc bài viết "Chứng khoán Việt Nam vẫn “hấp dẫn” trong mắt loạt chuyên gia ngoại" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.