Với quy mô khoảng 150 gian hàng, triển lãm không chỉ tập trung vào các công nghệ vi mạch tiên tiến mà còn mở rộng sang các lĩnh vực liên quan như quang điện tử, robot, nhà máy thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất. Những công nghệ này không chỉ thúc đẩy chuyển đổi số mà còn giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam 2024, các DN sẽ có cơ hội tham gia các chương trình giới thiệu sản phẩm và công nghệ nổi bật, tổ chức luân phiên trong suốt thời gian diễn ra triển lãm. Những công ty hàng đầu như FPT JETKING, Công ty TNHH Dịch vụ Công nghệ Nano Việt Nam, Advantech Việt Nam, Công ty Cổ phần SOTAVILLE, Alliance Global Services, VIET DYNAMIC, Công ty TNHH TM UNITEK… sẽ trình diễn các giải pháp mới về công nghệ vi mạch, quang điện tử, và tự động hóa.
Ghi nhận tại triển lãm, các doanh nghiệp đã mang đến các sản phẩm và công nghệ bán dẫn hiện đại, như: Mạch tích hợp, thiết bị quang điện tử, thiết bị công suất, cảm biến, đóng gói và thử nghiệm, thiết bị và vật liệu chuyên dụng cho bán dẫn...
Bên cạnh đó, các ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), thành phố thông minh, thiết bị y tế, điện tử ô tô... cũng được giới thiệu đến quan khách.
Vi mạch bán dẫn là ngành ưu tiên thu hút đầu tư của TPHCM
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết: Triển lãm là một phần trong Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn giai đoạn 2024 - 2030 nhằm thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số và giảm phụ thuộc công nghệ nước ngoài. Đây là sự kiện đánh dấu bước tiến mới của ngành vi mạch bán dẫn TPHCM.
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có cơ hội tiếp xúc và hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển các ngành công nghệ cao của TPHCM, trong khuôn khổ của Triển lãm quốc tế ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam năm 2024, Sở Công Thương TPHCM phối hợp các đơn vị tổ chức sự kiện đồng hành là Triển lãm quốc tế Quang điện tử, Laser và công nghệ hiển thị, cảm ứng Việt Nam 2024.
Cùng với đó, các diễn đàn, hội thảo chủ đề: "Xúc tiến cơ hội hợp tác đầu tư ngành vi mạch bán dẫn TPHCM", "Thiết lập hệ sinh thái ngành vi mạch bán dẫn tại TPHCM"; các hội thảo kỹ thuật, các chương trình giới thiệu sản phẩm, trình diễn công nghệ của các đơn vị, tổ chức tiêu biểu được tổ chức luân phiên trong các ngày diễn ra triển lãm.
Theo các chuyên gia, ngành vi mạch bán dẫn đã trở thành lĩnh vực cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và là ngành ưu tiên thu hút đầu tư của TPHCM. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, đề cập lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn trở thành ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố.
Mục tiêu đến năm 2030, TPHCM sẽ trở thành đô thị thông minh, là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số… Trong đó, TPHCM xác định ngành vi mạch bán dẫn đã trở thành lĩnh vực cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, là động lực tăng trưởng và là ngành ưu tiên thu hút đầu tư của Thành phố.
Triển lãm Semicon Việt Nam 2024 do Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM (CSID) phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức, sẽ diễn ra đến ngày 2/11. Dự kiến, hơn 3.000 lượt khách tham quan triển lãm.
Anh Lê