Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng ấn tượng vào năm 2023 với mức tăng 3,83%, cao nhất tính từ năm 2019. Trong đó, chiếm hơn 1/4 tỉ trọng ngành nông nghiệp, chăn nuôi Việt Nam đã có những bước tiến nổi bật trong bối cảnh phát triển công nghệ và hội nhập quốc tế.
Cụ thể, năm 2023, tổng sản lượng của ngành chăn nuôi tăng 6,38% so với năm trước đó. Chăn nuôi lợn đứng thứ 6 thế giới về sản lượng, giúp cung cấp khoảng 4,5 triệu tấn thịt hơi. Chăn nuôi gia cầm giúp cung cấp 2,3 triệu tấn thịt hơi và 19,2 tỷ quả trứng. Không chỉ đáp ứng cho nhu cầu trong nước, các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam còn được xuất khẩu với tổng giá trị xuất khẩu năm 2023 đạt 515 triệu USD, tăng 26,2% so với năm trước đó. Dự báo, năm 2024, ngành chăn nuôi vẫn tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng so với năm trước.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngành chăn nuôi của Việt Nam dù đang có những kết quả tích cực nhưng cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức từ biến đổi khí hậu, nguồn tài nguyên hạn hẹp...
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triên Nông thôn Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, trước bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và nguồn tài nguyên hạn hẹp, việc duy trì mô hình chăn nuôi truyền thống đang đặt ra nhiều thách thức.
Theo đó, nhằm đạt được mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và nhu cầu phát triển bền vững của ngành, chuyển đổi sang nền chăn nuôi xanh trở thành một xu hướng tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.
Doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao
Nhận thức rõ được vai trò quan trọng của phát triển nông nghiệp xanh, ngay từ khi có mặt tại Việt Nam, Tập đoàn De Heus - một tập đoàn đa quốc gia luôn tâm niệm mọi hoạt động hay quyết định đưa ra đều phải mang tính bền vững.
Trong những năm gần đây, De Heus Việt Nam đều thực hiện đo lường các chỉ số phát triển bền vững quan trọng, để từ đó xây dựng và phát triển một chiến lược phát triển bền vững đi kèm các mục tiêu và dự án hành động cụ thể cho 10 năm tới. Công ty đã xây dựng các trang trại, nhà máy thân thiện với môi trường, hướng đến tương lai với tiêu chí lấy phát triển bền vững làm kim chỉ nam cho tất cả hoạt động kinh doanh của mình, luôn cố gắng đảm bảo cho quá trình sản xuất luôn xanh, sạch và thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Giám Đốc đối ngoại Tập đoàn De Heus cho biết, hiện nay Tập đoàn De Heus đang là một trong những đơn vị hàng đầu Việt Nam cung cấp dinh dưỡng cho ngành chăn nuôi và đang xây dựng các chuỗi liên kết. Sản lượng của Tập đoàn đạt khoảng 3 triệu tấn thức ăn mỗi năm. Hiện nay, De Heus đang tập trung xây dựng chuỗi liên kết với mục tiêu mang đến giá trị tối ưu nhất cho chăn nuôi, đồng thời, tạo mối liên kết chặt chẽ cho các mắt xích trong chuỗi liên kết.
Với định hướng phát triển chuỗi nông nghiệp công nghệ cao, một trong những doanh nghiệp top đầu về chăn nuôi Việt Nam là Tập đoàn Hùng Nhơn đã "bắt tay" cùng Tập đoàn De Heus (Hà Lan) mở rộng đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại, theo các tiêu chuẩn tiên tiến trên thế giới tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn cho hay: Chuỗi liên kết De Heus-Hùng Nhơn có quy mô sản xuất khoảng 1,6 triệu con gà thịt. Những kết quả trong sản xuất chăn nuôi của chuỗi liên kết De Heus-Hùng Nhơn luôn được duy trì và phát triển trong 10 năm qua, không chỉ tại tỉnh Bình Phước mà còn mở rộng ra các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Nhờ sự hợp tác này, Tập đoàn Hùng Nhơn trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên xuất khẩu gà sang thị trường Nhật Bản, một trong những thị trường khó tính nhất hiện nay.
Về chiến lược phát triển chuỗi nông nghiệp công nghệ cao năm 2024 và tầm nhìn đến năm 2030, ông Vũ Mạnh Hùng cho biết, Tập đoàn Hùng Nhơn hướng tới doanh thu dự kiến khoảng 2 tỷ USD vào năm 2030. Trong chiến lược này, De Heus sẽ cung cấp cho các trang trại chăn nuôi nguồn con giống chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Minh Lê