Các tỷ phú đang dùng tên tuổi và tài sản của mình vào một cuộc chơi mới - đường đua chính trị Mỹ. Ảnh: Business Insider. |
Elon Musk, CEO Tesla và SpaceX, là một trong số những tỷ phú công khai ủng hộ Donald Trump trong cuộc đua giành ghế tổng thống Mỹ. New York Times gọi hành động này là bước đi “được ăn cả, ngã về không” của vị tỷ phú. Ông không ngần ngại gằn liền danh tiếng và ảnh hưởng của mình với cựu tổng thống Mỹ.
Musk không chỉ đưa ra quan điểm chính trị trên nền tảng mạng xã hội của mình X (trước đây là Twitter), mà còn tham gia các buổi vận động tranh cử và đóng góp tài chính vào chiến dịch của ông Trump. "Chúng ta sẽ đưa chính phủ ra khỏi túi tiền và cuộc sống của các bạn”, Musk phát biểu trong một sự kiện của Trump tại Madison Square Garden.
Cuộc đua triệu USD vào chính trường Mỹ
Không giống Musk, Jeff Bezos - người sáng lập Amazon đồng thời chủ sở hữu Washington Post - vẫn giữ khoảng cách nhất định trong cuộc bầu cử. Tuy nhiên, cuối tháng 10, Bezos đã ra lệnh cho tờ báo hủy công bố ủng hộ ứng viên Đảng Dân chủ Kamala Harris vào phút chót.
Quyết định này ngay lập tức bùng phát thành một cuộc khủng hoảng. Hơn 250.000 độc giả của Washington Post hủy đăng ký, tương đương khoảng 10% tổng số người dùng trả tiền, theo dữ liệu từ NPR và chính Washington Post.
Danny Caine, tác giả của cuốn How to Resist Amazon and Why, nhận định: "Amazon đã phát minh ra khái niệm mua hàng chỉ với một cú nhấp chuột. Bạn có thể hủy đăng ký báo của Bezos cũng dễ dàng như khi mua một cuộn giấy vệ sinh vậy".
Những độc giả từ bỏ Washington Post cho rằng Bezos cố tình lấy lòng Trump. Song, cáo buộc này nhanh chóng bị Bezos phủ nhận.
Cựu Tổng thống Donald J. Trump cùng Elon Musk tại một cuộc vận động bầu cử ở Butler, Pa. Ảnh: New York Times. |
Theo New York Times, cuộc chơi chính trị của Musk và Bezos dường như chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi hàng loạt tỷ phú tham gia và chi phối nền chính trị Mỹ. Larry Ellison, nhà sáng lập Oracle, gần đây đã rót ít nhất 30 triệu USD cho chiến dịch tranh cử của thượng nghị sĩ Cộng hòa Tim Scott từ bang South Carolina.
Dù Ellison đã mạnh tay chi tiền, ông cũng rơi vào thế "ném đá ao bèo" bởi Scott không thể trở thành ứng viên phó tổng thống của ông Trump.
Ngoài những con số triệu USD, mối quan hệ giữa các tỷ phú công nghệ và cuộc bầu cử Mỹ 2024 còn thông qua mối liên kết quyền lực giữa họ và chính phủ. NASA gần đây đã công bố hợp đồng trị giá 843 triệu USD với SpaceX để thực hiện sứ mệnh "vô hiệu hóa" trạm không gian ISS khi nó kết thúc vòng đời hoạt động trong vài năm tới.
Không chỉ vậy, SpaceX còn ký các hợp đồng với Bộ Quốc phòng Mỹ để phóng vệ tinh quân sự, cùng với các hợp đồng đưa con người lên Mặt trăng trị giá tổng cộng 4 tỷ USD.
Mặc dù hăng hái tham gia cuộc chơi chính trị, Elon Musk không ít lần gặp rắc rối với các cơ quan giám sát của chính phủ, đặc biệt là trong lĩnh vực xe tự lái của Tesla, New York Times cho hay.
Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường bộ Mỹ (NHTSA) đã công bố điều tra về các vụ tai nạn liên quan đến xe tự lái của Tesla trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như sương mù. Musk cũng từng bị Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) điều tra về việc mua lại Twitter (nay là X) vào năm 2022. Vụ việc trở nên phức tạp khi Musk không đến phiên điều trần của SEC vào tháng 9 vừa qua. SEC yêu cầu trừng phạt ông.
"Hèn nhát" để bảo vệ lợi ích
Ít nổi bật hơn Musk, nhưng Jeff Bezos cũng không thể thoát khỏi liên quan đến chính trị. Bộ Tư pháp Mỹ gần đây đã kiện Amazon vì vi phạm luật chống độc quyền. Trong khi Trump còn là tổng thống, Amazon và Bezos nhiều lần bị ông chỉ trích công khai.
Khi công ty này đấu thầu hợp đồng điện toán đám mây trị giá 10 tỷ USD của Lầu Năm Góc, Trump bị cáo buộc cản trở để Microsoft giành phần thắng. Kết quả là hợp đồng bị hủy và sau đó được chia cho cả Amazon và Microsoft.
Jeff Bezos và Elon Musk có lối đi khác nhau trong cuộc bầu cử tổng thống, với những kết quả đạt được cũng khác nhau. Ảnh: New York Times. |
Một tài sản khác của Bezos sẽ chịu rủi ro cao nếu Trump đắc cử là công ty Blue Origin. Công ty này đang cạnh tranh với SpaceX để giành hợp đồng phóng tên lửa phục vụ an ninh quốc gia cho chính phủ Mỹ trong 5 năm tới.
Trong bối cảnh này, Gordon L. Johnson II, nhà phân tích tài chính nổi tiếng ở New York, cho rằng cả Musk và Bezos đều đang hành động "một cách hợp lý". "Họ đang cố gắng bảo vệ lợi ích của mình”, Johnson nói.
Theo New York Times, quả thật, tài sản và quyền lực của những người giàu có đã tạo ra ảnh hưởng to lớn lên chiến trường chính trị. Đặc biệt khi sự giàu có của họ tăng nhanh đến mức chóng mặt.
Thống kê cho thấy số lượng tỷ phú ở Mỹ đã tăng 38% kể từ khi ông Trump đắc cử lần đầu vào năm 2016. Bất chấp những đe dọa từ luật chống độc quyền, siết chặt quy định, cuộc sống của người giàu và các công ty của họ vẫn rất tốt đẹp. Thị trường chứng khoán luôn ở mức cao kỷ lục.
Theo Johnson, kịch bản tốt nhất cho Musk là nếu Trump thắng, ông sẽ có thể gác lại các cuộc điều tra từ Bộ Tư pháp và SEC. Còn nếu Harris thắng, các cuộc điều tra này sẽ tiếp tục.
“Nếu bạn muốn bảo vệ lợi ích kinh doanh, hèn nhát là điều hợp lý”, Johnson nói. Điều này là dễ hiểu khi đây là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, một ứng viên tổng thống lại có khả năng đe dọa đến các công ty công nghệ lớn đến như vậy.
Giải mã bí ẩn Thung lũng Silicon
Cuốn sách giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Thung lũng Silicon qua cái nhìn của người trong cuộc, đồng thời đưa ra những lời khuyên để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp đi đúng hướng.