Cách thanh toán QR code phát triển chóng mặt tại Trung Quốc

04/11/2024 16:01

Không chỉ tiên phong phát triển công nghệ thanh toán điện tử, Trung Quốc còn không ngừng hợp tác với các quốc gia nhằm mở rộng hệ thống thanh toán qua mã QR (QR code) ra toàn cầu.

Thanh toán qua QR code là một phần không thể thiếu với người dân Trung Quốc hiện nay. Ảnh: Alipay.

Mở rộng hệ thống thanh toán xuyên biên giới nằm trong chiến lược chính phủ Trung Quốc triển khai vào năm 2013, nhằm thúc đẩy kết nối và hợp tác giữa các quốc gia thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng và thương mại.

Đến nay, Trung Quốc đã thiết lập các thỏa thuận thanh toán xuyên biên giới với nhiều quốc gia, gần đây nhất là Việt Nam. Điều này mở ra cơ hội cho các nước tiếp cận hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt tiên tiến thông qua các nền tảng điện tử lớn của Trung Quốc.

Đáng chú ý, 2 ví điện tử lớn nhất của nước này - Alipay và WeChat Pay đang xử lý hơn 1 tỷ giao dịch xuyên biên giới mỗi năm thông qua các điểm chấp nhận QR code ở nước ngoài, theo báo cáo của Ant Group.

Thanh toán xuyên quốc gia

Giữa tháng 10 vừa qua, Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) và UnionPay International (Trung Quốc) đã ký biên bản ghi nhớ phát triển hệ thống thanh toán xuyên biên giới qua QR code.

Theo đó, 2 bên nhất trí việc kết nối các hệ thống thanh toán, hỗ trợ giao dịch thương mại song phương nhằm nâng cao trải nghiệm thanh toán cho khách du lịch nội địa.

Ông Dong Junfeng, Chủ tịch UnionPay International nhận định thỏa thuận này hứa hẹn mang lại thay đổi lớn trong các hoạt động thương mại và du lịch giữa 2 quốc gia, với mục tiêu không chỉ tạo sự thuận tiện trong thanh toán mà còn thúc đẩy quá trình hội nhập tài chính.

Tại Việt Nam, hình thức thanh toán QR code cũng đã trở nên phổ biến, đặc biệt tại các thành phố lớn. Người tiêu dùng không chỉ sử dụng mã QR để mua sắm tại cửa hàng mà còn sử dụng để thanh toán hóa đơn, mua vé xe buýt và đặt hàng trực tuyến. Các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, nhà hàng đều đã tích hợp mã QR để phục vụ khách hàng nhanh chóng và thuận tiện hơn.

QR code cũng là hình thức thanh toán không tiền mặt duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng 3 chữ số trong nhiều năm trở lại đây. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong 8 tháng đầu năm nay, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng 59% về số lượng và tăng 34% về giá trị. Trong đó, thanh toán qua QR Code tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 3 chữ số, với mức tăng 109% về số lượng và 111% về giá trị so với cùng kỳ, là mức tăng trưởng cao nhất trong tất cả loại hình thanh toán không dùng tiền mặt.

QR code anh 1

Hệ sinh thái Alipay+ giúp khách du lịch Trung Quốc dễ dàng thực hiện giao dịch ở các quốc gia. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Tại Thái Lan, hệ thống thanh toán qua mã QR đã phát triển mạnh thông qua hợp tác với các ngân hàng Trung Quốc. Đáng chú ý, TrueMoney - một trong những ví điện tử phổ biến tại nước này đã được tích hợp vào hệ sinh thái Alipay+, cho phép khách hàng thực hiện giao dịch với QR code tại các quốc gia sử dụng chung hệ thống mà không cần mở tài khoản nước ngoài.

Theo khảo sát từ Thái Lan, khoảng 75% người tiêu dùng hiện nay sử dụng mã QR trong các giao dịch hàng ngày.

Campuchia cũng ký thỏa thuận với Alipay thông qua hệ thống KHQR (Khmer QR code). Thỏa thuận này không chỉ kết nối Alipay với hệ thống KHQR của Campuchia, mà còn mở ra cơ hội cho người dùng ví điện tử tại Campuchia tiếp cận 83 triệu nhà bán lẻ toàn cầu, hỗ trợ quốc gia này thu hút thêm du khách Trung Quốc - một thị trường du lịch quan trọng.

"Điều này sẽ nâng cao trải nghiệm của du khách Trung Quốc khi đến Campuchia, từ đó tạo cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế địa phương khi doanh nghiệp nhỏ có thể tăng doanh thu bán hàng nhờ vào việc thanh toán dễ dàng hơn", Dr. Chea Serey, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Campuchia chia sẻ với CNBC.

Theo số liệu từ Ngân hàng Quốc gia Campuchia, khoảng 60% người dân đã sử dụng mã QR cho các giao dịch thanh toán vào năm 2023. Sự phát triển này đã làm tăng doanh thu trong ngành du lịch lên tới 40%, với nhiều du khách chọn thanh toán qua bằng mã QR thay vì tiền mặt​.

Ngoài ra, hệ thống thanh toán điện tử của Trung Quốc cũng đã thâm nhập vào Nhật Bản, khi UnionPay QR code được tích hợp vào hệ thống tàu điện ngầm tại Fukuoka. Hiện, Nhật Bản đang nỗ lực ký kết các thỏa thuận thanh toán điện tử với các quốc gia ASEAN, và dự kiến được triển khai hoàn chỉnh vào năm 2025, Nikkei đưa tin.

Đáng chú ý, Alipay đã hợp tác với các mạng lưới thẻ toàn cầu để nâng cao khả năng thanh toán cho du khách quốc tế thông qua liên kết thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ quốc tế như Visa, Mastercard, JCB, Discover và Diners Club International.

Ngoài TrueMoney, 9 nền tảng khác cũng đã được tích hợp vào hệ thống Alipay+, bao gồm mPay (Macao), Hipay (Mông Cổ), Changi Pay, OCBC (Singapore), Naver Pay, Kakao Pay, Toss Pay (Hàn Quốc), AlipayHK (Hong Kong) và Touch ‘n Go eWallet (Malaysia).

Cuộc cách mạng "không tiền mặt"

Theo báo cáo của UnionPay, tổng giá trị giao dịch điện tử hàng năm của Trung Quốc đạt 434.000 tỷ USD, với hơn 80% giao dịch tiêu dùng hàng ngày thực hiện qua nền tảng di động, CTM đưa tin.

Dữ liệu của NetsUnion Clearing Corporation cũng cho thấy hơn 28,75 triệu giao dịch đã được thực hiện bằng ví điện tử nước ngoài trong nửa đầu năm nay, đạt 5,32 tỷ nhân dân tệ (gần 750 triệu USD).

Hệ thống mã QR đã thay đổi hoàn toàn cách người dân Trung Quốc thực hiện các giao dịch hàng ngày. Từ việc mua đồ ăn, thanh toán siêu thị, đặt taxi cho đến trả tiền vé xem phim, tất cả đều có thể thực hiện chỉ qua một thao tác quét mã QR. Ngay cả những người bán hàng rong hay ăn xin trên đường phố cũng sử dụng mã QR để nhận tiền​.

Theo Global China, sự phổ biến của QR code đã tạo ra một cuộc cách mạng trong hệ thống thanh toán của Trung Quốc.

QR code anh 2

Cảm biến quét lòng bàn tay do Tencent triển khai tại Trung Quốc. Ảnh: Handout.

Không dừng lại ở mã QR, Trung Quốc còn đang phát triển các hệ thống thanh toán dựa vào sinh trắc học. Tencent - công ty mẹ của WeChat - đặt niềm tin vào Weixin Palm Payment, hệ thống sinh trắc học được ra mắt vào tháng 5/2023 trên tính năng thanh toán Weixin Pay (WeChat Pay).

Theo CNN, hệ thống cho phép người dùng giơ lòng bàn tay lên cảm biến. Camera hồng ngoại sẽ phân tích vân bàn tay và tĩnh mạch dưới da, từ đó nhận dạng người dùng và xử lý thanh toán chỉ trong vài giây.

Không chỉ tăng cường các phương thức thanh toán không tiền mặt, Trung Quốc còn cắt giảm lượng ATM trên toàn quốc để giảm thiểu lượng tiền mặt được rút ra. Số liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho thấy tổng số ATM trên toàn quốc đã giảm xuống dưới 1 triệu điểm lần đầu tiên vào năm 2021, và đến năm 2022 quốc gia này còn chưa đến 900.000 cây ATM. Mỗi quý năm ngoái tiếp tục ghi nhận hàng nghìn máy ATM bị loại bỏ.

"Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia không tiền mặt trong tương lai gần", ông Terry Yang, đối tác tại công ty luật Clifford Chance chia sẻ với SCMP.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới là rất quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.

Bạn đang đọc bài viết "Cách thanh toán QR code phát triển chóng mặt tại Trung Quốc" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.