Áp lực bán mạnh trên thị trường hàng hóa thế giới trước ngày nghỉ Tết

15/01/2025 04:30

(Chinhphu.vn) - Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết trong phiên giao dịch cuối năm 2024, các nhà đầu tư đã gia tăng hoạt động chốt lời. Theo đó, lực bán chiếm ưu thế trên thị trường giao dịch hàng hóa thế giới.

Áp lực bán mạnh trên thị trường hàng hóa thế giới trước ngày nghỉ Tết- Ảnh 1.

Đóng cửa, chỉ số MXV-Index giảm nhẹ 0,04% xuống 2.212 điểm. Đáng chú ý, giá ca cao tiếp tục “gây sốt” khi tăng tiếp 1,5%, đang hướng về đỉnh kỷ lục lịch sử đã từng thiết lập hồi giữa tháng 12. Trong khi đó, trên thị trường kim loại, 7/10 mặt hàng đều chìm trong sắc đỏ.

Giá ca cao tiến gần mức 12.000 USD/tấn

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2024 (31/12), bảng giá nhóm nguyên liệu công nghiệp chứng kiến sự phân hóa giữa sắc xanh và đỏ khi hai mặt hàng cao su nghỉ lễ. Thị trường tiếp tục đổ dồn chú ý tới mặt hàng ca cao.

Đóng cửa, giá ca cao hợp đồng tháng 3/2025 trên Sở Giao dịch Liên lục địa NewYork (ICE-US) tăng thêm gần 1,5%, leo gần mức cao lịch sử 12.000 USD/tấn. Thị trường tiếp tục phản ứng với những thông tin cơ bản thể hiện lo ngại về khả năng bảo đảm đủ nguồn cung ca cao trong những tháng đầu năm 2025.

Áp lực bán mạnh trên thị trường hàng hóa thế giới trước ngày nghỉ Tết- Ảnh 2.

Nông dân trồng ca cao tại Bờ Biển Ngà cho biết cây ca cao đã bắt đầu bị ảnh hưởng nặng do gió mùa Harmattan khô hoạt động mạnh tại các khu vực sản xuất chính, đặc biệt là tại Trung Tây Daloa, trung tâm Yamoussoukro và trung tâm Bongouanou. Gió mùa cường độ mạnh, lượng mưa rất thấp đã khiến lá ca cao chuyển vàng, quả héo úa.

Trước đó, vào ngày 18/12, giá ca cao đã lập kỷ lục mọi thời đại khi vượt mốc 12.000 USD/tấn trong bối cảnh sản lượng ca cao xuống thấp và triển vọng mùa vụ kém tích cực tại Tây Phi. Thậm chí Công ty Công nghệ vũ trụ Maxar Technologies (Mỹ) còn dự báo rằng tình hình khô hạn ở khu vực Tây Phi sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của cây ca cao và khiến cho sản lượng thu hoạch vào tháng 4 tới rất căng thẳng.

Ngoài ra, các nhà xuất khẩu ca cao tại Bờ Biển Ngà, ước tính từ 1/10 - 29/12 lượng ca cao cập cảng tại quốc gia này đạt 1,05 triệu tấn, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sự gia tăng này chủ yếu là kết quả của sản lượng và xuất khẩu ca cao niên vụ 2023-2024 trước đó giảm mạnh. Thực tế, so với các vụ mùa bình thường trước đây, lượng ca cao cập cảng trong vụ hiện tại vẫn ở mức thấp. Hơn thế, mức tăng trong tuần này đã giảm 2,7 điểm phần trăm so với mức tăng tính đến ngày 22/12.

Diễn biến đáng chú ý khác trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, kết phiên hôm qua, giá hai mặt hàng cà phê tiếp tục suy yếu khi giới đầu cơ chốt lời trước khi nghỉ lễ và triển vọng nguồn cung cà phê vụ tiếp theo tại Brazil có tín hiệu cải thiện. Trong đó, giá cà phê Arabica giảm nhẹ 0,39% và giá cà phê Robusta đánh mất 0,93% so với tham chiếu.

Được biết, tuần trước, tình hình thời tiết tại các khu vực trồng cà phê Arabica chính của Brazil đã cải thiện và xua đi những lo ngại về triển vọng nguồn cung cà phê vụ 2025-2026. Cơ quan Khí tượng Somar đưa tin lượng mưa tại Minas Gerais, bang sản xuất cà phê Arabica lớn nhất tại Brazil đạt 102,8 mm vào tuần trước, cao hơn 82% so với lượng mưa trung bình trong lịch sử.

Áp lực bán mạnh trên thị trường hàng hóa thế giới trước ngày nghỉ Tết- Ảnh 3.

Thị trường kim loại chịu áp lực bán mạnh

Theo MXV, trong phiên giao dịch ngày hôm qua, giá phần lớn các mặt hàng kim loại đều giảm khi nhà đầu tư đẩy mạnh hoạt động bán chốt lời trước ngày nghỉ Tết dương lịch. Đối với kim loại quý, giá bạc nối dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp khi giảm khoảng 0,6% về 29,24 USD/ounce. Giá bạch kim cũng giảm hơn 1% xuống mức 910,5 USD/ounce, đánh dấu phiên giảm giá thứ tư liên tiếp.

Bên cạnh lực bán kĩ thuật, nhóm kim loại quý cũng đang phải chịu áp lực dưới sự mạnh lên của đồng USD. Chỉ số Dollar Index, thước đo đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt khác, chốt phiên hôm qua tăng 0,33% lên 108,49 điểm, vững vàng neo ở mức đỉnh hai năm. Việc đồng bạc xanh liên tục mạnh lên khiến chi phí đầu tư trở nên đắt đỏ hơn, qua đó gây áp lực lên giá kim loại quý. Đây cũng đang là yếu tố chính gây áp lực lên giá các mặt hàng trong nhóm trong khoảng hai tuần gần đây.

Thêm nữa, lo ngại Mỹ rơi vào nguy cơ vỡ nợ được xoa dịu bớt đã làm giảm nhu cầu đầu tư vào các kênh trú ẩn an toàn, từ đó kéo lực bán kim loại quý gia tăng. Theo giới chuyên gia đánh giá, Mỹ khó có thể rơi vào nguy cơ vỡ nợ như cảnh báo mới đây của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Chính phủ Mỹ sẽ sớm hành động để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.

Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX giảm 1,62% về 8.876 USD/tấn, đánh dấu phiên giảm giá thứ ba liên tiếp. Bên cạnh sức ép từ đồng USD mạnh lên, giá đồng cũng đang phải chịu áp lực khi tiêu thụ đồng có dấu hiệu chững lại tại thị trường Trung Quốc. Dữ liệu từ Sàn Giao dịch Thượng Hải cho thấy tồn kho đồng tại đây đã tăng trở lại sau 9 tuần giảm liên tiếp trước đó, đạt hơn 70.000 tấn trong tuần kết thúc ngày 23/12.

Thêm vào yếu tố gây áp lực lên giá, các chuyên gia trong ngành đã cảnh báo rằng giá kim loại đỏ này dự kiến tiếp tục giảm trong những năm tới bởi sức ép đến từ nhu cầu tiêu thụ yếu kém, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới – chiếm hơn 50% trong tổng cơ cấu nhu cầu đồng toàn cầu. 

Cụ thể, giá đồng dự kiến sẽ đánh mất mốc 9.000 USD/tấn (tương đương 4,08 USD/pound) vào năm 2025. Sang năm 2026, giá đồng sẽ giảm về mức 8.000 USD/tấn (3,63 USD/pound) và tiếp tục giảm cho đến năm 2030, theo dự báo của các nhà nghiên cứu tại Capital Economics.


Bạn đang đọc bài viết "Áp lực bán mạnh trên thị trường hàng hóa thế giới trước ngày nghỉ Tết" tại chuyên mục TIÊU DÙNG. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.