Nắm được nhu cầu của người dân để trợ giúp "trúng" và "đúng"

15/01/2025 06:00

Nhằm khắc phục những khó khăn trong hành trình "đưa pháp luật vào cuộc sống", Hội Luật gia các địa phương đã khéo léo áp dụng các biện pháp để gặt hái kết quả cao.

Hành trình gian nan

Hơn 10 năm công tác với Hội Luật gia, Luật gia Ngô Thị Liên - Chủ tịch Hội luật gia tỉnh Bình Dương khóa V, nhiệm kỳ 2019-2024 chia sẻ, đưa pháp luật vào cuộc sống là hành trình rất gian nan. Bởi, với người dân, việc tìm hiểu kiến thức pháp luật không phải là nhu cầu quan trọng nhất với họ. Chỉ khi có những việc bắt buộc phải dùng đến pháp luật để giải quyết thì người dân mới tìm đến Hội Luật gia, các trung tâm tư vấn pháp luật hay văn phòng luật sư,…

Trong những năm quan, từ thực tiễn công tác với kinh nghiệm và sự đúc kết của hàng trăm hội viên Hội Luật gia tỉnh cho thấy, để đạt hiệu quả tuyên truyền cao, trước hết phải nắm bắt người dân đang cần gì.

Nắm được nhu cầu của người dân để trợ giúp "trúng" và "đúng"- Ảnh 1.

Hội Luật gia tỉnh Bình Dương tuyên truyền, phổ biến một số nội dung cơ bản của Bộ luật Lao động cho công nhân lao động ở phường Hưng Định, Tp.Thuận An.

Nữ Luật gia chia sẻ, do đặc thù là địa bàn có nhiều khu công nghiệp, tập trung lượng lớn người lao động các tỉnh đổ về. Do đó, Hội xác định đặc biệt chú trọng bảo vệ những người yếu thế, tập trung mạnh vào nhóm đối tượng người lao động, phụ nữ và trẻ em.

"Đối với họ, nhu cầu cơ bản nhất không phải là tiếp cận pháp luật mà là được đủ ăn, đủ mặc. Ý thức được điều đó, Hội Luật gia tỉnh thường lồng ghép các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật qua các mô hình như phiên chợ 0 đồng", Luật gia Lê Thị Liên chia sẻ.

Tiếp đó, cần tập trung những vấn đề được người lao động quan tâm như liên quan đến; Luật lao động, Luật bảo hiểm, Luật hôn nhân gia đình,…để truyền đạt một cách trọng tâm, ngắn gọn, súc tích nhất đến người dân.

Trong khi đó, với đặc thù là thành phố phát triển nhanh, kéo theo các vấn đề xây dựng hạ tầng, giải phóng mặt bằng rất lớn trong những năm quan nên người dân địa phương đặc biệt quan tâm đến Luật đất đai.

Nắm bắt được nhu cầu bức thiết đó, các cấp Hội đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về Luật này đều thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân. Với tư cách hội viên Hội Luật gia đứng ra tư vấn những thông tin pháp luật một cách dễ hiểu và khách quan đã nhanh chóng nhận được sự đồng thuận của người dân.

Bên cạnh đó, nắm bắt được người dân có xu hướng sử dụng mạng xã hội bùng nổ trong những năm qua, để đảm bảo chiều sâu và tính liên tục trong công tác xây dựng chính sách pháp luật, để người dân dễ tiếp cận, Hội Luật gia tỉnh xây dựng các đội nhóm trên nền tảng mạng xã hội.

Nhiệm kỳ qua, công tác tư vấn pháp luật với hình thức đa dạng như "Trả lời bạn đọc" trên các phương tiện thông tin đại chúng, tư vấn pháp luật tại văn phòng và các chi nhánh đều thực hiện miễn phí cho người dân. Hội Luật gia Bình Dương đã thực hiện được 687 vụ việc trên báo đài; tư vấn pháp luật miễn phí 261 lần cho 435 người dân.

Các luật gia trợ giúp cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội tại các phiên tòa dân sự, hành chính 76 người dân. Ngoài ra, còn được Tòa án chỉ định luật sư của Hội Luật gia bào chữa cho 27 bị cáo vị thành niên, tại các phiên tòa hình sự.

Từng bước xây dựng và trưởng thành, đến nay HLG tỉnh Bình Dương đã thành lập 9/9 huyện Hội và các chi Hội cơ quan ban, ngành trực thuộc tỉnh Hội với khoảng 700 hội viên. Với đội ngũ ngày càng lớn mạnh, Hội luật gia tỉnh ngày càng có những đóng góp to lớn vào công tác xây dựng chính sách pháp luật, tư vấn và trợ giúp pháp lý cho người dân.

Biến khó khăn thành cơ hội

Trong khi đó, với đặc thù là địa bàn vùng sâu, vùng xa với nhiều dân tộc thiểu số là những trở ngại rất lớn khi "đưa pháp luật vào cuộc sống" của Hội Luật gia tỉnh Điện Biên.

"Địa bàn tỉnh rộng, giao thông đi lại khó khăn, dân cư sống phân tán với 19 dân tộc, trình độ dân trí không đồng đều. Tại địa phương xuất hiện một số hiện tượng như: tảo hôn, di cư tự do, vượt biên trái phép, bỏ học sớm,…

Đó là những vấn đề được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm đòi hỏi tỉnh Điện Biên phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp", Luật gia Nguyễn Thị Phượng - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Điện Biên cho hay.

Nắm được nhu cầu của người dân để trợ giúp "trúng" và "đúng"- Ảnh 2.

Luật gia Nguyễn Thị Phượng - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Điện Biên.

Trong đó, Hội Luật gia tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn. Trước hết, Hội đẩy mạnh hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Đây luôn được xác định là hoạt động trọng tâm, thường xuyên của Hội.

Các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật của Hội được "hướng về cơ sở", tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chính sách mới của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên các nhóm đối tượng đặc thù.

Do điều kiện kinh tế khó khăn, không thể lồng ghép các chương trình tặng quà thu hút người dân, nên trước đợt tuyên truyền, các cấp Hội đã khéo léo tận dụng phong tục, tập quán của người dân để thu hút họ tham gia.

Cụ thể, đó là thông quan các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong dân để họ "làm công tác tư tưởng" trước đến với người dân. Từ đó giúp công tác dân vận hiệu quả.

Đặc biệt, sau khi thực hiện Đề án "Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017-2021", Hội luật gia tỉnh đã thực hiện tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh cho 7/10 huyện thị xã, thành phố.

Đối tượng cập nhật thông tin pháp luật, tuyên truyền, phổ biến pháp luật là công chức cấp xã, trưởng phó các tổ chức đoàn thể xã, trưởng thôn bản, bí thư chi bộ thôn bản, tổ trưởng tổ hòa giải,...

"Đây chính là đội ngũ gần dân, sát dân nhất để thực hiện các hoạt động tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý tới người dân, phát huy tốt tinh thần "hướng về cơ sở" của Hội Luật gia Việt Nam", luật gia Phượng cho hay.

Chủ tịch Hội luật gia tỉnh Điện Biên cũng cho rằng, nội dung các kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật phải được thống nhất lựa chọn để phổ biến là những nội dung pháp luật mới ban hành, gắn liền với đời sống lao động sản xuất của người dân.

Trong thời gian quan, những vấn đề nổi cộm liên quan đến các Luật như: Luật Đất đai, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Chăn nuôi, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia,…trở thành những vấn đề chính được tập trung tuyên truyền.

Trong nhiệm kỳ, Hội Luật gia tỉnh và các Chi hội Luật gia trực thuộc đã trực tiếp tổ chức 1.149 cuộc với hơn 75.000 lượt người tham dự; tham gia phối hợp tổ chức 6.600 cuộc phổ biến giáo dục pháp luật với trên 388.000 lượt người tham dự. Qua đó góp phần đảm bảo an ninh, trật tự xã hội tại địa phương.

Nhờ những thành tích và nỗ lực không ngừng, Hội Luật gia tỉnh Điện Biên vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, tặng Cờ thi đua xuất sắc của Hội Luật gia Việt Nam, tặng Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh Điện Biên,…Trong đó, có 66 cá nhân được tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển Hội Luật gia Việt Nam".


Bạn đang đọc bài viết "Nắm được nhu cầu của người dân để trợ giúp "trúng" và "đúng"" tại chuyên mục THƯƠNG TRƯỜNG. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.