Meme hài hước và emoji sáng tạo đang trở thành cầu nối giúp thương hiệu tiếp cận gần hơn với Gen Z. Ảnh minh họa: Như Phương. |
Là thế hệ kỹ thuật số lớn nhất từ trước đến nay, Gen Z đang nắm giữ sức ảnh hưởng lớn đối với các thị trường toàn cầu. Theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu NielsenIQ (NIQ), dự báo đến năm 2030, nhóm người tiêu dùng này sẽ kiểm soát khoảng 12 nghìn tỷ USD trong tổng giá trị chi tiêu, Tatler Asia đưa tin.
Lớn lên giữa những cuộc khủng hoảng môi trường, bất bình đẳng xã hội và làn sóng nội dung kỹ thuật số không ngừng nghỉ, Gen Z đã hình thành những thói quen mua sắm độc đáo và thay đổi liên tục.
Tháng 12 vừa qua, The Z Label - công ty startup tại Hong Kong (Trung Quốc) chuyên cung cấp sản phẩm tiêu dùng cho Gen Z - đã công bố báo cáo về những đặc điểm nổi bật của thế hệ này tại châu Á.
Báo cáo được thực hiện cùng Ooopen Lab, nền tảng trò chơi trực tuyến thuộc công ty tư vấn thiết kế thông tin Re:lab (Đài Loan, Trung Quốc), khảo sát hơn 4.000 Gen Z (sinh năm 1997-2012), chủ yếu đến từ Malaysia, Ấn Độ, Đài Loan, Philippines và Indonesia. Kết quả cho thấy meme và biểu tượng cảm xúc (emoji) có ảnh hưởng lớn đến quyết định mua sắm của giới trẻ.
Chiến lược marketing kết hợp meme và emoji giúp thương hiệu tạo dấu ấn và tăng tương tác với người tiêu dùng trẻ. Ảnh: duolingo/IG. |
Công cụ marketing hiệu quả
Văn hóa internet đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức Gen Z tương tác với các thương hiệu. Theo khảo sát, 3 định dạng nội dung được Gen Z ưa chuộng nhất bao gồm video ngắn trên TikTok và Instagram, meme và các bài đăng được thiết kế sáng tạo.
Có đến 1 trong 3 người tiêu dùng Gen Z đã mua sản phẩm sau khi thấy nó xuất hiện trong meme.
Hiện tượng này không chỉ là một xu hướng tạm thời. Meme đã trở thành một phần không thể thiếu trong các chiến lược marketing nhắm đến Gen Z. Đặc biệt, tại các thị trường như Hong Kong và Đài Loan, mức độ quan tâm đến meme cao hơn ít nhất 5% so với các khu vực khác.
Tuy nhiên, các thương hiệu cần phải cẩn trọng khi sử dụng meme. Mặc dù hài hước là yếu tố thu hút sự chú ý của Gen Z, báo cáo nhấn mạnh rằng meme phải phù hợp với thông điệp của thương hiệu. Một sai lầm nhỏ có thể dẫn đến phản ứng tiêu cực, vì Gen Z rất nhạy cảm với marketing thiếu chân thật hoặc không phù hợp. Do đó, các doanh nghiệp cần hiểu rõ văn hóa meme và sử dụng nó một cách sáng tạo và khéo léo để kết nối với thế hệ này.
Cùng với meme, biểu tượng cảm xúc (emoji) đã trở thành công cụ giao tiếp quan trọng trong cuộc sống của Gen Z. Những biểu tượng này không chỉ thể hiện cảm xúc vui vẻ hay tình cảm mà còn phản ánh bản sắc cá nhân.
Báo cáo chỉ ra rằng emoji khuôn mặt cố gắng kiềm chế nước mắt “🥹” dường như được Gen Z yêu thích nhất. Nhiều người tham gia khảo sát cho rằng đây là emoji phản ánh chính xác cảm xúc của họ, theo sau là emoji đôi mắt “👀” và chú hề “🤡”.
Đặc biệt, emoji khóc “😭” đứng ở vị trí thứ 5 nhưng lại mang ý nghĩa tích cực trong cộng đồng Gen Z. Khi gặp điều gì đó rất hài hước, họ không ngần ngại dùng emoji này để bày tỏ những trận "cười ra nước mắt".
Đối với các thương hiệu, việc hiểu rõ những biểu tượng cảm xúc nào gần gũi với Gen Z sẽ giúp tạo ra nội dung dễ tiếp cận và ấn tượng. Sử dụng emoji để thể hiện sự chân thành, đồng cảm hoặc hài hước sẽ giúp củng cố mối quan hệ cảm xúc giữa thương hiệu và người tiêu dùng, từ đó tăng cường sự tương tác và gắn kết.
Gen Z ưu tiên sự chân thật và cá nhân hóa, thúc đẩy thương hiệu thay đổi cách truyền tải thông điệp. Ảnh: theweirdandwild/IG. |
Những yếu tố quyết định thói quen mua sắm của Gen Z
Bên cạnh sự phổ biến của meme và emoji, Gen Z còn thể hiện rõ nhu cầu về sự cá nhân hóa, niềm tin và tính chân thật trong các thương hiệu mà họ lựa chọn.
Khoảng 63% Gen Z cho biết họ yêu thích chơi trò chơi điện tử và xem phim hoạt hình trong thời gian rảnh. Điều này mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp áp dụng trò chơi hóa và hình ảnh động để thu hút sự chú ý của thế hệ này. Các ý tưởng như câu đố tính cách hay báo cáo hành vi được cá nhân hóa, tương tự như Spotify Wrapped hàng năm, có thể đặc biệt hiệu quả.
Gen Z cũng dành thời gian cho những hoạt động như đọc sách, viết lách và ghi chép nhật ký. Những hoạt động này giúp họ tìm lại sự bình yên và thời gian suy ngẫm giữa những bộn bề trong cuộc sống hàng ngày.
Hơn 70% người tiêu dùng Gen Z cho biết họ tin tưởng các nội dung do người dùng tạo ra (UGC) hơn là quảng cáo truyền thống. Họ đánh giá cao ý kiến của những người thực sự chia sẻ sở thích và mối quan tâm giống mình, thay vì chỉ tin vào các influencer hay người nổi tiếng.
Bên cạnh đó, vấn đề bền vững và quyền riêng tư cũng là mối quan tâm hàng đầu đối với Gen Z. Các thương hiệu thực sự chú trọng giải quyết các vấn đề về môi trường và bảo vệ quyền riêng tư sẽ có cơ hội xây dựng mối quan hệ lâu dài với thế hệ này.
Người trẻ tìm kiếm những doanh nghiệp phản ánh đúng các giá trị mà họ trân trọng, đồng thời tạo ra sự chuyển dịch mạnh mẽ về tiêu dùng có ý thức xã hội.
Khi Gen Z ngày càng có sức ảnh hưởng, hành vi và sở thích của họ sẽ làm thay đổi diện mạo của thị trường. Để duy trì sự liên kết và giữ vững vị thế trên thị trường, các thương hiệu cần điều chỉnh chiến lược marketing phù hợp với lối sống kỹ thuật số của Gen Z.
Điều này không chỉ yêu cầu sự sáng tạo trong việc sử dụng meme và emoji, mà còn đòi hỏi các thương hiệu thể hiện sự minh bạch, chân thật và trách nhiệm xã hội trong các chiến lược tiếp thị của mình.
Hiểu rõ sức mạnh của meme, biểu tượng cảm xúc và những giá trị chung mà Gen Z hướng đến sẽ là yếu tố quyết định giúp các doanh nghiệp chiếm được cảm tình và ví tiền của thế hệ này.
Lầm tưởng của người mới đầu tư chứng khoán
Cuốn sách Tôi thích tiền nhưng ngại đầu tư của tác giả Bbyonggeul cung cấp những kiến thức dễ hiểu về quản lý tài chính cá nhân, giúp người đọc tiêu tiền một cách khôn ngoan. Tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát chi tiêu và thiết lập tư duy đầu tư đúng đắn trước khi tham gia thị trường chứng khoán, đồng thời cảnh báo về những lầm tưởng và rủi ro khi đầu tư mà không có kiến thức đầy đủ.