Chợ truyền thống đìu hiu những ngày giáp Tết

14/01/2025 04:13

Từ thời điểm Covid-19 cho đến nay, sự chuyển dịch thói quen sang mua sắm trên mạng của khách hàng đã khiến cho không ít tiểu thương tại chợ truyền thống "lao đao".

Tiểu thương đóng cửa từ 3h chiều

Những ngày giáp Tết Nguyên đán tại Hà Nội thường là khoảng thời gian nhộn nhịp nhất của các chợ truyền thống, nơi người dân đổ về mua sắm đủ loại hàng hóa chuẩn bị cho dịp lễ lớn nhất trong năm. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Người Đưa Tin, tại các chợ lớn như chợ Mơ, Đồng Xuân, Phùng Khoang hay Ninh Hiệp, không khí vắng vẻ bao trùm, khách đến mua hàng khá thưa thớt.

Tại chợ Mơ, các quán sạp tuy đã bày biện đủ loại hàng hóa Tết như quần áo, đồ trang trí, đồ gia dụng nhưng gần nhưng chẳng có khách hàng. Chủ yếu tại đây chỉ có người bán hoặc lác đác vài người hỏi giá nhập sỉ.

Chợ truyền thống đìu hiu những ngày giáp Tết- Ảnh 1.

Tại chợ Mơ, các quán sạp bày đủ loại hàng hóa Tết nhưng chẳng có khách hàng (Ảnh: Thanh Loan)

“Từ thời điểm Covid-19 cho đến nay, khách hàng đã có sự chuyển dịch sang mua sắm trên mạng. Ngày trước cứ đến tầm này là chợ đông nghịt, giờ thì chẳng thấy đâu nữa. Nói chung chán lắm, cứ chiều đến tầm 3h mà không có khách là tôi cũng đóng cửa đi về sớm", chị Thu Trang - một tiểu thương tại chợ chia sẻ.

Tương tự tại chợ đầu mối Ninh Hiệp, nơi vốn nổi tiếng tấp nập người mua, nhập sỉ và vận chuyển hàng hóa quần áo cũng trong tình trạng vắng người. Một số chủ buôn chán nản ngồi sử dụng điện thoại, có người thì ngồi ngóng khách đến mua hàng. Theo khảo sát, dù nhiều mặt hàng treo biển giảm giá, nhưng chẳng có mấy khách mua buôn.

Chợ truyền thống đìu hiu những ngày giáp Tết- Ảnh 2.

Tình trạng thưa thớt khách hàng tại chợ Ninh Hiệp (Ảnh: Thanh Loan).

Chia sẻ với Người Đưa Tin, chị Nguyễn Thị Thương – chủ một cửa hàng tại chợ Ninh Hiệp cho biết: “Thông thường vào dịp này mọi năm là chợ tấp nập người đến gom hàng bán Tết, tuy nhiên, mấy năm nay số lượng khách phải giảm đi hơn nửa. Hiện tại chúng tôi cũng đang dần cập nhật để chuyển hướng thêm mảng bán hàng online".

Cùng với đó, yếu tố chất lượng hàng hóa và giá cả cũng là điều khiến nhiều người e dè khi đi chợ. Anh Nguyễn Hùng Tuấn (Mễ Trì, Hà Nội) cho biết: "Đi chợ truyền thống thì đúng là có cái hay riêng của nó, nhưng tầm này ra chợ là hay bị nói thách lắm. Như tôi đàn ông không biết mặc cả nên sẽ chọn siêu thị cho dễ, vừa bán đúng giá, nhiều mặt hàng lại đảm bảo chất lượng hơn".

Chuyển đổi số là "không thể chậm trễ"

Rõ ràng, một phần lý do khiến chợ truyền thống vắng khách chính là sự "lên ngôi" của thương mại điện tử. Chỉ với vài cú nhấp chuột, người tiêu dùng có thể đặt mua đủ loại hàng hóa từ thực phẩm, đồ gia dụng đến quà biếu Tết mà không cần phải chen chúc tại các khu chợ đông đúc.

Số liệu khảo sát, trung bình 1 người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến tới 4 lần/ tháng. Với thị trường gần 100 triệu dân, chiếm 1,23% dân số thế giới, lại nằm cạnh các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN… cho thấy tiềm năng phát triển thương mại điện tử của Việt Nam còn rất lớn.

Điều này cũng đặt ra "bài toán" cho những tiểu thương tại chợ truyền thống cập nhật và bắt kịp xu hướng livestream, bán hàng qua các sàn thương mại điện tử...

Chợ truyền thống đìu hiu những ngày giáp Tết- Ảnh 3.

Một phần lý do chợ truyền thống vắng khách là sự "lên ngôi" của thương mại điện tử (Ảnh: Thanh Loan).

Theo thống kê tại Hội thảo “Thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử và chuyển đổi số trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ” vào tháng 12/2024, Việt Nam hiện có 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, 9.000 chợ truyền thống, 54.008 doanh nghiệp bán lẻ và 208.995 doanh nghiệp bán buôn.

Trong số này, các cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống và doanh nghiệp bán lẻ đang chiếm 3,91% doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh và 3,19% tổng số lao động; còn doanh thu của 208.995 doanh nghiệp bán buôn chiếm khoảng 27,60% và khoảng 8,76% tổng số lao động hoạt động trong lĩnh vực bán buôn.

Đưa chợ truyền thống lên trực tuyến, chuyển đổi bán lẻ theo xu hướngTp.HCM: Livestream bán hàng cho chợ truyền thống tiếp cận khách hàng

Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của bán buôn, bán lẻ trong phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người lao động.

"Việc hỗ trợ chuyển đổi số bán buôn và bán lẻ không thể chậm trễ và cần được đẩy mạnh theo hướng đưa toàn bộ hoạt động bán buôn, các doanh nghiệp, tạp hóa, cửa hàng bán lẻ từ môi trường thực lên môi trường số để tiếp cận khách hàng trên nhiều kênh số khác nhau, mang lại giá trị, hiệu quả cao hơn", bà Việt Anh nói.

Các nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số cũng có chung nhận định, chuyển đổi số trong ngành bán lẻ đang làm thay đổi nhanh chóng cách người tiêu dùng tham gia mua sắm. Mua hàng online, thanh toán online và kinh doanh mặt hàng thiết yếu trên môi trường điện tử đã dần trở thành tác vụ quen thuộc trong cuộc sống hiện đại.

Theo Kế hoạch phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố năm 2025 của UBND Tp.Hà Nội, dự kiến Hà Nội sẽ đầu tư xây chợ mới, xây dựng lại 34 chợ, trong đó xây mới, gồm: quận Bắc Từ Liêm 4 chợ; quận Hà Đông xây mới chợ La Cả; Quận Tây Hồ xây mới Chợ-Trung tâm thương mại Xuân La; huyện Thanh Trì 5 chợ; huyện Đan Phượng xây mới chợ Trung Châu; huyện Hoài Đức xây mới chợ dân sinh xã Minh Khai; huyện Phúc Thọ xây mới chợ Thanh Đa; huyện Phú Xuyên xây mới chợ Trung tâm xã…

Sự quan tâm của Thủ đô Hà Nội đến chợ truyền thống cho thấy, phương thức phân phối này sẽ vẫn rất quan trọng trong hệ thống thương mại nội địa nước ta. Theo số liệu của Bộ Công Thương đưa ra thì chợ truyền thống vẫn chiếm 80% thị trường bán lẻ, với 8.500 chợ, trong khi siêu thị là 1.080 và 240 trung tâm thương mại.

Bạn đang đọc bài viết "Chợ truyền thống đìu hiu những ngày giáp Tết" tại chuyên mục THƯƠNG TRƯỜNG. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.