Mấu chốt để kéo giảm chi phí logistics là tăng tốc kết nối hạ tầng giao thông với đầu tư phát triển các trung tâm logistics

31/10/2024 16:30

Đó là nhấn mạnh của các chuyên gia tại Hội nghị Logistic Việt Nam lần thứ 2 năm 2024 do Báo Đầu tư tổ chức sáng 31/10/2024 tại Tp.HCM.

Theo thống kê, Việt Nam đang có hơn 30.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics. Doanh nghiệp trong nước chiếm 89% về số lượng, nhưng chỉ chiếm 30% thị phần. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp liên doanh chiếm 10% và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, nhưng chiếm tới 70% thị phần. Ngành logistics Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển mình, bứt phá.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, vấn đề mấu chốt để kéo giảm chi phí logistics là tăng tốc kết nối hạ tầng giao thông với đầu tư phát triển các trung tâm logistics, cảng cạn, đẩy mạnh vận tải đa phương thức.

Theo ông Hải, hạ tầng là yếu tố tiên quyết thúc đẩy phát triển ngành này. Nhiều công trình, dự án lớn được xây dựng, điển hình Việt Nam đã có sân bay do tư nhân đầu tư, đồng thời có 3 cảng biển lọt vào top 50 cảng biển lớn nhất thế giới, cùng nhiều tuyến đường cao tốc mới, tới đây lại có chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc.

Bên cạnh hạ tầng giao thông, hạ tầng kho bãi cũng phát triển. Thời gian qua, số lượng kho bãi tăng lên đáng kể, được trang bị hiện đại hơn, ứng dụng công nghệ tự động, quy mô xử lý hàng hóa cũng cao hơn. Về hạ tầng mềm như công nghệ thông tin, nhân lực, môi trường pháp lý… cũng đang hoàn thiện. Tất cả các yếu tố này hòa quyện, tạo nên bức tranh tổng thể, hỗ trợ cho các doanh nghiệp logistics triển khai hoạt động kinh doanh của mình.

Mấu chốt để kéo giảm chi phí logistics là tăng tốc kết nối hạ tầng giao thông với đầu tư phát triển các trung tâm logistics- Ảnh 1.

Tại Hội nghị Logistic Việt Nam lần thứ 2 năm 2024, các chuyên gia và doanh nghiệp chia sẻ những thuận lợi và khó khăn của ngành Logistic.

Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho rằng, logistics là một ngành dịch vụ có vai trò thiết yếu và đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ phát triển hàng năm của ngành logistics Việt Nam bình quân đạt 14% - 15%, quy mô 40 - 42 tỷ đô la Mỹ một năm. Doanh nghiệp logistics của Việt Nam tăng nhanh về số lượng, đến nay đã có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn logistics hàng đầu thế giới đang hoạt động.

Ông Trung cho rằng, mặc dù ngành logistics của Việt Nam thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng thực tế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, vì còn non trẻ và chưa đồng bộ, chưa có khung khổ pháp lý đầy đủ đối với ngành logistics.

Để lĩnh vực này phát triển, theo ông Trung các bộ, ngành và địa phương cùng với doanh nghiệp cần phối hợp triển khai các cái nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

Thứ nhất, về cơ chế chính sách, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics, các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp logistics; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Thứ hai, về phát triển kết cấu hạ tầng, cần tiếp tục tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics bao gồm hạ tầng giao thông vận tải và hạ tầng logistics. Tiếp tục rà soát các quy hoạch, kế hoạch về hạ tầng giao thông vận tải để đảm bảo tính đồng bộ, kết nối của hệ thống hạ tầng giao thông, đảm bảo phù hợp với các chiến lược, quy hoạch về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu cũng như Chiến lược phát triển kinh tế xã hội.

Thứ ba, về phát triển nguồn nhân lực, cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan ở Trung ương, các địa phương, các trường đại học, dạy nghề và các doanh nghiệp trong việc xác định các nhu cầu về lao động, giáo dục đào tạo.

Thứ tư, về phía các doanh nghiệp logistics cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chuyển đổi số, đầu tư vào công nghệ, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao biết sử dụng các công nghệ mới. Thực hiện liên kết, liên doanh, mua bán sáp nhập doanh nghiệp để tạo ra các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh hơn.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cũng mong muốn, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có quyết tâm cao hơn; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả hơn các cơ chế, các chính sách của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhằm đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp chuyển đổi để vượt qua các thách thức, thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics Việt Nam trong thời gian tới.

Mấu chốt để kéo giảm chi phí logistics là tăng tốc kết nối hạ tầng giao thông với đầu tư phát triển các trung tâm logistics- Ảnh 2.

Không gian trưng bày và kết nối của doanh nghiệp tại Hội nghị.

Cùng quan điểm, ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, trước đây chi phí logistics chiếm khoảng trên 20% GDP và hiện nay chiếm khoảng 16,8-17% GDP. Lý do là nhờ hạ tầng ngày càng phát triển, chi phí logistics ngày càng giảm, đây là sự đóng góp rất lớn của hạ tầng giao thông vận tải với nền kinh tế, dù chưa được như kỳ vọng.

Trong đó, hệ thống đường thủy nội địa hoạt động ngày càng hiệu quả, giúp giảm được khoảng 20% chi phí logistics. Dù vậy, đầu tư công cho đường thủy nội địa hiện nay chỉ mới ở mức 2%. Hiện nay với đầu tư công thấp như vậy cũng phần nào hạn chế sự phát triển đối đường thủy nội địa.

Vì thế, ông Thu cho rằng đầu tư công đồng bộ, tương xứng hơn cho đường thủy nội địa, gia tăng sự kết nối của các cảng biển sẽ đem lại hiệu quả lớn cho logistics. Đầu tư công sẽ là tiền đề, vốn mồi của đầu tư tư nhân, hay nói cách khác “đầu tư công sẽ dẫn dắt cho đầu tư . Để đẩy mạnh phát triển các trung tâm logistics cần có sự liên kết ngành, liên kết vùng để đẩy mạnh chuyển đổi từ tư duy, nhận thức, hành động đối với ngành logistics.

Bạn đang đọc bài viết "Mấu chốt để kéo giảm chi phí logistics là tăng tốc kết nối hạ tầng giao thông với đầu tư phát triển các trung tâm logistics" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.