Hình hài nền kinh tế Thủ đô năm 2030

15/01/2025 16:11

Đến năm 2030, Hà Nội sẽ có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực, là Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, xanh, dẫn dắt kinh tế cả nước.

Trong đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 vừa được công bố, thành phố Hà Nội được kỳ vọng trở thành Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực vào năm 2030.

5 năm tới, Hà Nội được kỳ vọng để trở thành cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của cả nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực, là trung tâm kinh tế tài chính lớn, trung tâm hàng đầu về giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành phố thanh bình, người dân hạnh phúc.

Nền kinh tế gần 2,5 triệu tỷ đồng năm 2030

Trong giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân của Hà Nội dự kiến khoảng 8,5-9,5%/năm. Đến cuối năm 2024, quy mô nền kinh tế Thủ đô đạt khoảng 1,43 triệu tỷ đồng, nếu đạt mức tăng trưởng bình quân 9,5% mỗi năm, GRDP của Hà Nội sẽ tăng lên gần 2,47 triệu tỷ đồng vào năm 2030, tương ứng tăng 72% sau nửa thập kỳ.

Mức tăng trưởng này sẽ giúp Hà Nội đóng góp 15-16% GDP cả nước và khoảnng 45-46% GRDP của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Khi đó, GRDP bình quân tính theo giá hiện hành của người dân Thủ đô cũng sẽ đạt khoảng 13.500-14.000 USD/người, tăng hơn gấp đôi hiện tại và gia nhập nhóm thành phố có thu nhập cao trên thế giới.

QUY MÔ NỀN KINH TẾ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2024-2030
Số liệu tính toán dựa trên kỳ vọng tăng trưởng hàng năm đạt 9,5%.
Nhãn 2024 2025 2026 2027 2028 2029 2030
GRDP TP Hà Nội Triệu tỷ đồng 1.43 1.57 1.71 1.88 2.06 2.25 2.47

Về cơ cấu GRDP, nền kinh tế Thủ đô trong 5 năm tới dự kiến dịch chuyển theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản từ 1,96% hiện tại xuống 1,3% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm từ 9,65% xuống 8,2%, trong khi đóng góp khu vực công nghiệp - xây dựng sẽ tăng vọt từ 22,79% hiện nay lên 25,3% vào năm 2030. Chiếm tỷ trọng cao nhất dự kiến vẫn là khu vực dịch vụ với khoảng 65,2% (cuối năm 2024 là 65,6%).

Đáng chú ý, đóng góp từ các sản phẩm, dịch vụ kinh tế số sẽ chiếm 40% trong GRDP Hà Nội năm 2030, trong khi công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 8%.

Về xã hội, quy mô dân số thường trú tại Thủ đô đến năm 2030 dự kiến đạt khoảng 10,5-11 triệu người; dân số vãng lai quy đổi khoảng 1,45 triệu người. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 65-70%; tỷ lệ vận tải công cộng phấn đấu đáp ứng 30-40% nhu cầu đi lại của người dân đô thị...

Thành phố toàn cầu năm 2050

Cũng theo Quy hoạch, Hà Nội sẽ phát triển giao thông công cộng, cơ bản hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị, đường vành đai, các cầu qua sông Hồng trước năm 2035. Giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc tại các cửa ngõ của thành phố và khu vực nội đô.

Các khu phố cổ, phố cũ sẽ được bảo tồn, tôn tạo; giá trị văn hóa, lịch sử sẽ được phát huy. Thành phố cũng chú trọng cải tạo các khu chung cư cũ, các khu nhà ở không bảo đảm an toàn.

5 năm tới, Hà Nội cũng đặt mục tiêu xóa bỏ tình trạng ngập, úng cục bộ, làm sống lại các dòng sông, khai thác tiềm năng lợi thế không gian mặt nước của hệ thống sông, ao hồ... thành nguồn lực phát triển.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ xây dựng mô hình thành phố trong Thủ đô để tạo động lực phát triển hài hòa các khu vực đô thị và nông thôn.

ha noi 2030,  quy hoach thu do,  ha noi tuong lai anh 1

Hà Nội sẽ cơ bản hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị, đường vành đai, các cầu qua sông Hồng trước năm 2035. Ảnh: Thế Bằng.

Đây là những tiêu chí quan trọng để đến năm 2050, Hà Nội sẽ là thành phố toàn cầu, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng, xứng tầm đại diện vị thế nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Đồng thời là thành phố có trình độ phát triển hàng đầu khu vực, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên thế giới.

Đến 2050, dự kiến GRDP bình quân của người dân Thủ đô sẽ đạt khoảng 45.000-46.000 USD/người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 80-85%.

Trung tâm tài chính quốc gia

Trong phương hướng phát triển các ngành quan trọng định hình nền kinh tế Thủ đô giai đoạn tới, Hà Nội dự kiến trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ hiện đại mang tầm khu vực và quốc tế.

Trong đó, thành phố sẽ có các trung tâm thương mại hiện đại, theo chuẩn quốc tế; hình thành các tổ hợp thương mại dịch vụ quy mô cấp vùng, kết hợp mua sắm với vui chơi giải trí, các mô hình kinh tế ban đêm. Thủ đô cũng sẽ có các sàn giao dịch hàng hóa quốc gia, liên thông quốc tế.

Các trung tâm thương mại theo mô hình chuỗi cửa hàng bán lẻ sản phẩm, cửa hàng outlet tại các đầu mối giao thông liên tỉnh, liên vận quốc tế ở khu vực phía Bắc và phía Nam thành phố cũng dự kiến được hình thành.

Ngoài ra, thành phố đặt mục tiêu có thêm các trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp trong không gian ngầm tại trung tâm các khu đô thị, đầu mối giao thông công cộng, nơi tập trung đông dân cư.

Với du lịch, đây sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc Thủ đô nghìn năm văn hiến, phát triển du lịch văn hóa, sinh thái, hội nghị, hội thảo, chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, thể thao, giải trí...

ha noi 2030,  quy hoach thu do,  ha noi tuong lai anh 2

Hà Nội sẽ phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ảnh: Việt Hà.

Thêm vào đó, thành phố cũng đặt kế hoạch phát triển hành lang du lịch dọc theo 2 bờ sông Hồng (từ Ba Vì đến Phú Xuyên), theo đường Vành đai 4, 2 bờ sông Đáy (Phúc Thọ đến Mỹ Đức), từng bước hình thành hành lang du lịch theo sông Tô Lịch, khai thác hành lang du lịch theo sông Cầu và sông Cà Lồ (huyện Sóc Sơn) và hành lang du lịch dọc sông Tích.

Trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tại năm 2030, Thủ đô sẽ là trung tâm tài chính quốc gia, hướng tới phát triển các dịch vụ tài chính mang tầm khu vực và quốc tế.

Trong đó, thành phố sẽ có trung tâm giao dịch hàng hóa trong nước và quốc tế; trung tâm tài chính - ngân hàng tại khu vực quận Hoàn Kiếm. Sau năm 2030, sẽ có thêm tổ hợp trung tâm tài chính, ngân hàng, thương mại, dịch vụ quốc tế trên trục Nhật Tân - Nội Bài.

Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, 5 trung tâm logistics tập trung quy mô lớn dự kiến được hình thành gồm Trung tâm logistics Bắc Hà Nội, gắn với sân bay Nội Bài và khu vực phía Bắc thành phố. Trung tâm logistics Nam Hà Nội gắn với ga đường sắt Ngọc Hồi. Trung tâm logistics định hướng tại khu vực Phú Xuyên, gắn với cảng hàng không phía Nam vùng Thủ đô. Trung tâm logistics đường bộ gắn với cảng ICD Gia Lâm và Trung tâm logistics đường thủy nội địa tại Giang Biên, Long Biên, gắn với khai thác tuyến giao thông đường thủy.

Dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp công nghệ cao

Cũng theo Quy hoạch, Hà Nội sẽ là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp công nghệ cao, có sức cạnh tranh cao, tham gia hiệu quả vào các chuỗi giá trị và mạng lưới phân phối toàn cầu.

Thành phố sẽ chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp tập trung vào các ngành ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, giữ vai trò dẫn dắt trong các chuỗi liên kết phát triển trên các hành lang công nghiệp nội vùng và liên vùng.

Trong đó, Hà Nội sẽ trở thành trung tâm hàng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng về phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, cơ khí chính xác và tự động hóa, thiết bị điện tử, vật liệu mới, vật liệu kỹ thuật công nghệ cao, chế biến dược liệu, hóa dược, mỹ phẩm, công nghệ sinh học và chế biến nông sản, thực phẩm công nghệ cao.

THAY ĐỔI CƠ CẤU NỀN KINH TẾ THỦ ĐÔ GIAI ĐOẠN 2024-2030
Nguồn: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
NhãnDịch vụCông nghiệp và Xây dựngThuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩmNông, lâm, thủy sản
2024 % 65.622.799.651.96
2030
65.225.38.21.3

Thành phố cũng sẽ tham gia sâu vào chuỗi liên kết phát triển các hành lang công nghiệp Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Bắc Ninh - Hải Dương - Quảng Ninh; Hà Nội - Vĩnh Phúc - Phú Thọ; Hà Nội - Lạng Sơn. Tăng cường phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp ưu tiên, có thế mạnh của Hà Nội và có tác động lan tỏa tới các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng và các vùng lân cận.

Với lĩnh vực nông nghiệp, Hà Nội sẽ phát triển tập trung các vùng nông nghiệp thực nghiệm, áp dụng các quy trình kỹ thuật mới tại các huyện Gia Lâm, Phú Xuyên, Thường Tín, Ứng Hòa, Hoài Đức, Phúc Thọ. Trong khi huyện Ba Vì sẽ phát triển sản phẩm cây trồng, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất đặc thù.

Cùng với đó, Hà Nội sẽ phát triển nông nghiệp đan xen trong các vùng đô thị, bảo tồn các vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như sen Tây Hồ, đào Nhật Tân, quất Tứ Liên, cam Canh, bưởi Diễn, hoa Tây Tựu, hoa Mê Linh...

6 quận/thành phố, đô thị

Theo Quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô có tổng diện tích tự nhiên gần 3.360 km2. Ngoài 12 quận hiện hữu, đến năm 2030, Hà Nội sẽ có thêm các quận Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh và quận/thành phố, đô thị Đan Phượng, Mê Linh.

Trong khi đó, thành phố, thị xã dự kiến thành lập gồm Sóc Sơn, Hòa Lạc, Xuân Mai, Sơn Tây, Phú Xuyên.

Đô thị dự kiến thành lập, thị trấn gồm Chúc Sơn, Quốc Oai, Phúc Thọ, Tây Đằng, Tản Viên Sơn, Liên Quan, Thường Tín, Kim Bài, Vân Đình.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Bạn đang đọc bài viết "Hình hài nền kinh tế Thủ đô năm 2030" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.