Xác định nguồn kinh phí chi trả vận hành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

23/04/2024 16:30

Liên quan đến việc cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây vừa qua bị ngành điện lực ngừng cung cấp điện do chưa thanh toán tiền điện, Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải về tháo gỡ khó khăn kinh phí để thanh toán chi phí thực hiện quản lý, vận hành và bảo trì dự án đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây...

VEC E là đơn vị được Ban quản lý Dự án Thăng Long (Ban Thăng Long), chủ đầu tư cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, giao nhiệm vụ thực hiện công tác quản lý, vận hành và bảo trì đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Thời gian bắt đầu từ ngày 29/4/2023 đến khi chủ đầu tư lựa chọn được đơn vị thực hiện quản lý, vận hành.

Do chưa xác định được nguồn kinh phí chi trả, cho nên sau gần một năm tự bỏ kinh phí để thực hiện công tác quản lý, vận hành và bảo trì tuyến cao tốc này với số tiền hơn 10 tỷ đồng, VEC E vẫn chưa được Ban Thăng Long thanh toán giá trị thực hiện công tác bảo trì. Vì vậy, VEC E gặp khó khăn trong việc bảo đảm tiền lương, chính sách bảo hiểm cho người lao động làm việc trên tuyến. Ngoài ra là các khoản tiền chiếu sáng, thiết bị chậm được tháo gỡ khiến công ty không đủ kinh phí duy trì.

Sự việc đáng tiếc đã xảy ra vào lúc 6 giờ chiều 12/4/2024. Lúc này, điện lực Xuân Lộc đã cắt điện ở 2 nút giao cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với tỉnh lộ ĐT 765 tại xã Xuân Hiệp và nút giao quốc lộ 1 tại xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) trong khoảng thời gian 5 phút. Sự cố này đã gây khó khăn, thậm chí nguy hiểm cho an toàn giao thông; tuy nhiên, sau đó nhận thấy việc này “thiếu sót” nên điện lực Xuân Lộc đã cấp điện trở lại.

Theo VEC E, tiếp quản lý, vận hành tuyến cao tốc này, đơn vị đã huy động khoảng 70 nhân sự, 25 xe máy, các thiết bị... để phục vụ việc quản lý, vận hành cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây. Cũng theo VEC E, công tác bảo đảm an toàn giao thông trên đường cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại cấp thiết của người dân, đặc biệt là trong các kỳ nghỉ lễ, tết sau một năm đưa vào khai thác, kể từ tháng 4/2023. 

Đến nay, việc quản lý, vận hành và bảo trì tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây của VEC E là quản lý tạm thời và giữa hai bên, Ban Thăng Long và VEC E vẫn chưa có các thủ tục bàn giao theo quy định. Dự kiến, đến cuối tháng 4, đầu tháng 5/2024, hai bên sẽ hoàn thành thủ tục bàn giao, và sau khi bàn giao, đơn vị quản lý khai thác tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ do Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đấu thầu lựa chọn.

Ban Thăng Long cũng cho biết hiện chưa bố trí được nguồn trả tiền cho VEC E là đơn vị khai thác tạm, và hai bên đã đàm phán và thống nhất vẫn sẽ hỗ trợ nhau cho đến khi dự án được bàn giao. Hiện các nhà thầu đang khắc phục hết các tồn tại (chỉnh trang tuyến, nạo vét cống rãnh, xử lý chống ngập xảy ra trước đó,…) theo ý kiến của Cục Đường bộ Việt Nam. Việc khắc phục này sẽ xong trước cuối tháng 4/2024.

Bạn đang đọc bài viết "Xác định nguồn kinh phí chi trả vận hành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: dautuforum@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.