Vietcombank, BIDV, VietinBank làm ăn ra sao quý I?

28/04/2024 08:30

Cầu tín dụng yếu trong 2 tháng đầu năm đã tác động tới việc cho vay của 3 ngân hàng quốc doanh, chỉ tiêu này tại Vietcombank đi lùi trong khi VietinBank và BIDV tăng nhẹ.

Tín dụng tăng giảm trái chiều tại nhóm ngân hàng quốc doanh Vietcombank, BIDV và VietinBank, ảnh hưởng tới lợi nhuận quý I/2024. Ảnh: Nam Khánh.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank (HoSE: CTG) vừa công bố báo cáo tài chính quý I với khoản lợi nhuận trước thuế hơn 6.210 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước bất chấp việc ngân hàng đã tăng 20% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

Đóng góp chính vào đà tăng lợi nhuận trước thuế của VietinBank là khoản thu nhập lãi thuần (lãi từ hoạt động cho vay) tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, đạt 15.174 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh cũng ghi nhận tăng trưởng dương trong quý vừa qua.

VietinBank lãi đậm nhờ tín dụng tăng cao

Ngược lại, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, hoạt động khác và thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần của VietinBank đều sụt giảm trong quý I, nhưng vẫn đóng góp về cho ngân hàng hơn 2.600 tỷ đồng.

Trong khi đó, mảng mua bán chứng khoán đầu tư của Ngân hàng Công Thương lại ghi nhận khoản lỗ thuần hơn 100 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm (cùng kỳ lãi gần 1 tỷ).

Ở phần chi phí, cả chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của VietinBank đều tăng 2 chữ số trong quý vừa qua, tiêu tốn của ngân hàng xấp xỉ 13.000 tỷ đồng.

Tuy vậy, đà tăng mạnh của khoản thu nhập lãi thuần đã giúp VietinBank giữ được mức tăng trưởng dương ở chỉ tiêu lợi nhuận. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, nhà băng này thu về hơn 5.000 tỷ đồng lãi ròng quý đầu năm nay, cũng tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2023.

Sở dĩ thu nhập lãi thuần quý I của VietinBank tăng mạnh quý đầu năm là do tăng trưởng tín dụng tích cực của ngân hàng này trong quý. Chia sẻ tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên hôm qua, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank, cho biết tính riêng quý I, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đã đạt 3,7% và đến cuối tháng 4 là 4,1%, cao hơn nhiều so với mức tăng chung toàn ngành (hơn 1%).

Theo ông Đỗ Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành VietinBank, cũng cho biết trong bối cảnh hiện nay, để duy trì NIM (biên lãi thuần), các ngân hàng và bản thân VietinBank phải dựa vào cho vay. Trong những tháng đầu năm, tín dụng tại nhiều ngân hàng sụt giảm thì riêng VietinBank vẫn ghi nhận mức tăng hơn 4%.

LỢI NHUẬN TRƯỚC THUẾ QUÝ I HÀNG NĂM CỦA VIETINBANK
Nguồn: BCTC DN.
Nhãn20082009201020112012201320142015201620172018201920202021202220232024
Lợi nhuận trước thuế quý I tỷ đồng 13021206117111612016137014581564240525443028315329748060582259806210

Theo báo cáo tài chính, đến cuối tháng 3, tổng tài sản của VietinBank đạt hơn 2,077 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Trong đó, số dư tiền gửi của khách hàng tăng hơn 1%, đạt trên 1,427 triệu tỷ và dư nợ cho vay khách hàng tăng gần 3%, đạt trên 1,514 triệu tỷ.

Chất lượng nợ vay của VietinBank có chiều hướng đi lùi khi tổng nợ xấu tính hết quý I đã tăng 23% lên trên 20.400 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ theo đó tăng từ mức 1,13% hồi đầu năm lên 1,35% ở cuối quý I.

Tại ngày 31/3, ngân hàng này cũng có khoản dự phòng rủi ro cho vay khách hàng đạt trên 30.775 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm.

BIDV và Vietcombank làm ăn ra sao?

Chưa công bố báo cáo tài chính quý I, tuy nhiên tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tổ chức sáng 27/4, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV, cho biết 3 tháng đầu năm ngân hàng đã ghi nhận khoản lợi nhuận trước thuế đạt 7.056 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong quý I, ông Tú cho biết BIDV ghi nhận dư nợ tín dụng tăng hơn 1%, đạt 1,76 triệu tỷ đồng. Đến cuối tháng 4, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mới đạt khoảng 1,2%, nợ xấu theo Thông tư 11 ở mức 1,33% tổng dư nợ.

Về huy động vốn, BIDV cũng mới ghi nhận mức tăng 0,8% trong quý đầu năm, đạt trên 1,9 triệu tỷ đồng.

Cũng tại phiên họp cổ đông sáng 27/4, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank, cho biết năm nay, Vietcombank được phê duyệt lợi nhuận ở mức hơn 42.000 tỷ đồng, tăng 5% so với kết quả năm 2023.

Tuy vậy, tính đến hết quý I, cả 2 chỉ tiêu tài chính quan trọng nhất là tiền gửi khách hàng và tín dụng đều sụt giảm. Trong đó, huy động vốn thị trường 1 của ngân hàng này đạt 1,36 triệu tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 3, giảm hơn 3% so với đầu năm. Trong khi dư nợ tín dụng cũng giảm 0,42% giai đoạn này.

Theo CEO Vietcombank, huy động vốn của ngân hàng đã ghi nhận sự sụt giảm ở tất cả phân khúc, trong khi đà giảm của dư nợ tín dụng chủ yếu đến từ mảng bán lẻ. Tuy nhiên, ông Tùng cho biết chỉ tiêu huy động vốn được giảm có chủ đích để đảm bảo NIM cũng như hiệu quả sử dụng vốn.

Không tiết lộ kết quả lợi nhuận quý I nhưng Tổng giám đốc Vietcombank cho biết thu nhập lãi thuần của ngân hàng đã giảm trong quý đầu năm do tác động giảm lãi suất sâu. Tương tự, các khoản thu ngoài lãi cũng giảm do kinh doanh ngoại tệ, thu thuần thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại đi xuống.

Đến hết quý I/2024, nợ xấu của Vietcombank đã tăng từ 0,99% lên 1,22%.

Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Bạn đang đọc bài viết "Vietcombank, BIDV, VietinBank làm ăn ra sao quý I?" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: dautuforum@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.