Sau khi hạ nhiệt vào tháng 8 và 9, tỷ giá USD/VND tăng trở lại khi bước vào quý IV. Trước nhiều phiên tỷ giá đi lên liên tiếp, từ ngày 18-21/10, Ngân hàng Nhà nước đã chào bán tín phiếu trở lại sau gần 2 tháng tạm dừng với tổng cộng 33.950 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tỷ giá ngân hàng vẫn tiếp tục tăng. Ngày 22/10, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm tại 22.240 đồng, tăng 12 đồng so với ngày trước đó. Các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt tăng giá đôla Mỹ lên mức trần. Như vậy, giá USD ngân hàng đã tăng 680 đồng, tương đương 2,75% so với đầu tháng và tăng 4,2% so với đầu năm.
Tỷ giá đang chịu tác động kép từ thế giới lẫn trong nước. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital (đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính), chỉ số USD Index (đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt) tăng 2,4% từ đầu tháng 10 lên 103,62 điểm. Nền kinh tế Mỹ giữ đà tăng trưởng sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng 9. Trong đó mục tiêu giảm lạm phát xuống mức 2% của Fed vẫn đang được đảm bảo, chỉ số PMI ngành dịch vụ tăng trưởng, thị trường lao động của Mỹ tiếp tục ổn định, tỷ lệ thất nghiệp giảm...
Trong nước, nhu cầu ngoại tệ thanh toán đã phát sinh thêm. Chỉ tính riêng tháng 10, Kho bạc Nhà nước đã có 4 đợt mua ngoại tệ với khối lượng 700 triệu USD.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu trở lại, Khối thị trường tài chính của Ngân hàng ACB dự báo tỷ giá có thể điều chỉnh giảm về quanh vùng 25.000 - 25.100 đồng trong đầu tuần này. Tuy nhiên, đà tăng sẽ duy trì nửa cuối tháng 10 và không loại trừ có thể trở lại ngưỡng cao được thiết lập vào quý II, tương ứng trên 25.400 đồng.
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB, nhận định áp lực tỷ giá có thể gia tăng nửa đầu quý IV trước khi hạ nhiệt vào cuối năm. Với việc Fed gần như chắc chắn sẽ có thêm 2 đợt hạ lãi suất trong 2 kỳ họp cuối năm, chỉ số USD-Index có thể phục hồi nhưng khó có khả năng bật mạnh. Giai đoạn cao điểm nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp đã qua, rủi ro tỷ giá trong quý IV không còn quá lớn dù áp lực vẫn có thể xuất hiện ở một vài thời điểm nửa đầu quý.
Ông dự báo tỷ giá cuối năm 2024 ở mức 25.120 đồng đổi một đôla Mỹ, tăng 3,5% so với đầu năm. Càng về cuối năm, tỷ giá sẽ càng hạ nhiệt khi Fed còn 2 lần hạ lãi suất trong tháng 11, tháng 12 và nguồn ngoại tệ cuối năm dồi dào đến từ kiều hối, FDI và xuất siêu.
Theo Ngân hàng UOB, thời gian tới, áp lực bên ngoài từ sức mạnh của đồng USD sẽ giảm dần khi Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng như kỳ vọng, trong khi các yếu tố nội tại cho thấy sự ổn định hơn nữa của VND. Đà tăng thêm của VND khó có thể diễn ra với tốc độ tương tự quý III. Tỷ giá sẽ dao động quanh mức 24.500 đồng trong quý IV.
Về rủi ro, ông Nguyễn Minh Tuấn lưu ý biến số Trung Quốc. Sự liên thông giữa tỷ giá VND và CNY là khá lớn. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu trên 170 tỷ USD năm ngoái. 9 tháng đầu năm nay, đây là thị trường xuất khẩu đứng thứ hai của Việt Nam và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta. Từ tháng 9 khi Trung Quốc liên tục tung ra các gói kích thích kinh tế, cặp tỷ giá này chung diễn biến đi ngang trong ngắn hạn rồi bật tăng vọt.
Đức Mạnh