Giao Chính phủ quyết mức doanh thu tính thuế VAT với hộ kinh doanh

14/11/2024 16:30

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị giao Chính phủ quy định ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế VAT.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận tại cuộc họp. Ảnh: Quochoi.

Sáng 14/11, tại phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Theo dự thảo, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, ngưỡng doanh thu tính thuế VAT với cá nhân, hộ kinh doanh là 200 triệu đồng/năm, tăng 100 triệu đồng so với hiện hành.

Chính phủ đề nghị giữ nội dung này như dự thảo đã trình tại Kỳ họp thứ 7, giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế để bảo đảm kịp thời điều hành phù hợp với thực tiễn và bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi.

Đây cũng là quan điểm của Chính phủ đưa ra khi trình lần đầu dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi tại kỳ họp 7, hồi tháng 5.

Về ngưỡng doanh thu chịu thuế, có ý kiến đề nghị nên quy định cụ thể ngưỡng này trong Luật để đảm bảo minh bạch, khi cần điều chỉnh có thể trình UBTVQH quyết định.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị giao Chính phủ theo tinh thần việc nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì giao Chính phủ, Chính phủ chịu trách nhiệm.

Giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết luật hiện hành quy định ngưỡng doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp thuế, dự thảo Luật đã quy định tăng lên mức 200 triệu đồng/năm.

Về phía ban soạn thảo là Bộ Tài chính cũng thấy rằng điều chỉnh ngưỡng doanh thu không chịu thuế lên mức 200 triệu đồng/năm là phù hợp.

Thảo luận tại phiên họp, một số thành viên UBTVQH đề nghị lấy ý kiến các đại biểu về những vấn đề còn xuất hiện tranh luận, như thuế VAT với phân bón.

Trong đó, việc chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5% được đa số đại biểu thống nhất, một số ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng việc lấy ý kiến về thuế với phân bón nên có phương án đánh thuế 0% hoặc 5%, không nên đưa ra phương án không đánh thuế.

Bởi như đã được giải trình, việc đánh thuế sẽ giúp bảo vệ nền sản xuất phân bón trong nước. Đối với các doanh nghiệp trong nước, nếu không đánh thuế thì sẽ không được hoàn thuế, khiến chi phí sản xuất lớn, khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Ngược lại, nếu đánh thuế 5%, doanh nghiệp trong nước có điều kiện được hoàn thuế, đẩy mạnh sản xuất, giảm giá thành, từ đó cũng đóng góp thêm thuế cho ngân sách. Nguồn thu được từ ngân sách sẽ được đầu tư lại cho người nông dân. Ngoài ra, có đại biểu đề xuất phương án đánh thuế 2% hoặc 3% để trung hòa giữa các phương án.

Thay mặt UBTVQH kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết dù cơ quan chủ trì thẩm tra thống nhất với ý kiến của Chính phủ trong việc chuyển phân bón sang diện chịu thuế VAT 5%. Tuy nhiên, do nhiều đại biểu chưa thống nhất nên cần xin ý kiến đại biểu để đảm bảo tính đồng thuận và thống nhất cao trước khi thông qua.

Về ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT, Phó chủ tịch Quốc hội thống nhất việc giao Chính phủ quyết định cụ thể để đáp ứng kịp thời các yêu cầu trong tình hình mới. Dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thuế VAT (sửa đổi) vào ngày 26/11 tới.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư trở thành khái niệm phổ biến. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra trong nước và thế giới. Không chỉ tập trung vào các lĩnh vực đầu tư phổ biến như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, ngoại hối, tiền ảo... Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Bạn đang đọc bài viết "Giao Chính phủ quyết mức doanh thu tính thuế VAT với hộ kinh doanh" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.