Tỉnh miền Bắc có 3 "đại bàng" bán dẫn doanh thu 18.000 tỷ đồng, sử dụng hơn 8.000 lao động, 175 chuyên gia ngoại

23/04/2024 13:00

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội thảo “Thực trạng, giải pháp phát triển nguồn lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”.

Tỉnh miền Bắc có 3

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn nhấn mạnh về vai trò và tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là sức mạnh của chip bán dẫn và công nghệ AI. Tỉnh Bắc Giang, với vị thế chiến lược và tiềm năng phát triển đã và đang chứng kiến sự bùng nổ của ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng này, cần tập trung vào việc xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của thị trường và công nghệ. 

Hiện nay, công nghiệp bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong thời đại số. Xác định rõ tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn nên tỉnh Bắc Giang đã và đang tập trung chỉ đạo đảm bảo các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư thuộc ngành công nghiệp bán dẫn đến tỉnh Bắc Giang thực hiện đầu tư. 

Đến nay, tại các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang có 3 doanh nghiệp có ngành nghề sản xuất về chất bán dẫn gồm: Công ty TNHH Hana Micron Vina vốn đầu tư của Hàn Quốc; Công ty TNHH Si Flex Việt Nam vốn đầu tư của Hàn Quốc; Công ty TNHH Synergie Cad Việt Nam vốn đầu tư của Pháp. Doanh thu của 3 doanh nghiệp này khoảng 18.000 tỷ đồng.

Tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay là 8.074 lao động; trong đó 175 chuyên gia là người lao động nước ngoài, số lao động có trình độ đại học 707 lao động, trình độ cao đẳng là 775 lao động, trình độ trung cấp, sơ cấp là 74 lao động và 6.343 lao động phổ thông.

Lao động được tuyển vào của doanh nghiệp đảm nhiệm các vị trí kỹ thuật chủ yếu tốt nghiệp trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp các chuyên ngành về lĩnh vực tự động hóa, kỹ thuật điện tử, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, công nghệ hóa.

Ông Nguyễn Xuân Ngọc - Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho biết, dự báo trong thời gian tới doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn tiếp tục đầu tư và phát triển tại các khu công nghiệp với nhu cầu tuyển dụng lao động thêm năm 2024 là 1.866 lao động, trong đó lao động có trình độ cao đẳng trở lên là 281 lao động, lao động phổ thông là 1.585 lao động; giai đoạn 2025-2030 khoảng 6.300 lao động, trong đó lao động có trình độ cao đẳng trở lên là 1.200 lao động (chủ yếu lao động tốt nghiệp chuyên ngành về các lĩnh vực tự động hóa, kỹ thuật điện tử, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, công nghệ hóa.…), lao động phổ thông là 5.100 lao động.

Tuy nhiên, do ngành công nghiệp bán dẫn là ngành sản xuất mới tại tỉnh Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung nên nguồn lao động được đào tạo chính về chuyên ngành công nghiệp bán dẫn hạn chế, chủ yếu là lao động được đào tạo về các chuyên ngành học liên quan đến lĩnh vực bán dẫn. Do vậy, lao động Việt Nam được doanh nghiệp tuyển vào để đảm nhiệm các vị trí kỹ thuật, sản xuất về công nghiệp bán dẫn đều chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn đặt ra của doanh nghiệp, nên doanh nghiệp đều phải đào tạo lao động từ đầu để nắm được thao tác và quy trình thực hiện công việc.

Ông Chung Won Seok - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hana Micron Vina mong muốn việc đào tạo ý thức và nhận thức nghề nghiệp từ phía nhà trường; doanh nghiệp chỉ lựa chọn những sinh viên muốn làm việc tại Hana Micron, tham gia thực tập và có thể làm việc lâu dài sau khi tốt nghiệp. Để tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động cả về số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn sẽ gặp không ít khó khăn, cần phải có khá nhiều thời gian, đào tạo bài bản, chuyên sâu…, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ, từ nhà nước, nhà trường và nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đều nhấn mạnh Bắc Giang cần phải nhanh chóng triển khai đa dạng các giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn để kịp thời đáp ứng được nhu cầu về lực lượng lao động cho các doanh nghiệp tại Bắc Giang.

Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn đề nghị các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp tham gia hội thảo căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, căn cứ Kế hoạch số 20/KH-TU ngày 21/6/2021 của Tỉnh ủy về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, tích cực và khẩn trương phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất các nội dung liên quan để tham mưu cho tỉnh kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực ngành bán dẫn, AI giai đoạn từ nay đến năm 2030, góp phần thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đến đầu tư tại tỉnh, đảm bảo mục tiêu đưa Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030.

Bạn đang đọc bài viết "Tỉnh miền Bắc có 3 "đại bàng" bán dẫn doanh thu 18.000 tỷ đồng, sử dụng hơn 8.000 lao động, 175 chuyên gia ngoại" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: dautuforum@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.