Thế khó của SBS trước khi đổi chủ

04/06/2022 20:28

SBS còn khoản lỗ lũy kế lớn và không được cung cấp nhiều dịch vụ kinh doanh do không đáp ứng yêu cầu vốn pháp định.

Khoản lỗ lũy kế lớn, hạn chế trong hoạt động kinh doanh

Kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên của Chứng khoán ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – SBS, UPCoM: SBS) sáng ngày 3/6, cổ đông đã thông qua phương án đổi tên, chuyển trụ sở. Nguyên nhân được ông Lưu Thanh Hùng, Trưởng Ban kiểm soát lý giải là cổ đông lớn Sacombank (HoSE: STB) đã thoái vốn và có một cổ đông lớn khác nắm chi phối nên công ty phải tiến hành đổi tên cho phù hợp.

Chứng khoán SBS được thành lập từ 2006, từng nằm trong top 5 thị phần môi giới tại HoSE, là công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường trong năm 2007. Công ty cũng là đơn vị đi đầu trong việc mở rộng hoạt động ra nước ngoài khi lập công ty con tại Lào, Campuchia, Singapore.

Tại thời điểm hoàng kim, SBS từng đạt mức lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, việc vay nợ, đầu tư tài chính thiếu thận trọng, tự doanh quá lớn đã đẩy doanh nghiệp đến những khoản lỗ đậm trong giai đoạn 2011-2012.

Cụ thể, Sacombank – SBS báo lỗ lên đến 1.652 tỷ đồng năm 2011 và lỗ 138 tỷ đồng năm 2012 do lỗ lớn hoạt động kinh doanh chứng khoán, trả lãi trái phiếu phát hành và dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán. Tại thời điểm cuối năm 2012, doanh nghiệp lỗ lũy kế 1.767 tỷ đồng, vượt qua vốn điều lệ 1.266 tỷ đồng.

Năm 2013, nhờ hoàn trả một phần giá trị trái phiếu chuyển đổi cùng khoản tiền lãi mà SBS có lợi nhuận khác lớn giúp lợi nhuận sau thuế đạt 443 tỷ đồng giảm lỗ lũy kế. Tuy nhiên, các năm sau đó, bối cảnh kinh doanh không thuận lợi khiến đơn vị chỉ lãi vài trăm triệu đồng mỗi năm. Tính đến cuối năm 2021, công ty chứng khoán vẫn còn lỗ lũy kế 1.301 tỷ đồng.

Thế khó của SBS trước khi đổi chủ - Ảnh 1.

Đơn vị: tỷ đồng

Mặt khác, việc có lỗ lũy kế lớn vượt vốn điều lệ cũng làm hạn chế hoạt động kinh doanh. SBS không thực hiện được các dịch vụ phái sinh cũng như các dịch vụ khác do yêu cầu tư quy định pháp luật cho khách hàng, ảnh hưởng đến việc cạnh tranh khách hàng giao dịch. Theo Luật Chứng khoán hiện hành, doanh nghiệp không còn nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán sẽ không được cung cấp dịch vụ tư vấn niêm yết, tư vấn phát hành chứng khoán từ 2021. Trong khi, SBS bị UBCK thu hồi giấy phép nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán từ 2018 do không đáp ứng nhu cầu vốn pháp định.

Hoạt động môi giới đang mang lại nguồn thu chính cho SBS, song bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay nhiều công ty khác chấp nhận lỗ mảng này để thu hút khách hàng.

Được rót thêm vốn, kỳ vọng trở lại đường đua

Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm nay, ngoài đổi tên, đổi trụ sở, SBS còn hé lộ phương án tăng vốn mạnh thông qua phát hành riêng lẻ 150 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cp cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tăng vốn từ 1.227 tỷ đồng lên 2.767 tỷ đồng. Việc được rót thêm vốn sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu về vốn để bổ sung nghiệp vụ như bảo lãnh phát hành chứng khoán, kinh doanh chứng khoán phái sinh, kinh doanh chứng khoán, thực hiện hoạt động dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh…

Ông Phan Quốc Huỳnh, Chủ tịch HĐQT kỳ vọng sau 10 năm tái cơ cấu, SBS sẽ bước sang trang mới từ năm nay. "Lúc chúng tôi tiếp quản công ty vốn khoảng 1.200 tỷ đồng, lỗ lũy kế 1.700 tỷ đồng, cổ phiếu giá quanh 900 đồng. Chúng tôi đã nỗ lực hết sức để giữ giá trị cho cổ đông. Với những thay đổi hiện nay, tôi đã có thể tự tin nói đây là thành công lớn trong cuộc đời tôi thực hiện tái cấu trúc SBS".

Ông Dương Mạnh Hùng, Tổng giám đốc tiết lộ sau khi tăng vốn xong, doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng hợp tác chiến lược với một tập đoàn lớn trong nước và chuyển trụ sở sang địa chỉ của đối tác mới. Công ty đã đầu tư mua công nghệ của Mỹ để lắp đặt tại trụ sở mới chuẩn bị cho việc di dời.

Không tiết lộ tên đối tác nhưng ông Hùng khẳng định đó là tập đoàn lớn trong nước và việc hợp tác sẽ giúp SBS tận dụng được hệ sinh thái của tập đoàn, kỳ vọng có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Theo đó, lãnh đạo doanh nghiệp đề ra phương hướng phát triển năm nay gồm phát triển đội ngũ môi giới khách hàng, đẩy mạnh số lượng công tác viên; liên kết thêm với các công ty quản lý quỹ để đa dạng hóa sản phẩm quỹ. Song song đó, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư cho công nghệ, phát triển tiện ích đa dạng giúp khách hàng giao dịch qua thiết bị di động, đảm bảo thông suốt giao dịch cũng như bám sát yêu cầu từ các sở và trung tâm lưu ký.

Năm nay, công ty đề kế hoạch kinh doanh gồm doanh thu thuần khoảng 250-350 tỷ đồng, lợi nhuận 50-100 tỷ đồng. Năm trước, doanh nghiệp ghi nhận 221 tỷ đồng doanh thu hoạt động, lợi nhuận sau thuế 7,5 tỷ đồng.

Được rót thêm vốn có thể giúp SBS trở mình sau nhiều năm bị kìm kẹp. Tuy nhiên, con đường trở lại đường đua của SBS không dễ dàng bởi mức độ cạnh tranh hiện nay cực kỳ lớn và buộc lãnh đạo doanh nghiệp phải nỗ lực rất nhiều. Trước mắt, SBS phải xóa được khoản lỗ lũy kế hơn 1.300 tỷ đồng. Vị Chủ tịch HĐQT cũng thừa nhận là không dễ dàng và có thể mất vài năm.

Theo Ngọc Điểm

Người Đồng Hành

Bạn đang đọc bài viết "Thế khó của SBS trước khi đổi chủ" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: dautuforum@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.