Thăm Viettel Peru, Chủ tịch nước đánh giá: Tiềm năng, trí tuệ Việt Nam hoàn toàn có thể vươn ra thế giới

14/11/2024 16:30

Bitel là thương hiệu viễn thông đang thành công tại quốc gia có GDP trên đầu người đạt hơn 7000 USD.

Sáng ngày 13/11 (giờ Việt Nam), Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc tại Bitel - thương hiệu Viettel tại Peru - trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Sau nghi nghe báo cáo từ Viettel và Bitel, Chủ tịch nước đánh giá: “Thành công của Bitel cho thấy tiềm năng và trí tuệ Việt Nam hoàn toàn có thể vươn ra thế giới, cạnh tranh bình đẳng trên các thị trường quốc tế.”

Thăm Viettel Peru, Chủ tịch nước đánh giá: Tiềm năng, trí tuệ Việt Nam hoàn toàn có thể vươn ra thế giới- Ảnh 1.

Chủ tịch nước Lương Cường đánh giá Viettel Peru thể hiện năng lực Việt Nam trên trường quốc tế.

Bitel kinh doanh thế nào tại Peru?

Peru là thị trường mà thương hiệu Bitel bắt đầu kinh doanh từ năm 2014. Tại đây, nhà mạng của Việt Nam phải cạnh tranh với 3 cái tên lớn trong ngành viễn thông lúc đó là Movistar của Tây Ban Nha, Claro của Mexico và Ntel của Chile. Trong đó, Movistar và Claro là hai thương hiệu thuộc các tập đoàn viễn thông nằm trong nhóm 5 tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới.

Để có được thành công, và nhanh chóng trở thành nhân tố thúc đẩy phổ cập viễn thông và internet tại đất nước Nam Mỹ, nhà mạng đã đi theo thị trường ngách. Trong khi các công ty lớn chỉ hướng đến tệp khách hàng là cư dân thành thị với tiềm năng tiêu thụ cao, thì Bitel lại hướng đến tệp khách hàng rộng, bao gồm cả dân cư thị thành và nông thôn, nhằm tăng độ phủ sóng của mình và tìm kiếm cơ hội.

Với 8.500 trạm phát sóng và 40.000 km cáp quang, Bitel đã phủ sóng toàn bộ các bang (tương đương tỉnh/ thành) trên toàn quốc, thậm chí cả những khu vực xa xôi hẻo lánh nhất như rừng Amazon hay các thành phố Cusco, Ancash, Pasco (ở độ cao 3.300-4.300m).

Hạ tầng phủ rộng khắp của Bitel là thế mạnh giúp nhà mạng này đưa dịch vụ đến những nơi mà các nhà mạng khác chưa thể tiếp cận.

Nhà mạng của Viettel đã nâng tỷ lệ sử dụng internet từ 40% lên 80% tổng số dân số và đưa giá cước dữ liệu di động giảm 30 lần so với trước đây, trở thành nhà mạng được khách hàng tại Peru yêu thích nhất, doanh thu tăng trưởng trung bình 38% mỗi năm.

Thăm Viettel Peru, Chủ tịch nước đánh giá: Tiềm năng, trí tuệ Việt Nam hoàn toàn có thể vươn ra thế giới- Ảnh 2.

Bitel đã bỏ qua công nghệ 2G mà tiến thẳng tới công nghệ 3G, sau đó là 4G và 5G tại Peru.

Năm 2022, Bitel đã nhận vinh dự được Uỷ ban Giáo dục Quốc hội Peru tặng bằng khen về những nỗ lực cho sự nghiệp của ngành trong suốt 8 năm qua và chương trình cung cấp internet miễn phí cho 4.700 trường học trên toàn quốc. Kết quả này góp phần đưa Viettel trở thành 1 trong 3 doanh nghiệp toàn cầu có đóng góp quan trọng vào phát triển bền vững, tác động tích cực nhất đến xã hội, theo đánh giá của Fortune.

Bitel phát triển 5G tại Peru

Từ giữa năm 2024, Bitel phát triển mạng lưới 5G và vào ngày 11/11 chính thức trở thành nhà mạng đầu tiên tại Peru triển khai 5G đến khách hàng trên quy mô rộng.

Giải pháp thành phố thông minh được Bitel triển khai tại các khu vực như Barrios Altos, Salaverry, Chota, Cusco, Moche và Breña giúp giảm 84% tỷ lệ tội phạm và 66% số vụ tai nạn giao thông.

Công nghệ này dự kiến sớm được mở rộng sang nhiều khu vực khác, giúp chính quyền địa phương và người dân có công cụ để cải thiện hiệu quả giao tiếp, quản lý, tạo ra môi trường sống tốt hơn. Nhà mạng cũng cung cấp dịch vụ an toàn thông tin cho 100% đồn cảnh sát, cơ sở y tế, sân bay trên toàn quốc.

Thăm Viettel Peru, Chủ tịch nước đánh giá: Tiềm năng, trí tuệ Việt Nam hoàn toàn có thể vươn ra thế giới- Ảnh 3.

Bitel là nhà mạng đầu tiên tại Peru triển khai 5G.

Ví điện tử của Bitel, Bipay, hợp tác với Ngân hàng Trung ương Peru để giúp người dân chưa có tài khoản ngân hàng tiếp cận với các dịch vụ thanh toán, tài chính số.

“Bitel luôn gắn hoạt động của mình với sự phát triển của Peru. Ở giai đoạn tiếp theo, Bitel sẽ trở thành doanh nghiệp viễn thông – công nghệ số một tại Peru, tham gia sâu rộng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Ngoài hiệu quả về kinh tế, việc đầu tư ra nước ngoài của Viettel sẽ góp phần thúc đẩy về ngoại giao văn hoá, đối ngoại quốc phòng, lan toả hình ảnh đất nước, con người, những thành tựu của Việt Nam ra bạn bè quốc tế" - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng, khẳng định.

Viettel bắt đầu đầu tư quốc tế từ 2006, hiện giữ vị trí dẫn đầu tại 7/10 thị trường nước ngoài. Trong năm 2023 doanh thu nước ngoài của Viettel đạt 3,6 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay, và là năm thứ hai liên tiếp dòng tiền về của các thị trường đạt xấp xỉ 400 triệu USD tương đương 10.000 tỷ đồng.

Peru là thị trường tiềm năng với diện tích hơn 1,2 triệu km2, gấp khoảng 4 lần Việt Nam, với dân số 32 triệu dân, bằng 1/3 Việt Nam. GDP trên đầu người đạt hơn 7000 USD, tốc độ tăng trưởng GDP là 2,2%, lạm phát ở mức 2,1%. Đất nước này có dân số trẻ với 66,6% người dân ở độ tuổi từ 15 đến 65. Đây là một trong những nước phát triển nền kinh tế nhanh nhất khu vực Mỹ La Tinh, và có nền kinh tế vĩ mô ổn định.


Bạn đang đọc bài viết "Thăm Viettel Peru, Chủ tịch nước đánh giá: Tiềm năng, trí tuệ Việt Nam hoàn toàn có thể vươn ra thế giới" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.