Tăng cường giám sát để nâng chất lượng sản phẩm OCOP

04/04/2025 16:30

(THPL) - Sau hơn 6 năm triển khai, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế ở khu vực nông thôn, mang tới thu nhập bền vững cho người dân. Tuy nhiên, chương trình cũng bộc lộ những bất cập, cần tăng cường kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng, đạt được kết quả toàn diện hơn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tính đến tháng 12-2024, cả nước đã có 15.590 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 4.534 sản phẩm so với năm 2023 và tăng 11.139 sản phẩm so với năm 2020). Con số này vượt xa chỉ tiêu đặt ra đến năm 2025 Việt Nam có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP.

Trong đó có 79 sản phẩm 5 sao. Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người tiêu dùng tín nhiệm. Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP 4 sao và 5 sao đã chinh phục được thị trường xuất khẩu.

Đến nay, cả nước đã có hơn 674 trung tâm hoặc các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với các trung tâm đô thị, điểm du lịch ở các địa phương. Nhiều sản phẩm OCOP được phân phối ổn định trong các hệ thống siêu thị, nhất là Central Retail, Saigon Coop, Mega Market... và các hệ thống sàn thương mại điện tử như: Voso, Lazada, Vnpost..., góp phần mang lại thu nhập tốt hơn cho các chủ thể và kinh tế địa phương.

Chăn tơ tằm tự dệt (Công ty Dâu tằm tơ Mỹ Đức, Hà Nội) đạt chứng nhận OCOP 5 sao

Hà Nội hiện là địa phương đi đầu trong thực hiện Chương trình OCOP với những kết quả nổi bật. Lũy kế từ năm 2019 đến nay, Hà Nội đã đánh giá được 3.317 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 22 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.571 sản phẩm 4 sao và 1.718 sản phẩm 3 sao. Thành phố phát triển được 110 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, tạo điều kiện để người tiêu dùng Thủ đô nhận diện, tiêu thụ sản phẩm.

Theo đánh giá, Chương trình OCOP không chỉ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn mà còn giúp nâng cao thu nhập bền vững cho người dân, trở thành động lực mạnh mẽ trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM).

Dù đạt những bước tiến ngoài kỳ vọng, theo các nhà quản lý và chuyên gia, Chương trình OCOP vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là trong khả năng mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đơn cử, ngay tại địa phương dẫn đầu là Hà Nội, cũng chỉ mới có 6 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao. Theo nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, những hạn chế của Chương trình OCOP có thể nhìn thấy rõ ở nhiều địa phương như: một số sản phẩm người dân chỉ sản xuất theo mùa vụ với sản lượng ít; các hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; quy mô, năng lực quản trị của các chủ thể tham gia Chương trình OCOP còn nhỏ và yếu...

Bên cạnh đó, thực tế tiêu thụ các sản phẩm OCOP ở hầu hết các địa phương vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Các sản phẩm OCOP chưa tạo được sự khác biệt rõ ràng so với sản phẩm thông thường, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh và nhận diện thương hiệu. Tại các siêu thị, dù sản phẩm OCOP được trưng bày ở vị trí thuận lợi, nhưng khách hàng vẫn ít quan tâm do thiếu nhận thức và thông tin rõ ràng về giá trị sản phẩm. 

Tăng cường kiểm soát chất lượng, minh bạch thông tin để OCOP trở thành thương hiệu mạnh

Theo ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, thời gian tới, Bộ NN&MT sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP. Những sản phẩm không bảo đảm yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm hoặc không sản xuất đúng như đăng ký sẽ bị thu hồi nhằm bảo vệ uy tín chung của chương trình. Song song đó, việc hỗ trợ phát triển sản phẩm mới, quảng bá và xúc tiến thương mại sẽ được đẩy mạnh hơn nữa, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các chủ thể OCOP cũng như vai trò quản lý nhà nước đối với Chương trình. 

Để OCOP trở thành thương hiệu mạnh, các địa phương cũng đang tìm những giải pháp tháo gỡ vướng mắc, phát triển thương hiệu OCOP bản địa. Trong đó, Hà Nội sẽ tập trung phát triển các sản phẩm chế biến sâu, đặc sản bản địa để tăng sức cạnh tranh. Nhằm kiểm soát chất lượng sản phẩm OCOP, tới đây, UBND thành phố sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp gồm: Hỗ trợ chủ thể đa dạng hóa các mặt hàng; Đẩy mạnh kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ; Quản lý chặt chẽ và tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Đồng thời, Hà Nội sẽ tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm OCOP, minh bạch thông tin trước người tiêu dùng…

Hoàng Yến

Bạn đang đọc bài viết "Tăng cường giám sát để nâng chất lượng sản phẩm OCOP" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.