Ông Trump và Trung Quốc sẽ quyết định thắng bại của chứng khoán châu Á

29/12/2024 06:00

Dù năm 2024 ghi nhận đà tăng trưởng ấn tượng của thị trường chứng khoán châu Á, các chuyên gia nhận định năm 2025 sẽ là một năm đầy biến động với cả những thách thức và cơ hội.

Thị trường chứng khoán châu Á thắng đậm trong năm 2024. Ảnh: SCMP.

Chứng khoán khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã có một năm 2024 đầy thành công khi hầu hết thị trường lớn đều kết thúc trong sắc xanh, theo CNBC.

Các ngân hàng trung ương khu vực này đồng loạt nới lỏng chính sách tiền tệ, trong khi sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) thúc đẩy cổ phiếu công nghệ tăng vọt.

Trong bối cảnh đầy biến động sắp tới, các chuyên gia cho rằng các thị trường có nhu cầu nội địa mạnh và chính sách linh hoạt như Malaysia, Philippines có thể ghi nhận tăng trưởng vượt trội, trong khi những quốc gia phụ thuộc vào thương mại toàn cầu như Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn.

Đài Loan vụt sáng, Hàn Quốc tụt hậu

Dẫn đầu tăng trưởng khu vực châu Á năm 2024 là chỉ số Taiex của Đài Loan (Trung Quốc), tăng tới 28,85% tính đến ngày 23/12, bỏ xa mức tăng 16,63% của chỉ số Hang Seng (Hong Kong, Trung Quốc).

Theo Mike Shiao, Giám đốc đầu tư khu vực châu Á (trừ Nhật Bản) tại Invesco, châu Á đã kiểm soát lạm phát nhanh hơn các khu vực khác trên thế giới, mở đường cho chính sách tiền tệ nới lỏng.

Ông dự báo việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chu kỳ hạ lãi suất sẽ tạo thêm không gian cho các quốc gia châu Á giảm lãi suất vào năm 2025. Chính sách này thường giúp kích thích thị trường chứng khoán.

Đà tăng trưởng mạnh mẽ của Taiex chủ yếu đến từ sự bùng nổ cổ phiếu công nghệ. Cổ phiếu "gã khổng lồ" sản xuất chất bán dẫn TSMC đã tăng tới 82% trong năm nay, trong khi cổ phiếu Foxconn - nhà cung cấp lớn của Apple - cũng tăng mạnh 78%.

DBS dự báo nhu cầu đối với trung tâm dữ liệu AI có thể giảm nhiệt trong năm 2025, nhưng kỳ vọng sự gia tăng ở các sản phẩm điện thoại, máy tính và thiết bị điện tử tích hợp AI sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng ngành công nghệ.

Trong khi Đài Loan tỏa sáng, thị trường chứng khoán Hàn Quốc lại là điểm trừ của khu vực. Chỉ số Kospi đã giảm 8,03%, trở thành thị trường có hiệu suất tệ nhất châu Á năm 2024.

CÁC CHỈ SỐ CHỨNG KHOÁN TĂNG/GIẢM MẠNH NHẤT CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG 2024
Số liệu tính đến ngày 23/12/2024. Nguồn: CNBC; Tổng hợp.
NhãnTaiexHang SengStraits TimesNikkei 225CSI 300VN-IndexKuala Lumpur CompositeNifty 50BSR SensexASX 200Jakarta CompositeKospi
Tăng/giảm so với đầu năm % 28.8516.6315.7815.6514.6411.79.739.288.698.05-2.42-8.03

Nguyên nhân chính đến từ các bất ổn chính trị và thương mại, đặc biệt là việc luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol đã làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, những lo ngại về thuế quan và sự thiếu hiệu quả của các chính sách kích cầu cũng khiến thị trường Hàn Quốc khó bứt phá.

Paul Kim, Giám đốc cổ phiếu tại Eastspring Investments, nhận định các ngành xuất khẩu chính như công nghệ thông tin và ôtô của Hàn Quốc sẽ gặp nhiều thách thức trong năm tới, đặc biệt khi kinh tế toàn cầu suy yếu.

Ông Trump và kinh tế Trung Quốc quyết định thắng bại của thị trường

Theo George Maris, Giám đốc đầu tư toàn cầu tại Principal Asset Management, hai vấn đề lớn nhất chiếm sự quan tâm của các nhà đầu tư trong năm 2025 sẽ là nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump và tình hình kinh tế Trung Quốc.

Theo Nomura, chính sách của chính quyền ông Trump dự kiến định hình triển vọng tăng trưởng và lạm phát tại châu Á.

“Chúng tôi kỳ vọng việc gia tăng thuế nhập khẩu vào đầu năm tới sẽ dẫn đến lạm phát tăng cao và làm chậm tăng trưởng đầu tư”, Nomura nhận định.

Thuế quan cao hơn và các rào cản thương mại mới sẽ khiến xuất khẩu từ châu Á suy yếu. Sự bất ổn tăng lên, cùng với các biện pháp trả đũa, có thể làm chậm lại dòng vốn đầu tư vào khu vực.

Freida Tay, Giám đốc danh mục đầu tư tại MFS Investment Management, chia sẻ với CNBC rằng các nền kinh tế phụ thuộc vào sản xuất và thương mại, như phần lớn quốc gia châu Á, sẽ chịu tác động tiêu cực hơn. “Thuế quan làm giảm dòng chảy thương mại và gây áp lực suy giảm tăng trưởng”, bà nhận xét.

Nomura cũng dự báo châu Á sẽ đối mặt với điều kiện tài chính toàn cầu khắc nghiệt hơn vào năm 2025 do lãi suất cao hơn và đồng USD mạnh hơn.

Trong cuộc họp cuối năm 2024, Fed đã phát đi tín hiệu sẽ giảm tốc độ cắt giảm lãi suất trong năm 2025, đồng thời nâng dự báo lạm phát.

Nomura cũng nhận định rằng triển vọng chính sách tiền tệ tại châu Á sẽ có sự phân hóa rõ rệt. Các quốc gia như Trung Quốc, Australia, Hàn Quốc và Indonesia, vốn dễ bị tổn thương bởi rủi ro ngoại hối, sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm 2025.

Chính sách tiền tệ nới lỏng thường làm yếu đồng nội tệ, giúp hàng xuất khẩu rẻ hơn và hỗ trợ tăng trưởng đối mặt với áp lực thuế quan.

Ngược lại, các quốc gia có tăng trưởng mạnh, lạm phát cao và chính sách tiền tệ vẫn đang ở mức hỗ trợ sẽ nâng lãi suất, như Nhật Bản và Malaysia.

Nhìn chung, năm 2025 sẽ mang đến nhiều bất ổn. Các chuyên gia của Nomura cảnh báo rằng “những cơn sóng gió đang chờ đợi khu vực”.

Dù nhu cầu mạnh mẽ đối với AI và hoạt động đẩy mạnh xuất khẩu trong quý đầu năm có thể hỗ trợ tăng trưởng, khu vực này có vẻ sẽ gặp khó khăn hơn từ quý II do tác động từ chính sách của ông Trump, tình trạng dư thừa năng lực tại Trung Quốc và chu kỳ bán dẫn chững lại.

Tuy nhiên, Nomura vẫn lạc quan về tăng trưởng tại các nền kinh tế châu Á có nhu cầu nội địa mạnh như Malaysia và Philippines, trong khi các quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan và Hàn Quốc sẽ đối mặt nhiều khó khăn hơn.

Kinh tế Trung Quốc sẽ là một điểm nóng khác được các nhà đầu tư châu Á quan tâm trong năm 2025. Nhà đầu tư đang kỳ vọng một “cam kết mạnh mẽ hướng đến tăng trưởng bền vững” từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, George Maris chia sẻ.

chung khoan chau A anh 1

Các biện pháp kích thích để hỗ trợ nền kinh tế của Trung Quốc đã giúp thị trường chứng khoán nước này khởi sắc hơn. Ảnh: Reuters.

Sau 3 năm suy giảm, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại vào năm 2024, với chỉ số CSI 300 tăng 14,64% nhờ Bắc Kinh triển khai các biện pháp kích thích kinh tế.

Các nhà phân tích của Nomura dự báo Trung Quốc sẽ tung thêm các gói kích thích để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, Bắc Kinh cần giải quyết một loạt vấn đề lớn như ổn định thị trường bất động sản, cải cách hệ thống tài chính, tăng cường an sinh xã hội và giảm căng thẳng địa chính trị để đạt được một sự phục hồi bền vững.

“Điều này không hề dễ dàng, đặc biệt khi xuất khẩu của Trung Quốc - đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng năm 2024 - có thể đối mặt với nhiều cản trở từ chính quyền ông Trump”, Nomura nhận định.

Dù Bắc Kinh có thể duy trì mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức “khoảng 5%”, tăng trưởng GDP của Trung Quốc được dự báo giảm từ 4,8% năm 2024 xuống còn 4% năm 2025 do chịu áp lực lớn từ chính sách thương mại của Mỹ.

Dẫu vậy, các chuyên gia vẫn lạc quan về cơ hội từ các công ty phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Theo George Maris, Giám đốc đầu tư toàn cầu tại Principal Asset Management, đây là các doanh nghiệp có tiềm năng hưởng lợi lớn nếu chính phủ Trung Quốc triển khai thêm các biện pháp kích cầu mạnh mẽ.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới trở thành nhu cầu cấp thiết. Để độc giả có thể tiếp cận những tri thức kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh trên thế giới.

Bạn đang đọc bài viết "Ông Trump và Trung Quốc sẽ quyết định thắng bại của chứng khoán châu Á" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.