Bất động sản công nghiệp hướng đến phát triển 'xanh' và bền vững

29/12/2024 04:30

(Chinhphu.vn) - Việt Nam đang từng bước trở thành xu hướng lựa chọn đầu tư của nhiều quốc gia. Vì thế, nhu cầu bất động sản công nghiệp, nhà xưởng cho thuê và logistics đã ghi nhận mức tăng trưởng theo cấp số nhân. Việc xác định theo mô hình khu công nghiệp sinh thái “xanh” là nhu cầu tất yếu, cấp bách, góp phần thực hiện cam kết phát triển bền vững mà Chính phủ đã đặt ra.

Bất động sản công nghiệp hướng đến phát triển 'xanh' và bền vững- Ảnh 1.

Nhu cầu bất động sản công nghiệp, nhà xưởng cho thuê và logistics đã ghi nhận mức tăng trưởng theo cấp số nhân

Việt Nam từng bước trở thành xu hướng lựa chọn đầu tư của nhiều quốc gia

Trong bối cảnh tăng trưởng xanh, thời gian qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1658/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050… nhằm làm cơ sở để Việt Nam trở thành xu hướng lựa chọn đầu tư của nhiều quốc gia trên thế giới.

Có thể thấy, thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đã quan tâm đặc biệt đến thị trường Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, nhờ những nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy đầu tư nước ngoài, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2024 ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số giải ngân cao nhất trong các năm trở lại đây. Các dự án đăng ký mới như nhà máy Bio-BDO (730 triệu USD) và Foxconn Quảng Ninh (đồng góp 278,2 triệu USD) là minh chứng cho xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Kết quả này đã thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của Việt Nam.

Việt Nam cũng đã trở thành điểm sáng là do nền kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát tốt, kết quả tăng trưởng kinh tế tích cực và ấn tượng trong bối cảnh thế giới còn gặp nhiều khó khăn. Nhất là tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo đạt 7-7,1%, đứng đầu khu vực ASEAN.

Chính phủ tiếp tục tăng cường mối quan hệ thương mại song phương với các đối tác chiến lược, trong đó nổi bật bao gồm Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư, sản xuất. Năm 2023, Việt Nam lần lượt đón tiếp Tổng thống Mỹ và Chủ tịch nước Trung Quốc. Và gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc gặp với Giám đốc điều hành của Apple Inc là ông Tim Cook và Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA là ông Jensen Huang để bàn về kế hoạch tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Điều này đã đánh dấu vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế.

Song song với đó, vị thế quốc tế của Việt Nam đang được nâng cao, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với việc tham gia và triển khai hiệu quả các FTA. Việt Nam hiện được xếp vào nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, độ mở trên 200% với sự hiện diện của nhà đầu tư đến từ 144 quốc gia và vùng lãnh thổ, với trên 40.544 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 484 tỷ USD.

Cùng với sự dịch chuyển từ xuất khẩu truyền thống sang các sản phẩm công nghệ cao đã mang đến cho Việt Nam cơ hội trở thành trung tâm sản xuất mới của châu Á. Trong số đó, thị trường bất động sản công nghiệp và logistics cũng ghi nhận mức tăng trưởng theo cấp số nhân, với tổng nguồn cung cho thuê đạt tỷ lệ tăng trưởng hơn 20% hàng năm trong vòng 5 năm qua, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Để chuẩn bị nguồn lực hạ tầng cho dòng vốn này, Chính phủ đầu tư mạnh vào phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối đường cao tốc và sân bay mới, phân bổ 6% GDP cho cơ sở hạ tầng so với mức trung bình của ASEAN là 2,3%, hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của các trung tâm công nghiệp.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư định hướng đến năm 2030 sẽ có 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái, 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư.

Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam đang dần bắt kịp các nền kinh tế phát triển ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore. Mô hình Đông Á là minh chứng cho sự thành công trong việc phát triển các nền kinh tế như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và có thể là cả Singapore. Là quốc gia đang phát triển duy nhất theo đuổi mô hình này hiện nay, Việt Nam càng dễ dàng ghi điểm với các nhà sản xuất Đông Á, giúp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ như Ấn Độ và Indonesia.

Bất động sản công nghiệp hướng đến phát triển 'xanh' và bền vững- Ảnh 2.

Lễ khởi công dự án BW Tân Hiệp Logistics Park với sự tham gia của chỉnh quyền địa phương tỉnh Đồng Nai. Ảnh: VGP/Vĩnh Hoàng

Bất động sản công nghiệp, logistics đón nhận làn sóng tăng trưởng

Trong khi tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam thuộc hàng cao nhất ở Đông Nam Á thì quy mô thị trường hiện tại của nhà kho xây sẵn (RBW) tuy đang phát triển nhưng vẫn còn tương đối nhỏ. Hiện nguồn cung về nhà kho xây sẵn đạt chuẩn hiện chỉ ở mức 0,02 mét vuông bình quân đầu người, không đáng kể so với các nước láng giềng như Trung Quốc và Hàn Quốc. Có thể thấy, đây là cơ hội tiềm năng để phát triển thị trường kho bãi nhằm đón đầu làn sóng tăng trưởng về nhu cầu trong tương lai.

Theo dữ liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tính đến hết quý 3/2024, nhu cầu kho bãi, nhà xưởng xây sẵn cho thuê tiếp tục phát triển mạnh, chủ yếu đến từ ngành công nghiệp sản xuất, thương mại điện tử, máy móc, linh kiện điện tử. Giá thuê kho bãi, nhà xưởng xây sẵn dao động từ 4-5 USD/m2/tháng.

Để đáp ứng nhu cầu này, thời gian qua, Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp BW (gọi tắt là BW) đã tập trung nguồn lực phát triển ở Việt Nam. Đây là một trong những công ty bất động sản công nghiệp và logistics cho thuê hàng đầu với tổng tài sản đang quản lý trị giá 3 tỷ USD.

BW tập trung xây dựng nhà xưởng phục vụ công nghiệp nhẹ và nhà kho hiện đại nhằm khai thác tối đa tiềm năng tăng trưởng vượt bậc của khối sản xuất, sự gia tăng trong nhu cầu tiêu dùng nội địa và sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử.

BW đang sở hữu gần 10 triệu mét vuông đất công nghiệp tại các vị trí đắc địa, với tổng số 58 dự án tại 12 tỉnh và thành phố kinh tế trọng điểm ở Việt Nam. Tổng diện tích sàn (GFA) bất động sản đã hoàn thiện và đang xây dựng của BW lên tới 3,9 triệu mét vuông. Tính đến tháng 10 năm 2024, các tài sản cho thuê của BW hướng đến khách hàng cả trong và ngoài nước, với tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 83% ở tất cả các dự án.

Với sự hiện diện trên toàn quốc ở cả miền Bắc, miền Trung và miền Nam, khoảng 78% dự án của BW có vị trí chiến lược tại các vị trí chiến lược thuộc thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội mở rộng.

TIN LIÊN QUANTương lai bất động sản công nghiệp ở Việt Nam rất triển vọng10 địa phương được dự báo bất động sản công nghiệp phát triển mạnh trong năm 2024BW khởi công dự án bất động sản công nghiệp thứ 10 năm 2024BW khởi công dự án thứ 12, đáp ứng nhu cầu kho xưởng lớn nhất hiện nayBW vượt kỳ vọng năm 2024 với việc ra mắt dự án Phú An ThạnhBW vượt kỳ vọng năm 2024 với việc ra mắt dự án Phú An Thạnh

Nhờ ứng dụng công nghệ không chỉ giúp tăng hiệu suất, hiệu quả vận hành mà BW còn hướng tới phát triển bền vững, bảo đảm các tiêu chí ESG (Môi trường-Xã hội-Quản trị doanh nghiệp) thông qua việc sử dụng đèn LED đến vật liệu cách nhiệt từ lúc thiết kế đến thi công dự án, đạt tiêu chuẩn LEED Gold trong việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm điện và nguyên vật liệu, giảm khí thải carbon, tạo môi trường xanh bền vững, giúp khách hàng giảm các chi phí vận hành…

BW hiện cũng sở hữu dự án điện năng lượng mặt trời áp mái lớn nhất tại Việt Nam, với gần 3 triệu mét vuông diện tích áp mái và đang tiếp tục phát triển. Công ty đã có 2 dự án thí điểm ở miền Nam, nhằm triển khai lắp đặt năng lượng mặt trời áp mái cho tất cả các dự án, đặc biệt là những dự án có nhu cầu điện năng cao từ hoạt động sản xuất của khách thuê.

Đánh giá chung về thị trường bất động sản công nghiệp, ông Alex Crane, Giám đốc Điều hành Knight Frank Việt Nam chia sẻ: "Nhà xưởng xây sẵn tiếp tục được phát triển và khai thác là một tín hiệu tích cực, giúp khách thuê có thêm lựa chọn khi cân nhắc Việt Nam như một điểm đến phù hợp để đầu tư hoặc mở rộng kinh doanh". Việc lựa chọn thuê mặt bằng công nghiệp, nhất là những dự án có chứng nhận bảo vệ môi trường sẽ giúp Việt Nam hội nhập ngày càng tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

BW nhận định, khu công nghiệp sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, đặc biệt gắn với các tiêu chí ESG theo yêu cầu của các chuỗi ngành hàng. Vì thế, trong chiến lược phát triển của mình, BW xác định việc phát triển khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để kiến tạo lợi thế cạnh tranh bền vững, qua đó đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh năng lượng, đồng thời cũng mong muốn góp sức mình trong việc quyết tâm thực hiện các cam kết phát triển bền vững mà Chính phủ Việt Nam đã đặt ra.

Vĩnh Hoàng


Bạn đang đọc bài viết "Bất động sản công nghiệp hướng đến phát triển 'xanh' và bền vững" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.