Ông Trump đắc cử thách thức đồng nhân dân tệ

26/11/2024 05:39

Nguy cơ chiến tranh thương mại trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 của ông Trump đã thúc đẩy các dự báo về sự suy yếu của đồng nhân dân tệ so với USD.

Đồng nhân dân tệ có thể yếu hơn so với thời kỳ chiến tranh thương mại trước đó. Ảnh: Bloomberg.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang theo đuổi mục tiêu xây dựng một đồng nhân dân tệ (CNY) ổn định và đủ mạnh để đóng vai trò lớn hơn trong thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, sự trở lại của ông Donald Trump trên cương vị Tổng thống Mỹ đang đặt ra những thách thức lớn đối với tham vọng này, theo Bloomberg.

Trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump, đồng nhân dân tệ đối mặt với nguy cơ chịu áp lực giảm giá kéo dài, đặc biệt khi có nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thương mại mới đang thúc đẩy làn sóng đặt cược vào sự suy yếu của đồng tiền này.

Các nhà phân tích dự đoán nhân dân tệ sẽ chạm đáy 17 năm so với USD vào năm 2025 với trường hợp xấu nhất là mức giảm khoảng 10%.

Nhiều kịch bản bi quan

So với giai đoạn chiến tranh thương mại trước đây, đồng nhân dân tệ hiện yếu thế hơn. Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc thấp hơn đáng kể so với Mỹ, dòng vốn đầu tư từ các công ty nước ngoài rút lui, tăng trưởng kinh tế không đồng đều và nguy cơ giảm phát có thể đẩy lãi suất xuống thấp hơn.

“Áp lực giảm giá sẽ còn gia tăng”, ông Adam Wolfe, chuyên gia kinh tế thị trường mới nổi tại Absolute Strategy Research nhận định về đồng nội tệ Trung Quốc.

Ông Adam cho rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) có thể tiếp tục hỗ trợ đồng nhân dân tệ trong ngắn hạn vì lo ngại về sự bất ổn thị trường tài chính. Tuy nhiên, nếu một cuộc chiến thương mại bùng nổ, PBoC có thể để đồng tiền này giảm giá thêm nhằm bảo vệ xuất khẩu của Trung Quốc và tăng vị thế đàm phán.

Đây là lý do khiến các nhà đầu tư ngày càng đặt cược vào sự giảm giá của nhân dân tệ so với USD. Trong phiên giao dịch 14/11, đồng nhân dân tệ đã giao dịch ở mức thấp nhất 3 tháng với mức 7,248 CNY đổi 1 USD trên thị trường nội địa. Trên thị trường quốc tế, tỷ giá cặp tiền tệ này cũng ở mức 7,237 nhân dân tệ/USD vào ngày 15/11.

BNP Paribas SA dự báo cặp tỷ giá này sẽ ổn định quanh mức 7,5 nhân dân tệ/USD nếu ông Trump thực hiện lời hứa áp thuế 60% lên hàng hóa Trung Quốc. UBS AG dự đoán tỷ giá USD/CNY có thể đạt mức 7,6-7,7 nhân dân tệ/USD trong năm nay, trong khi Societe Generale SA dự báo mức 7,4 nhân dân tệ/USD vào quý II năm tới.

nhan dan te,  trung quoc anh 1

Tỷ giá USD/CNY qua các năm. Biểu đồ: Bloomberg.

Trong khi đó, một số nhà phân tích thậm chí có dự báo bi quan hơn. Jefferies Financial Group cho rằng tỷ giá CNY/USD có thể giảm xuống mức 8 nhân dân tệ đổi 1 USD vào năm 2025. Lần cuối đồng nội tệ Trung Quốc đạt mức giá đó là vào năm 2006, khi ông George W. Bush còn là Tổng thống Mỹ, Twitter chỉ mới ra đời được vài tháng và nền kinh tế Trung Quốc khi đó còn nhỏ hơn cả nền kinh tế Đức.

Theo các chuyên gia, để nhân dân tệ yếu đi có thể là lựa chọn ít trở ngại nhất, đặc biệt khi Mỹ tăng thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, câu hỏi lớn là PBoC sẽ để đồng tiền giảm giá nhanh và sâu đến mức nào.

Thách thức của PBoC

Bắc Kinh đã thiết lập một đợt phá giá đồng nhân dân tệ vào năm 2015, khi PBoC từng cho phép nhân dân tệ giảm 1,9% trong một ngày dẫn đến làn sóng rút vốn lớn và giảm dự trữ ngoại hối của quốc gia này. Động thái này cũng khiến Mỹ gắn mác Trung Quốc là “quốc gia thao túng tiền tệ”, một khái niệm được chính thức đưa ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.

Charu Chanana, chiến lược gia tại Saxo Markets, cảnh báo việc hạ giá đồng nhân dân tệ sẽ làm gia tăng áp lực kinh tế, gánh nặng nợ công, củng cố danh hiệu “thao túng tiền tệ” và gây căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung. “Đó sẽ là một nước đi nguy hiểm, làm trầm trọng thêm mâu thuẫn hiện có”, nữ chuyên gia nói.

Hiện tại, PBoC dường như chọn cách để đồng nhân dân tệ giảm giá chậm rãi và áp dụng các biện pháp gián tiếp để kiểm soát.

Trong những năm qua, PBoC đã tinh chỉnh bộ công cụ tiền tệ trong bối cảnh lãi suất tăng nhanh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tác động đến các loại tiền tệ trên toàn thế giới.

Sổ tay ngoại hối hiện tại của Trung Quốc bao gồm việc thiết lập các mức tỷ giá cố định hàng ngày mạnh hơn, hạn chế phạm vi giao dịch của đồng nội tệ hàng ngày, điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc và khuyến khích các ngân hàng Nhà nước quản lý cung ứng thanh khoản ngoại tệ trên thị trường.

PBoC đã đặt tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ cao hơn mức dự báo từ thứ Tư đến thứ Sáu tuần này, cho thấy sự không hài lòng của cơ quan này trước đà suy yếu gần đây của đồng nội tệ. Trong khi đó, các ngân hàng Nhà nước Trung Quốc đã bán USD trên thị trường nội địa.

Hiện tại, các nhà giao dịch đang tập trung theo dõi thị trường tài trợ nhân dân tệ ở nước ngoài, nơi ngày càng nhiều kỳ vọng cho rằng các chi nhánh nước ngoài của các ngân hàng Nhà nước Trung Quốc có thể thắt chặt nguồn cung nhân dân tệ.

Cuối tháng 9 vừa qua, chính phủ Trung Quốc đã tung ra gói kích thích kinh tế lớn để giảm thiểu tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ. Nếu gói kích thích này thành công, nó có thể giúp nền kinh tế Trung Quốc chống đỡ trước các cú sốc trong tương lai.

Tham vọng “quốc tế hóa” gặp trở ngại

Đáng chú ý, mục tiêu của Trung Quốc là ngăn chặn đà trượt giá của đồng nhân dân tệ so với USD có thể nhận được sự ủng hộ từ chính quyền ông Trump. Bởi điều này sẽ khiến hàng hóa Mỹ rẻ hơn đối với phần còn lại của thế giới, dù các ngân hàng Phố Wall cho rằng ông Trump khó có thể đạt được mong muốn này.

Trung Quốc từ lâu đã thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ như một phần trong tham vọng đưa đất nước trở thành cường quốc tài chính toàn cầu. Chính phủ nước này đã đạt được một số thành công trong việc phổ biến việc sử dụng đồng nhân dân tệ ở nước ngoài, tuy nhiên, mục tiêu này phụ thuộc lớn vào việc duy trì sự ổn định của đồng tiền.

Lynn Song, chuyên gia kinh tế trưởng tại ING Bank nhận định: “Kịch bản tồi tệ nhất là chính sách từ bỏ mục tiêu ổn định đồng tiền và để nhân dân tệ giảm giá nhanh chóng”. Theo ông, động thái này không chỉ gây tổn hại ngắn hạn mà còn làm suy yếu mục tiêu dài hạn của Trung Quốc.

Trong bối cảnh đầy thách thức, Trung Quốc cần tìm cách cân bằng giữa tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và những áp lực ngắn hạn từ sự trở lại của ông Trump.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới là rất quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.

Bạn đang đọc bài viết "Ông Trump đắc cử thách thức đồng nhân dân tệ" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.