Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên: “Vác tù và hàng tổng...”

31/08/2024 16:30

Đại hội Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn (CLB) Nhiệm kỳ IV vừa diễn ra thành công. Có khá nhiều “sứ mệnh” được đặt ra cho hội viên cũng như cá nhân tân Chủ tịch Lư Nguyễn Xuân Vũ trong 5 năm 2024-2029 khiến tôi nôn nóng muốn trò chuyện với ông để được nghe những việc cần làm trước mắt cũng như dài hạn của CLB. Lan man với những câu hỏi về hội, câu lạc bộ, tưởng sẽ nhận lại câu trả lời khiên cưỡng, theo kiểu định hướng, khẩu hiệu nhưng tân Chủ tịch lại khá cởi mở và thẳng thắn.

Trò chuyện doanh nhân

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên: “Vác tù và hàng tổng...”

Lữ Ý Nhi • 29/08/2024 10:00

Đại hội Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn (CLB) Nhiệm kỳ IV vừa diễn ra thành công. Có khá nhiều “sứ mệnh” được đặt ra cho hội viên cũng như cá nhân tân Chủ tịch Lư Nguyễn Xuân Vũ trong 5 năm 2024-2029 khiến tôi nôn nóng muốn trò chuyện với ông để được nghe những việc cần làm trước mắt cũng như dài hạn của CLB. Lan man với những câu hỏi về hội, câu lạc bộ, tưởng sẽ nhận lại câu trả lời khiên cưỡng, theo kiểu định hướng, khẩu hiệu nhưng tân Chủ tịch lại khá cởi mở và thẳng thắn.

* Thưa ông, nhiều năm qua, tôn chỉ hoạt động của CLB là “Làm giàu chân chính - Hợp tác phát triển - Văn hóa tri thức - Trách nhiệm xã hội”. Nếu nhận xét khách quan, ông thấy hội viên CLB đã thật sự “thấm nhuần” các giá trị này chưa?

- Tôn chỉ “Làm giàu chân chính - Hợp tác phát triển - Văn hóa tri thức - Trách nhiệm xã hội” được các thế hệ lãnh đạo CLB xây dựng, đã mang lại giá trị thiết thực cho hội viên, đã tác động, ảnh hưởng sâu sắc, làm thay đổi nhận thức của hội viên nói riêng và giới doanh nhân TP.HCM nói chung trong nhiều năm qua. Tuy không phải hội viên nào cũng “thấm nhuần” hết giá trị cao đẹp của “làm giàu chân chính” và “văn hóa tri thức” nhưng chắc chắn doanh nhân nào hiểu và vận dụng triết lý này vào hành trình phát triển doanh nghiệp thì đã là thành công đối với bản thân, gia đình và có ích cho xã hội.

2.jpg

* Nhưng làm thế nào để biết cũng như phát hiện việc làm giàu “bất chính” hay “chân chính”?

- Đó là một câu hỏi khó đối với chúng tôi. Chúng tôi đặt ra vấn đề này để trước tiên là nhắc nhớ bản thân mình. Trong thời buổi kinh tế thị trường mới hình thành, có doanh nhân mới được tôn vinh đó rồi lại thấy sai phạm đó. Cái ranh giới giữa “bất chính” và “chân chính” ở mỗi doanh nhân do chính họ tự đặt ra trên cơ sở nhận thức và ý thức về tuân thủ luật pháp. Cũng có một số doanh nhân do sơ ý, không nắm rõ pháp luật hoặc do nôn nóng phát triển nên vướng phải sai phạm. Vậy doanh nhân muốn làm giàu chân chính thì trước tiên phải hiểu và tuân thủ pháp luật. Không nên nói đến kiểm soát hay giáo dục đối với doanh nhân về việc làm ăn bởi khó càng thêm khó. CLB chỉ có thể tuyên truyền, hỗ trợ hội viên trong việc cập nhật kiến thức pháp luật và hướng hội viên đến những giá trị cao đẹp, còn quyết định vẫn là sự lựa chọn của họ. Bản lĩnh của doanh nhân là phải biết nói không với việc làm ăn không lương thiện chứ không đơn thuần là làm giàu. CLB có Chương trình tọa đàm “Doanh nhân và pháp luật”, có danh hiệu “Doanh nhân - người truyền lửa”, có Cuộc thi viết “Doanh nhân và chữ hiếu”, “Doanh nhân và cộng đồng”, có hội thảo “Văn hóa doanh nhân và văn hóa doanh nghiệp” vừa để nêu gương vừa giúp doanh nhân chấn chỉnh, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh sao cho đúng pháp luật, qua đó chúng tôi tham vọng khơi dậy “lòng nhân”, chạm vào “cái tâm” tốt đẹp vốn có trong mỗi doanh nhân. Hằng năm, CLB đã và sẽ kịp thời ghi nhận, vinh danh những doanh nhân làm giàu chân chính, sống có ích cho cộng đồng và xã hội.

* Theo ông, cụm từ “văn hóa tri thức” vì sao với doanh nhân lại quan trọng và trở thành giá trị cốt lõi cho mỗi hội viên CLB?

- Văn hóa tri thức của doanh nhân không đơn thuần là trình độ học vấn hay chuyên môn mà còn là văn hóa ứng xử, đạo đức và lối sống. Văn hóa tri thức của mỗi doanh nhân không giống nhau và không thể thiếu ở mỗi người. Đồng ý rằng, làm giàu là một khát vọng chính đáng của doanh nhân, thế nhưng làm giàu bằng văn hóa tri thức mới là nền tảng giúp doanh nhân giữ và sử dụng của cải bền vững. Doanh nhân có tri thức, hiểu biết về pháp luật, có tâm trong sáng, có tính vị tha sẽ biết lựa chọn làm giàu chính đáng. Giá trị của văn hóa tri thức không để ngăn chặn làm ăn bất chính mà là góp phần quan trọng trong việc giúp doanh nhân nhận thức đúng, từ đó lựa chọn sự phát triển cho bản thân và doanh nghiệp.

* Có thể thiếu tế nhị, nhưng tôi vẫn muốn hỏi ông: Thực tế là có những doanh nhân khi tham gia hội hay CLB là để “vui là chính”. Nếu vậy, giá trị cốt lõi hay tôn chỉ của hội hay CLB có còn giá trị không, thưa ông?

- Tôi lại đặt câu hỏi: Doanh nhân vào hội, CLB để làm gì? Doanh nhân lựa chọn tham gia hội, hiệp hội, CLB (hội) là tự nguyện, và mỗi tổ chức đều có những giá trị, thế mạnh nhất định. Tôn chỉ “Làm giàu chân chính - Hợp tác phát triển - Văn hóa tri thức - Trách nhiệm xã hội” ở CLB chỉ có thể “thấm” khi hội viên thực sự hiểu được giá trị cốt lõi ấy. Ngược lại, mỗi doanh nhân cũng tự hỏi “Tôi vào hội để làm gì?”, “Tôi vào hội để có được gì?”. CLB với những giá trị cốt lõi thật sự cần thiết cho mỗi doanh nhân, giá trị ấy được xây dựng, kế thừa qua nhiều thế hệ, trong đó có ý tưởng của cụ Lương Văn Can - một tấm gương rất sáng của giới doanh nhân.

* Những năm gần đây, doanh nhân tham gia các tổ chức hội ngày càng nhiều, hoạt động của các hội cũng phong phú hơn, nhưng không ít người cho rằng vẫn là bề nổi và mang tính phong trào. Ông nhìn nhận đánh giá ấy như thế nào?

- Trong hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp, có câu “Buôn có bạn, bán có phường” cho nên tính liên kết, hùn hạp giữa doanh nhân trong một lĩnh vực, ngành nghề là nhu cầu chính đáng và cần thiết. CLB trong gần 20 năm qua đã liên kết hội viên, có những thời điểm có hơn 1.200 hội viên cùng hỗ trợ, giúp nhau phát triển, trong đó có nhiều doanh nhân hiện nay trở thành chủ các thương hiệu nổi tiếng. Mặc khác, thông qua CLB, hội viên đã nêu những ý kiến, những phản hồi trong việc thực thi pháp luật và các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước để CLB tổng hợp phản ánh góp ý với chính quyền, từ đó giúp doanh nhân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

* Theo ông, các tổ chức hội, CLB thời gian qua đã tác động thế nào đến những chính sách của Chính phủ và lãnh đạo TP.HCM?

- Các hội, CLB, trong đó có CLB đã đóng góp không nhỏ đối với sự phát triển của đất nước và TP.HCM. Còn nhớ, trong đại dịch Covid-19, các hội, CLB doanh nhân đã tập họp được sức mạnh của giới doanh nhân, đồng hành cả vật chất, cả tinh thần cùng với chính quyền Thành phố chống dịch, giúp người dân vượt qua rất nhiều khó khăn. Về việc phổ biến pháp luật, chính sách thì hội đoàn của doanh nhân chính là kênh tuyên truyền tốt nhất, nhanh nhất đến doanh nhân, doanh nghiệp. Mặt khác, thông qua hội, CLB doanh nhân, nhiều lần Chính phủ và lãnh đạo TP.HCM đã tham khảo ý kiến, từ đó sửa đổi chính sách kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế hơn.

* Thế còn điều gì chưa thực chất và hiệu quả trong hoạt động hội, CLB hiện nay?

- Chính phủ đã có những nghị định về hoạt động hội, Bộ Nội vụ đã có những thông tư hướng dẫn chi tiết để thực hiện những nghị định ấy. Vậy, vấn đề hoạt động hiệu quả hay không là ở các tổ chức hội. Đối với CLB, ở nhiệm kỳ mới, chúng tôi sẽ có nhiều chương trình cho hội viên, lấy hội viên làm trung tâm và là đối tượng phục vụ. Chúng tôi sẽ biến tư duy lãnh đạo của Ban Chấp hành thành hành động cụ thể, thay đổi cách hoạt động để mang lại giá trị thiết thực nhất cho hội viên chứ không phải lúc nào cũng kêu gọi hội viên đóng góp. Bây giờ các hội, câu lạc bộ nhiều lắm nên doanh nhân sẽ lựa chọn để tham gia.

3.jpg

* Ông có thấy gánh nặng và áp lực khi được bầu làm Chủ tịch CLB nhiệm kỳ IV?

- Có chứ! Được bầu làm chủ tịch một tổ chức có nhiều doanh nhân thành đạt ở TP.HCM là vinh dự nhưng cũng không ít trách nhiệm nặng nề. CLB là tổ chức của doanh nhân tại một thành phố năng động, hội viên chúng tôi có nhiều chủ doanh nghiệp lớn, có nhiều doanh nhân nổi tiếng, có nhiều hội viên với thâm niên lãnh đạo doanh nghiệp nên khi đứng đầu tổ chức đặc biệt và đa dạng như thế quả thật rất đáng lo. May mắn, tôi được sự tín nhiệm cao của hội viên, sự tin tưởng của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và động viên từ Ban Cố vấn đã tiếp cho tôi sức mạnh để cùng đoàn kết xây dựng CLB trở thành một hội doanh nhân vững mạnh. Cùng với đó, sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền TP.HCM, các hội doanh nghiệp bạn, sự góp sức tích cực của hội viên sẽ giúp chúng tôi vượt qua khó khăn để đưa CLB phát triển vững mạnh.

* Ông đánh giá thế nào về những khó khăn, thuận lợi của công tác hội đoàn doanh nghiệp ngày nay? Bản thân CLB thì như thế nào?

- Ngày nay, doanh nghiệp phát triển mạnh về số lượng và hội đoàn của doanh nhân, doanh nghiệp cũng phát triển mạnh theo. Từ sau khi Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức hội đoàn phát triển, bên cạnh đó nhiều doanh nhân khi phát triển cũng có nhu cầu tham gia sinh hoạt ở hội đoàn để kết nối cùng nhau phát triển. Khó khăn lớn nhất của công tác hội là chúng ta chưa thật sự hiểu hết mong muốn của hội viên khi tham gia hội và hội đoàn phải mang lại giá trị gì cho hội viên.

Hiện nay CLB có nhiều thuận lợi về thiên thời - địa lợi - nhân hòa nên tôi tin rằng với những thuận lợi như ấy CLB sẽ phát triển lớn mạnh và sớm vươn mình trở thành tổ chức hội mang lại nhiều giá trị, lợi ích cho hội viên trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên với số lượng doanh nghiệp TP.HCM rất đông như hiện nay mà việc tham gia vào các hội của doanh nghiệp còn rất ít. Câu hỏi đặt ra ở đây là doanh nhân không quan tâm hay hội đoàn chưa thật sự hấp dẫn? Nếu hội đoàn không hoạt động tốt thì ai sẽ chăm sóc, nắm bắt tâm tư, suy nghĩ của doanh nhân? Đây là một khoảng trống rất lớn về mặt tâm lý và tư tưởng của giới doanh nhân trong hoạt động nghề nghiệp của mình. CLB sẽ là một cánh tay nối dài của Đảng và chính quyền Thành phố trong việc chăm sóc đội ngũ doanh nhân - những người có vai trò đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế của TP.HCM và đất nước. Họ là mắc xích quan trọng cùng với lực lượng công nhân, nông dân để tạo ra giá trị của cải vật chất, làm cho dân giàu, nước mạnh, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn thịnh.

13aea08f461ee240bb0f(1).jpg

* Theo báo cáo năng lực cạnh tranh doanh nghiệp TP.HCM năm 2024, tính từ khi đổi mới đến giữa những năm 2000, lực lượng doanh nghiệp của TP.HCM được xem là tinh nhuệ và dẫn đầu của cả nước. Đến giờ này sự dẫn đầu của lực lượng doanh nghiệp TP.HCM không còn rõ nét nữa, ông nghĩ sao về điều này và cảm nhận của ông đâu là nguyên nhân chính?

Tôi nghĩ doanh nghiệp TP.HCM vẫn đang có nhiều lợi thế thế tiềm năng để có thể phát triển rất tốt về chất lượng trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, TP.HCM hiện là đô thị có mật độ dân số cao nhất cả nước hiện nay, trong khi đó doanh nghiệp có nhu cầu phát triển mở rộng quy mô thì cần có diện tích sử dụng đất phù hợp, đây là lợi thế cho các tỉnh thành khác. Nhiều doanh nghiệp lớn ở thành phố đã dịch chuyển về các tỉnh nhưng họ vẫn là những doanh nhân của TP.HCM, tôi cho rằng đây là sự chia sẽ nguồn lực cần thiết để góp phần phát triển các địa phương.

Đặc biệt năm 2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và cũng trong năm 2023 Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 41/NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, khẳng định rằng nếu doanh nhân và chính quyền TP.HCM áp dụng một cách linh hoạt, triệt để hai Nghị quyết này thì kinh tế TP.HCM sẽ phát triển tương xứng với những lợi thế và những tiềm năng của một đô thị lớn trong khu vực và thế giới.

* Bối cảnh như vậy, theo ông vai trò của các hội đoàn thế nào để củng cố khả năng cạnh tranh của từng doanh nghiệp nói riêng, lực lượng doanh nghiệp nói chung?

TP.HCM cũng đã có nhiều chính sách giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh, trong đó có nhiều chương trình có sự phối hợp hoặc giao nhiệm vụ cho hội, câu lạc bộ doanh nghiệp thực hiện với mục đích giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Tôi nghĩ hội đoàn đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nhân trưởng thành, doanh nghiệp lớn mạnh hơn. Nếu các doanh nhân, doanh nghiệp tìm được cho mình một hội đoàn thật sự phù hợp để sinh hoạt họ sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin có lợi cho doanh nghiệp của mình, cơ hội được kết nối giao thương, được tiếp cận dễ dàng với các chính sách hổ trợ của chính quyền khi thông qua các hội đoàn, cơ hội đầu tư, được cập nhật bổ khuyết các kiến thức, kỹ năng về quản trị cùng nhiều cơ hội mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu để phát triển doanh nghiệp lớn mạnh.

* Vậy, một số chương trình hành động cụ thể, thiết thực CLB sẽ làm trong thời gian gần nhất và trong vài ba năm tới có gì khác biệt?

- CLB đã đổi mới về cách hoạt động theo tinh thần phục vụ hội viên, tao ra những lợi ích thiết thực nhất cho hội viên chứ không chấp nhận làm “theo kiểu phong trào”. Những chương trình CLB sẽ làm trong nửa đầu nhiệm kỳ IV đã được Ban Chấp hành thông qua. Hằng năm, CLB dự kiến có 15 chương trình trọng điểm mời hội viên tham dự và hàng chục chương trình ở các ban của CLB. Những chương trình này sẽ mang lại nhiều giá trị cho hội viên và xã hội.

5j0a9360_a-vu-chon-3_copy-.jpg

* Trước đây, khi hội và câu lạc bộ chưa mạnh, người ta chỉ nghĩ đây là những tổ chức xã hội - nghề nghiệp mang “tính vui”. Nhưng gần đây, người được bầu vào vị trí chủ chốt của hội hay câu lạc bộ đã giúp tạo nên uy tín, tên tuổi cho cá nhân. Ông nghĩ thế nào về nhận xét này?

- Một cá nhân hay doanh nhân được bầu đứng đầu một tổ chức hội, câu lạc bộ ít nhiều đã được lựa chọn, được tín nhiệm và có uy tín đối với hội viên. Phải thừa nhận rằng, chủ tịch của một tổ chức hội, câu lạc bộ đầu tiên phải có tâm huyết đối với việc phát triển tổ chức đó, phải biết đặt lợi ích của tổ chức lên trên lợi ích cá nhân. Đó mới là điều quan trọng chứ không phải vấn đề tạo tên tuổi, uy tín cho cá nhân. Câu lạc bộ là tổ chức của doanh nhân nên hầu như hội viên đều đã có uy tín, tên tuổi nhất định.

* Cũng có một thực tế là có hội, câu lạc bộ đã có tình trạng mất đoàn kết chỉ vì cái ghế chủ tịch…

- Hội, câu lạc bộ là một tổ chức hội đoàn nên việc đoàn kết hội viên, đoàn kết nội bộ là điều tiên quyết để phát triển vững mạnh. Bác Hồ dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”. Vì vậy nếu hội, câu lạc bộ nào chia rẽ có nghĩa là đang tự làm yếu mình và không mang lại giá trị như mong đợi cho hội viên.

* Cũng có nhận xét, chủ tịch hội, câu lạc bộ phải có năng lực, trí lực, thời gian, và nhất là tài lực mới duy trì được hoạt động của tổ chức. Quan điểm của ông?

- Nhận xét này đúng nhưng chưa đủ. Chủ tịch hội, câu lạc bộ phải có năng lực, có bản lĩnh trong việc đoàn kết, xây dựng và phát triển tổ chức phải là người rất tâm huyết đối với hội viên và vì lợi ích của hội viên, tức phải có tâm - tầm - trí - tín. Chắc chắn chủ tịch phải dành ra một khoảng thời gian nhất định cho công tác hội. Còn về tài lực, đa phần sẽ nghĩ ngay đến tài chính, nhưng tài lực ở hội đoàn là làm sao thu hút được những người có tài, có lực thực sự và chịu cống hiến để phát triển hội, câu lạc bộ vững mạnh chứ không chỉ là tài lực của cá nhân chủ tịch.

4.jpg

* Người ta ví làm chủ tịch hội, câu lạc bộ là công việc “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Theo ông, câu này có còn hợp thời và có đúng vậy không? Ông sẽ sắp xếp công việc ra sao để toàn tâm toàn ý cho hoạt động của CLB?

- Làm chủ tịch hội, câu lạc bộ là công việc “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” cũng không sai, vấn đề là “vác tù và hàng tổng” mà mang lại giá trị gì cho cộng đồng mói quan trọng. CLB với tôn chỉ, như đã nói ở phần đầu đã cuốn hút tôi đến với tổ chức này. Với giá trị cao quý từ triết lý ấy nên không riêng gì tôi mà hai vị chủ tịch tiền nhiệm là anh Nguyễn Thanh Minh (Nguyên Tổng Biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn, nay là Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, anh Võ Quang Cảnh đã luôn mang tinh thần phục vụ, cống hiến, giành nhiều thời gian để phát triển CLB.

* Còn tình bạn trong giới doanh nhân - tình bạn đúng nghĩa chứ không phải đối tác?

- Có nhiều doanh nhân cô đơn trong chính doanh nghiệp của họ, họ cố gắng tìm bạn bên ngoài. Câu hỏi liệu có hay không tình bạn giữa giới doanh nhân cho đến hôm nay vẫn là một đề tài tranh luận với những góc nhìn khác nhau. Theo hướng tiếp cận của một doanh nhân, tôi cho rằng tình bạn của giới doanh nhân là có nhưng quan trọng là họ có giữ được lâu dài hay không. Vì tình bạn ấy rất quý và khó có nên doanh nhân hãy trân quý nó, từng lúc sẽ có nhiều bạn trong giới để thêm niềm vui với cuộc đời làm doanh nhân.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị!

5fa677979c0638586117.jpg

Lư Nguyễn Xuân Vũ là doanh nhân thuộc thế hệ 8X xuất thân từ quê hương Đồng Khởi, khởi nghiệp và sáng lập Xuân Nguyên năm 2002 khi còn là sinh viên năm 4 của Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG HCM. Hiện ông là Trưởng Ban Đại diện Cựu sinh viên của ngôi trường đại học có hơn 65 năm tuổi này. Tốt nghiệp thạc sĩ Dân tộc học và tiến sĩ chuyên ngành Nhân học văn hóa xã hội và tham gia giảng dạy tại một số trường. Dưới sự dẫn dắt của ông, Tập đoàn Xuân Nguyên đã trích 50% lợi nhuận hàng năm cho cộng đồng. Năm 2021 ông được Thủ tướng tặng Bằng khen của Chính phủ vì có những đóng góp tích cực trong công tác an sinh xã hội. 4 lần được UBND TP.HCM vinh danh “Doanh nhân TP.HCM tiêu biểu”. Đặc biệt ông cũng là độc giả lâu năm và rất yêu mến Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn.

Bạn đang đọc bài viết "Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên: “Vác tù và hàng tổng...”" tại chuyên mục DOANH NHÂN. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: dautuforum@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.