Nghi vấn phiến đá 'cổ nhất thế giới' trị giá 5 triệu USD là hàng giả

19/12/2024 20:14

Tấm bia đá cổ khắc "Mười Điều Răn" được bán đấu giá 5,04 triệu USD. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn hoài nghi về nguồn gốc và tính xác thực của nó.

Phiến đá cổ được trưng bày tại phòng trưng bày Sotheby's New York trước khi được bán.

Ngày 18/12, tấm bia đá khắc Mười Điều Răn, được nhà đấu giá Sotheby’s (thành phố New York, Mỹ) mô tả là "cổ nhất thế giới", đã có chủ nhân mới. Người mua ẩn danh dự định tặng tấm bia này cho một tổ chức tại Israel, theo thông tin từ nhà đấu giá.

Việc bán tấm bia đã thu hút sự chú ý khi nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về nguồn gốc và tính xác thực của hiện vật, The New York Times đưa tin.

Nhà đấu giá danh tiếng Sotheby’s cho biết tấm bia có tuổi đời khoảng 1.500 năm, từ cuối thời kỳ La Mã - Byzantine. Hiện vật này nặng 52 kg, dài khoảng 60 cm và được chạm khắc bằng chữ Do Thái cổ (Paleo-Hebrew).

Theo dự đoán ban đầu, tấm bia đá sẽ được bán với giá 1-2 triệu USD. Tuy nhiên, giá trị thực tế lên tới 5,04 triệu USD sau hơn 10 phút đấu giá quyết liệt.

“Kết quả này thể hiện tầm quan trọng đặc biệt của hiện vật. Đứng trước tấm bia này, người ta cảm nhận được sự kết nối trực tiếp với với những nguồn gốc chung của đức tin và văn hóa, những yếu tố vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến thế giới của chúng ta ngày nay", ông Richard Austin, Trưởng bộ phận sách và bản thảo toàn cầu của Sotheby’s, cho biết.

Theo lời ông Jacob Kaplan, người phát hiện tấm bia đá vào năm 1943, hiện vật được tìm thấy từ năm 1913 khi xây dựng tuyến đường sắt gần bờ biển miền Nam Israel ngày nay. Ban đầu, nó được dùng làm đá lát nền trong một ngôi nhà, nằm chìm dưới đất với mặt khắc hướng lên trên.

Ông Kaplan (qua đời năm 1989) đã công bố phát hiện này vào năm 1947 trên tạp chí học thuật The Bulletin of the Jewish Palestine Exploration Society.

muoi dieu ran cua chua,  phien da co,  co nhat the gioi,  nha dau gia Sotheby's anh 1

Cận cảnh tấm bia đá khắc lâu đời nhất của Mười Điều Răn.

Tấm bia đá sau đó thuộc về nhiều chủ sở hữu, trong đó có một nhà buôn cổ vật Israel vào năm 1995 và Bảo tàng Living Torah Museum ở Brooklyn (thành phố New York, Mỹ). Năm 2016, nhà sưu tập Mitchell S. Cappell đã mua lại bia đá với giá 850.000 USD trước khi bán đấu giá lần này.

Dù có giá trị cao, một số chuyên gia vẫn đặt nghi vấn về tính xác thực.

Bà Patty Gerstenblith, chuyên gia về di sản văn hóa tại Đại học DePaul (thành phố Chicago, Mỹ), nhận định: “Tấm bia không có tài liệu rõ ràng về nguồn gốc, cũng như không được khai quật chính thức từ một di chỉ khảo cổ. Những chi tiết như việc không ai chú ý đến nó trong hàng chục năm khiến nhiều người nghi ngờ”.

Bà cũng thừa nhận rằng các hiện vật liên quan đến Kinh thánh thường có giá rất cao trên thị trường cổ vật. Một số người sẵn sàng chấp nhận rủi ro để sở hữu những hiện vật có nguồn gốc không rõ ràng.

Một số học giả khác cho rằng văn tự trên bia đá có thể được khắc gần đây chứ không phải vào thời kỳ La Mã - Byzantine.

Tiến sĩ Christopher A. Rollston từ Đại học George Washington (thủ đô Washington, D.C., Mỹ) cũng đặt câu hỏi về tính xác thực, nhấn mạnh rằng không có bằng chứng nào ghi nhận sự phát hiện của hiện vật vào năm 1913.

"Vấn đề là chúng ta không có tài liệu từ năm 1913, những kẻ cướp bóc và làm giả thường dựng lên những câu chuyện như vậy để tạo ra vẻ xác thực cho dòng chữ. Câu chuyện này có thể chỉ là một huyền thoại do kẻ làm giả hoặc những người buôn bán cổ vật bịa đặt", ông chia sẻ.

Ông Selby Kiffer, chuyên gia về sách và bản thảo tại Sotheby’s, đã chỉ ra sự ăn mòn và phong hóa của đá là một yếu tố giúp xác định niên đại của tấm bia. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của chữ Paleo-Hebrew, cho rằng: "Chữ viết là chìa khóa. Chúng ta biết thời điểm khi chữ viết này không còn được sử dụng nữa".

Nghi vấn ngày càng lớn hơn khi tấm bia chứa những biến thể đáng chú ý của Mười Điều Răn. Tấm bia bỏ qua lời răn "Thou shalt not take the name of the Lord in vain" (tạm dịch: Ngươi chớ lấy danh Chúa một cách vô ích) và thay vào đó, đưa ra chỉ thị thờ phượng trên núi Gerizim, một địa điểm linh thiêng của người Samaritan ở khu vực hiện nay thuộc Bờ Tây (West Bank).

Tiến sĩ Rollston cũng nêu ra một câu hỏi đặc biệt về điều răn liên quan đến núi Gerizim.

"Trong suốt 150 năm qua, những kẻ làm giả khi tạo ra những món đồ giả thường đưa vào những chi tiết gây ngạc nhiên. Họ làm vậy để thu hút nhiều sự chú ý hơn đến món đồ giả của mình", ông nói.

Dù gây ra nhiều tranh cãi, tấm bia đá cổ vẫn được đánh giá là một hiện vật đặc biệt, phản ánh sự giao thoa giữa lịch sử, văn hóa và đức tin.

Nên đầu tư tiền vào đâu?

Trong hơn 200 năm qua, mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, thị trường chứng khoán vẫn là nơi tốt nhất để các nhà đầu tư dài hạn xây dựng sự sung túc. Nhưng để thành công trong mảng này, cần hiểu rõ các quy luật của thị trường, hiểu các mùa hoạt động của nó. Câu hỏi lớn nhất về tài chính trong tâm trí tất cả chúng ta ngày nay là gì? Theo kinh nghiệm của tác giả Anthony Robbins trong cuốn Đầu tư thông minh, chúng ta đều đang tìm kiếm câu trả lời cho cùng một vấn đề: “Tôi nên đặt tiền của mình vào đâu?”.

Bạn đang đọc bài viết "Nghi vấn phiến đá 'cổ nhất thế giới' trị giá 5 triệu USD là hàng giả" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.