Khổ vì "tiêu trước, trả sau" với thẻ tín dụng

19/12/2024 05:00

Sử dụng thẻ tín dụng không kiểm soát có thể dẫn đến nợ nần do lãi suất cao, phí phát sinh. Lối sống "tiêu trước, trả sau" gây áp lực tài chính, thâm hụt nghiêm trọng, đặc biệt là giới trẻ chưa có thu nhập ổn định.

Với thẻ tín dụng, lối sống "tiêu trước, trả sau" đã trở thành xu hướng phổ biến, mang đến sự linh hoạt và tiện lợi với nhiều người trẻ. Tuy nhiên, phía sau vẻ ngoài hào nhoáng của các tiện ích này là những nguy cơ tài chính tiềm ẩn, đặc biệt khi không có kỹ năng quản lý chi tiêu hiệu quả.

Công cụ quản lý tài chính cá nhân hữu hiệu

Nhận định về vai trò của thẻ tín dụng trong bức tranh tài chính toàn diện của mỗi cá nhân, ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT cho rằng, nhấn mạnh rằng thẻ tín dụng mang lại nhiều lợi ích vượt trội, phù hợp với mọi đối tượng.

Ông chia các tính năng chính của thẻ tín dụng thành ba nhóm đó là nguồn vay tiền nhanh cho các nhu cầu tiêu dùng hoặc khẩn cấp với lãi suất hợp lý, an toàn so với vay nóng và tín dụng đen, còn được miễn lãi từ 45 - 55 ngày.

Ngoài ra, thẻ tín dụng giúp tối ưu tài chính, cung cấp cơ chế trả góp linh hoạt và các ưu đãi hoàn tiền khi chi tiêu, giúp tiết kiệm đáng kể và thuận tiện hơn trong quản lý chi tiêu khi không cần dùng tiền mặt, có thể theo dõi lịch sử chi tiêu dễ dàng.

Khổ vì "tiêu trước, trả sau" với thẻ tín dụng- Ảnh 1.

Ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT.

"Cả 3 tính năng này nếu được đặt trong một kế hoạch tài chính rõ ràng và dài hạn sẽ giúp các cá nhân xây dựng tài chính bền vững. Nếu không may gặp các sự cố bất trắc cần tiền trong ngắn hạn, khó lòng xoay sở được ngay thì vẫn có thể tiếp cận một nguồn vay với lãi vay hợp lý hơn rất nhiều so với tín dụng đen", ông Huấn phân tích.

Anh Trần Quốc Huy (26 tuổi, quản lý kinh doanh tại Hà Nội) sử dụng thẻ tín dụng như một phần quan trọng trong chiến lược quản lý tài chính cá nhân và gia đình. Với Huy, thẻ tín dụng không chỉ giúp anh tận dụng các ưu đãi mà còn hỗ trợ anh trong những tình huống bất ngờ.

"Tôi bắt đầu dùng thẻ tín dụng từ lúc khi đi làm, với mục đích đơn giản là thanh toán dễ dàng và tích lũy điểm thưởng, nhưng càng dùng, tôi càng nhận ra giá trị lớn hơn của thẻ tín dụng, nhất là trong việc quản lý dòng tiền và lập kế hoạch tài chính."

Huy kể lại một tình huống đáng nhớ: "Có lần, gia đình tôi phải đưa bố mẹ đi cấp cứu vào lúc nửa đêm. Bệnh viện yêu cầu tạm ứng một khoản lớn để làm thủ tục. Trong lúc đó, thẻ tín dụng thực sự đã giúp tôi xoay xở kịp thời mà không cần phải vay mượn."

Khổ vì "tiêu trước, trả sau" với thẻ tín dụng- Ảnh 2.

Thẻ tín dụng thực sự trở thành "cứu cánh" với nhiều người trong nhiều tình huống khẩn cấp.

Hồng Ly (25 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội), chỉ trong năm 2024 đã thực hiện 5 chuyến du lịch, trong đó có 4 chuyến trong nước và 1 chuyến đi đến Thái Lan với tổng chi phí cho tất cả các chuyến đi chỉ khoảng 30 triệu đồng, khiến người thấy khó tin.

Với kinh nghiệm nhiều năm sử dụng thẻ tín dụng, Ly đã học được cách tận dụng tối đa các chương trình ưu đãi và điểm thưởng từ ngân hàng. "Tháng nào tôi cũng cà thẻ từ 20 đến 150 triệu đồng, chủ yếu là mua sắm, đặt vé máy bay, trả góp giúp người thân. Điều này giúp tôi nhận được rất nhiều khoản hoàn tiền và tích lũy điểm thưởng."

Theo Ly, mỗi ngân hàng sẽ có hệ thống quy đổi điểm thưởng khác nhau, và cô đã quen với việc nghiên cứu kỹ các chương trình ưu đãi trước khi sử dụng. Khi số điểm thưởng đạt mức cao, Ly dùng chúng để đổi thành voucher giảm giá, vé máy bay và đặt phòng khách sạn.

Mất ăn mất ngủ vì nợ tín dụng

Theo TS.Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM, thẻ tín dụng có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng nếu không được quản lý hiệu quả. Một trong những nhược điểm lớn nhất là việc không kiểm soát được số dư nợ, dẫn đến tình trạng chi tiêu quá tay, vượt xa khả năng thanh toán.

Khi không cân đối giữa thu nhập và chi tiêu, tài chính cá nhân dễ rơi vào trạng thái thâm hụt, và thay vì giúp giải quyết khó khăn, thẻ tín dụng lại làm trầm trọng thêm vấn đề bởi các khoản phí thường niên cao và lãi suất từ 25% - 30%/năm. Những khoản nợ chưa trả sẽ nhanh chóng tích lũy, kéo người dùng vào vòng xoáy thâm hụt và bẫy nợ.

Khi sử dụng thẻ tín dụng để bù đắp cho các khoản chi tiêu trước đó, người dùng sẽ đối mặt với lạm chi kéo dài, dư nợ tăng cao và áp lực tài chính ngày càng lớn. Lãi suất cao cùng tỉ lệ trả gốc thấp khiến dư nợ kéo dài, dẫn đến mất khả năng chi trả và mệt mỏi tài chính.

Người trẻ với thẻ tín dụng - Bài 2: Nguy cơ tiềm ẩn từ lối sống

TS.Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM.

Thực tế, nhiều người rơi vào trạng thái lo lắng, mất ngủ vì không biết cách xử lý khoản nợ do sử dụng thẻ tín dụng không đúng cách gây ra. 

Chị Minh Trang (26 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ rằng việc sử dụng thẻ tín dụng không hợp lý đã khiến chị rơi vào áp lực tài chính nặng nề: "Có tháng, tôi nhận lương là phải trả nợ ngay mà vẫn không đủ.

Việc này khiến tôi luôn căng thẳng, không dám chi tiêu gì khác. Đôi khi tôi từng nghĩ đến việc vay nóng để trả nợ nhưng sợ rơi vào vòng xoáy nợ chồng nợ".

Tương tự, anh Minh Quân (30 tuổi, nhân viên văn phòng tại Đống Đa, Hà Nội) cũng thừa nhận từng gặp vấn đề với thẻ tín dụng: "Ban đầu tôi chỉ nghĩ đơn giản là dùng thẻ để chi tiêu trước, trả sau, nhưng không ngờ rằng lãi suất cao và các khoản phí phát sinh khiến tôi không thể kiểm soát được dòng tiền.

Thẻ tín dụng - xu hướng tiêu dùng thông minh thời đại sốNhững điều bạn cần biết nếu không trả nợ thẻ tín dụng đúng hạnCảnh giác mất tiền vì dùng dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng

Có thời điểm, tôi phải vay mượn bạn bè để trả lãi và nợ gốc. Cảm giác lúc đó thật sự mệt mỏi vì không còn dư dả để chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống".

Đưa ra lời khuyên khi sử dụng thẻ tín dụng, ông Linh cho rằng, khi mua bất cứ thứ gì, người trẻ nên cân nhắc sản phẩm đó có thực sự cần thiết hay không.

Nên có kế hoạch rõ ràng, một tháng chi tiêu không quá bao nhiêu trên tổng thu nhập và vạch cụ thể chi tiêu cho từng phần. Đơn cử, 50% chi tiêu có thể dành cho câu chuyện chi phí sinh hoạt, tiêu dùng cá nhân, 20% cho giáo dục, giải trí và phần còn lại có thể để tiết kiệm. Cần có một ngưỡng đặt ra và luôn đảm bảo để không vượt quá tầm kiểm soát.

Cần tập quản lý chi tiêu và lập kế hoạch cho hàng tháng, hàng tuần, thậm chí đối với những người có thu nhập giới hạn, mức thu nhập không cao và không có khả năng tăng được, cần kiểm soát chi tiêu theo từng ngày.

Ngoài việc cần chi tiêu cân đối với nguồn thu nhập, ông Linh cũng đưa ra lời khuyên, người trẻ cần cố gắng đa dạng hóa nguồn thu nhập để nâng giới hạn chi tiêu, đồng thời tăng cường năng lực tài chính để trả khoản gốc, lãi ngân hàng với thẻ tín dụng, từ đó giảm áp lực về tài chính. 

Bạn đang đọc bài viết "Khổ vì "tiêu trước, trả sau" với thẻ tín dụng" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.