Khi nào nhà đầu tư chứng khoán bị “call margin”?

19/04/2024 12:14

Mỗi công ty chứng khoán có quy định khác nhau về hình thức call margin. Thông thường, nhà đầu tư sẽ nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn điện thoại thông báo quyết định. Một số khác sử dụng email để gửi nhiều lần tuỳ theo mức độ tỷ lệ ký quỹ của khách hàng.

Margin hay giao dịch ký quỹ là hành động nhà đầu tư dùng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo, từ đó vay tiền các Công ty chứng khoán để tăng sức mua cổ phiếu.

Khi thị trường giảm giá, tỷ lệ tài sản đảm bảo/giá trị danh mục thấp hơn tỷ lệ ký quỹ duy trì cho phép, công ty chứng khoán sẽ thực hiện thông báo bổ sung tài sản đảm bảo (hay còn gọi là "call margin") thông qua hình thức nộp thêm tiền, hoặc nộp thêm cổ phiếu để gia tăng giá trị tài sản đảm bảo.

Nếu nhà đầu tư không thực hiện yêu cầu này đúng thời hạn, công ty chứng khoán được quyền chủ động bán chứng khoán của nhà đầu tư (force sell) mà không cần phải hỏi ý kiến. Nói cách khác, đây là một hình thức tịch thu tài sản đã thế chấp.

Mỗi công ty chứng khoán có quy định khác nhau về hình thức call margin. Thông thường, nhà đầu tư sẽ nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn điện thoại thông báo quyết định. Một số khác sử dụng email để gửi nhiều lần tuỳ theo mức độ tỷ lệ ký quỹ của khách hàng.

Như tại Chứng khoán HSC, tài khoản của nhà đầu tư chạm ngưỡng yêu cầu ký quỹ khi tỷ lệ ký quỹ >/= 40%. Khi đó, công ty sẽ yêu cầu bổ sung ký quỹ trước 11h30 ngày T+2. Sau thời gian này, tài khoản nhà đầu tư chưa thực hiện ký quỹ bổ sung sẽ phải bán giải chấp từ 13h chiều cùng ngày T+2. Tài khoản nhà đầu tư đến ngưỡng bán giải chấp bắt buộc khi tỷ lệ ký quỹ xuống dưới 40%. HSC sẽ thực hiện bán giải chấp (force sell) từ 9h sáng ngày T+1.

photo-1713501004674

Với Pinetree, call margin xảy ra khi tỷ lệ ký quỹ của nhà đầu tư giảm xuống mức 35%. Nhà đầu tư sẽ cần bán cổ phiếu hoặc nộp tiền vào tài khoản để đáp ứng được tỷ lệ ký quỹ duy trì 40%. Force-sell xảy ra khi tỷ lệ ký quỹ của nhà đầu tư giảm xuống mức 30%. Nhà đầu tư sẽ cần bán cổ phiếu hoặc nộp tiền vào tài khoản để đáp ứng được tỷ lệ ký quỹ an toàn từ 50%.

Khi tài khoản bị margin call, Pinetree sẽ liên hệ tới khách hàng để có phương án xử lý chủ động để nâng tỷ lệ ký quỹ lên mức tỷ lệ quy định tương ứng. Nếu nhà đầu tư không thực hiện xử lý trong vòng 3 ngày giao dịch, Pinetree sẽ phải bán cổ phiếu của khách hàng để đưa tỷ lệ về mức tỷ lệ theo quy định.

Trong trường hợp tỷ lệ kỹ quỹ của khách hàng xuống thấp hơn mức force-sell, Pinetree sẽ bán cổ phiếu của khách hàng để đưa tỷ lệ về mức quy định trong phiên giao dịch tiếp theo nếu khách hàng chưa chủ động xử lý.

Tương tự tại Chứng khoán MBS, call margin sẽ được kích hoạt khi tỷ lệ ký quỹ của nhà đầu tư giảm xuống mức 35% và force-sell xảy ra khi tỷ lệ ký quỹ của nhà đầu tư giảm xuống mức 30%.

Còn với VNDIRECT, call margin sẽ xảy ra khi tỷ lệ "Giá trị tài sản ròng/Giá trị chứng khoán" nhỏ hơn tỷ lệ ký quỹ duy trì do công ty chứng khoán quy định. Cụ thể, tỷ lệ ký quỹ thực tế (Rtt) tại VNDIRECT được tính bằng Giá trị TSĐB/Tổng giá trị nợ thực tế - Tiền - Tiền bán chứng khoán chờ về. Theo quy định của công ty chứng khoán này, tỷ lệ ký quỹ duy trì là 90%, tỷ lệ xử lý là 85%.

photo-1713501020673

Nhìn chung, margin có thể giúp nhà đầu tư gia tăng lợi nhuận một cách nhanh chóng khi cổ phiếu tăng giá nhưng cũng làm cho tài sản "bốc hơi" một cách nhanh chóng khi cổ phiếu giảm giá. Do đó, nhà đầu tư khi lựa chọn công cụ này cần tính toán kỹ về thời điểm sử dụng cũng như phân tích chi tiết để lựa chọn được cổ phiếu tiềm năng nhất.

Bạn đang đọc bài viết "Khi nào nhà đầu tư chứng khoán bị “call margin”?" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: dautuforum@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.