Khai phá các mô hình kinh tế mới

28/12/2024 06:30

Khai phá các mô hình kinh tế mới - Ảnh 1
Khai phá các mô hình kinh tế mới - Ảnh 2

“Các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã và đang phát huy mạnh mẽ vai trò tích cực, tạo động lực tăng trưởng và phát triển bền vững cho các nền kinh tế. Đây chính là xu hướng và một khi các doanh nghiệp tại Việt Nam tập trung vào các mô hình này sẽ góp phần vào việc tăng trưởng kinh tế một cách sáng tạo, bền vững và chất lượng hơn.

Nền kinh tế số mang lại những cơ hội mới, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuẩn quốc tế và giảm chi phí vận hành. Kinh tế số mang đến nhiều lợi ích thiết thực, là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao; đồng thời, kinh tế số cũng mang lại giá trị cao hơn, thị trường toàn cầu lớn không có giới hạn, không có biên giới.

Để có thể phát triển nền kinh tế số bền vững, cần có động lực từ chuyển đổi số. Chuyển đổi số sẽ mang lại những thay đổi bước ngoặt, giúp doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nâng cao năng lực cạnh tranh. Đơn cử như tại FPT Long Châu, việc thực hiện chuyển đổi số nhanh chóng và quyết liệt đã giúp cho đơn vị có sự phát triển thần tốc, trở thành điểm sáng và động lực tăng trưởng cho FPT Retail trong thời gian tới.

Bí quyết đằng sau tăng trưởng ấn tượng của FPT Long Châu là ở bốn yếu tố chính: chuyển đổi số; ứng dụng trí tuệ nhân tạo; chuẩn bị hạ tầng vững mạnh trong công tác logistic - nguồn nhân lực được đào tạo bài bản; đồng hành, hợp lực cùng các đối tác hàng đầu trong và ngoài nước. Đặc biệt, chúng tôi ứng dụng công nghệ vào phân tích sở thích khách hàng, đánh trúng nhu cầu của họ và đưa ra đề nghị đúng với điều khách hàng cần. Chính yếu tố công nghệ giúp FPT Long Châu tối ưu hóa chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh.

Hiện nay, chúng ta đang đối mặt với nhiều nguy cơ, từ biến đổi khí hậu trên toàn cầu, thiếu hụt tài nguyên đến ô nhiễm môi trường… Vì vậy, mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang là yêu cầu thực tiễn và cũng là xu thế thời đại mà các doanh nghiệp Việt cần chú trọng để có thể hòa vào hội nhập quốc tế, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện. Áp dụng kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới bởi chính những lợi ích cả về kinh tế, môi trường và xã hội mà nó có thể mang lại như: tạo ra cơ hội tăng trưởng kinh tế; tạo việc làm và giảm tác động môi trường; thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và ứng phó với biến đổi khí hậu...

Thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc kịp thời thể chế hóa quan điểm, mục tiêu phát triển bền vững mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, vừa tạo hành lang pháp lý để triển khai các mô hình kinh tế mới, vừa tạo động lực tăng trưởng, phát triển mới đóng góp trực tiếp vào mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững trong bối cảnh, tình hình mới. Điều này chắc chắn sẽ hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp, tạo động lực, giúp đẩy nhanh quá trình xây dựng, hoàn thiện các mô hình kinh tế mới tại Việt Nam”.

Khai phá các mô hình kinh tế mới - Ảnh 3

“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến những thay đổi rất lớn cho tất cả các ngành nghề, các nền kinh tế. Công nghệ số với trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT) và đặc biệt là vạn vật kết nối trong công nghiệp (IIoT), dữ liệu lớn (Big Data), chuỗi khối (Blockchain)… đã mang lại xu hướng kết nối, thông minh hóa.

Trong một thế giới như vậy, những sản phẩm đơn lẻ dần dần được thay thế bằng những sản phẩm có tính hệ thống và giải pháp. Với những sản phẩm hệ thống và giải pháp như vậy, việc tích hợp giữa từng sản phẩm đơn lẻ, từng thiết bị đầu cuối với những nền tảng bao gồm nền tảng điều khiển, nền tảng kinh doanh, nền tảng xuyên biên giới chính là xu hướng phát triển của nền kinh tế nền tảng (platform economy).

Tiết kiệm điện năng là một trong những giải pháp hiệu quả, hữu ích, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tại Công ty Rạng Đông, chúng tôi đang phát triển những sản phẩm kết nối như vậy. Đó chính là công nghệ chiếu sáng được tích hợp với công nghệ số. Một trong những thế mạnh của Rạng Đông hiện nay là ứng dụng các thành tựu công nghệ số vào các sản phẩm của mình, đặc biệt là trong ba lĩnh vực ngôi nhà thông minh (Smart Home), đô thị thông minh (Smart City), nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp chính xác (Smart Farm).

Những lĩnh vực nghiên cứu về nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng, đặc biệt là về năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và tích hợp với trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển, tạo ra một năng lực thông minh hóa cho hệ thống chiếu sáng. Nhờ thế, tiềm năng tiết kiệm năng lượng rất lớn, giải quyết bài toán xanh của môi trường.

Người ta đều biết rằng điện năng sử dụng để chiếu sáng chiếm khoảng 25% toàn bộ nhu cầu điện năng của thế giới. Khi chuyển các sản phẩm nguồn sáng và thiết bị chiếu sáng từ tầng công nghệ đèn tròn, đèn huỳnh quang, đèn compact đến đèn LED, đặc biệt là đèn LED thông minh, điện năng tiết kiệm được đến 90-95%.

Vấn đề là chúng ta cần phải chuẩn bị nguồn lực, bao gồm cả nguồn nhân lực chất lượng cao và cả nguồn lực về mặt tài chính. Câu chuyện sẽ liên quan mật thiết đến vấn đề cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, để tạo ra một sân chơi, một sàn giao dịch công nghệ và các doanh nghiệp có điều kiện, có cơ hội, có sản phẩm thích hợp được tham gia sâu vào nền kinh tế nền tảng của thế giới.

Để có một sân chơi mà doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh về mặt chất lượng, tính năng, mức độ thông minh và giá cả, chi phí, chúng ta rất cần đến sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước. Hành lang pháp lý có vai trò như một “bà đỡ”, một nguồn động viên, động lực để các doanh nghiệp Việt Nam hòa nhập với nền kinh tế kết nối của thế giới.

Hợp tác kinh doanh không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, tạo ra những sản phẩm thiết thực cho xã hội, mang lại công ăn việc làm, mà còn giúp nâng cao trình độ của chính người Việt Nam, nâng cao năng lực của đội ngũ. Các nhà tổ chức, nhà quản lý, doanh nghiệp và nhà khoa học phải cùng xây dựng một hệ thống để dần từng bước, hình thành nguồn nhân lực Việt Nam có trình độ cao, có tri thức mới. Đấy chính là con đường phát triển bền vững của dân tộc”.

Khai phá các mô hình kinh tế mới - Ảnh 4

“Tôi cho rằng các mô hình kinh tế mới đang tạo động lực cho tăng trưởng và đóng góp không nhỏ vào phát triển bền vững bằng cách tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, giảm thiểu lãng phí và tác động môi trường, tạo ra giá trị kinh tế trong khi vẫn bảo vệ môi trường. Đây không chỉ là một xu hướng mà còn là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, mang lại nhiều tiềm năng đổi mới và sự linh hoạt cho doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới.

Việc phát huy tối đa năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy tối đa sự phát triển kinh tế số. Sự chuyển đổi thành kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ… không chỉ là một yêu cầu của thị trường, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp làm ứng dụng công nghệ số vào mọi khía cạnh của hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Thông qua việc ứng dụng công nghệ nền tảng số, mô hình kinh tế chia sẻ sẽ được kích thích, tận dụng nguồn lực hiệu quả hơn và thúc đẩy sự hợp tác cộng đồng. Việc chia sẻ tri thức và đóng góp dữ liệu cộng đồng qua công nghệ số là một yếu tố quan trọng giúp tạo ra sự hợp lực trong cộng đồng doanh nghiệp. Trên thực tế, sự gia tăng số lượng khách hàng doanh nghiệp của MISA từ mọi quy mô, lĩnh vực ngành nghề là minh chứng rõ ràng nhất cho việc doanh nghiệp sẵn sàng chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản trị để phát triển bền vững.

Là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực công nghệ số, MISA cũng phát triển các giải pháp số theo xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số và kinh tế chia sẻ. Đặc biệt, các giải pháp số do MISA phát triển cùng tập trung hướng đến việc giúp các đơn vị, tổ chức và cá nhân thay đổi phương thức làm việc năng suất hơn, thông minh hơn và chuyên nghiệp hơn; từ đó, thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc phát triển kinh tế số.

Chúng tôi cho rằng mô hình kinh tế mới đang trở thành một phần quan trọng của sự phát triển kinh tế đất nước hướng đến xu hướng kinh tế chung toàn cầu. Sự kết nối, đồng hành chặt chẽ giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp chính là chìa khóa để thành công trong phát triển kinh doanh bền vững. Chúng tôi cũng cam kết tiếp tục đổi mới sáng tạo và phát triển những giải pháp hữu ích để hỗ trợ doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi số, xây dựng mô hình kinh doanh mới và phát triển bền vững.

Cơ chế hiện hành và tốc độ chuyển động về chính sách của Việt Nam hiện nay đang tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc vận hành các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Tuy nhiên, dù đạt được các kết quả tích cực nhưng việc triển khai các mô hình kinh tế mới hiện vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Việc cải cách hành chính và thể chế vẫn cần hoàn thiện thêm.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng việc thực hiện các mô hình kinh tế mới không chỉ phụ thuộc vào cơ chế và chính sách từ phía chính quyền, mà còn phụ thuộc vào sự thích ứng, sáng tạo và năng động của các doanh nghiệp”.

Khai phá các mô hình kinh tế mới - Ảnh 5

“Kinh tế số không chỉ có lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) mà còn bao hàm tất cả các lĩnh vực có sử dụng nền tảng công nghệ số. Các lĩnh vực, ngành nghề như thương mại điện tử, tài chính ngân hàng, y tế, nông nghiệp… bắt buộc phải ứng dụng nhiều công nghệ mới, qua đó góp phần đẩy mạnh nền kinh tế số.

Bên cạnh đó, còn có các lĩnh vực, ngành liên quan đến sản xuất sản phẩm văn hóa, văn hóa phi vật thể… cũng là lĩnh vực khai phá kinh tế số nếu được ứng dụng công nghệ mới như AI, Blockchain và định danh số. Các lĩnh vực này có thể tạo ra nhiều đột phá nếu ứng dụng công nghệ đúng cách, sẽ góp phần vào việc chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Hiện nay việc thu phí và khai thác tài sản trí tuệ (Intellectual Property - IP) đã trở nên rất phổ biến trong các lĩnh vực hình thành trong kỷ nguyên số như hình ảnh, phim ảnh, âm nhạc…

Nếu không ứng dụng công nghệ, không khai thác kinh tế số, chúng ta để ngỏ một mô hình kinh tế mới. Thực tế, nhu cầu của khách du lịch về việc sở hữu những món đồ phiên bản (replica) được chứng thực bởi đơn vị sở hữu của sản phẩm gốc (F0) cực kỳ lớn, cho dù giá của những đồ phiên bản đó (F1, F2) có thể cao hơn rất nhiều so với những món đồ lưu niệm không có chứng thực tràn lan trên thị trường, đặc biệt là với những địa danh hoặc sản phẩm có giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật to lớn.

Như vậy, việc định danh độc bản cho các địa danh (di tích) cùng các tài sản (di sản) gốc giúp khai mở một thị trường mới cho phép kinh doanh các phiên bản được chứng thực bởi tài sản gốc. Đơn cử, mỗi phiên bản đồ lưu niệm sẽ được chứng thực từ tác phẩm gốc (F1) và trả một khoản phí bản quyền (IP) cho nghệ nhân, phiên bản đồ lưu niệm có chứng thực (F1) sẽ được giao dịch với giá cao hơn so với các đồ không có nguồn gốc.

Xa hơn thế, nếu những phiên bản này được kết nối với thế giới số, từ đó cho phép ghi lại những câu chuyện từ chính người liên quan trực tiếp thì giá trị của phiên bản sẽ còn tăng cao nhiều lần, từ đó góp phần gia tăng giá trị nền kinh tế số. Hiện nay tại Việt Nam, Phygital Labs với công nghệ Nomion đang trong hành trình khai thác kinh tế số theo hướng này.

Trong bối cảnh nhiều tiềm năng như vậy, mô hình giao thoa giữa vật lý và số, hay còn gọi là vật lý số, hoàn toàn có thể được ứng dụng, mở ra một cơ hội to lớn trong nền kinh tế số mà lâu nay chưa được khai thác đúng giá trị.

Kinh tế số ở Việt Nam như vậy vẫn rất nhiều cơ hội, nhưng muốn đi chung với sự phát triển của thể giới, Việt Nam cần có tiêu chuẩn chung cho các quy cách về chuyển đổi số cho nhóm các sản phẩm vật lý có giá trị, cả vật chất lẫn văn hóa. Những cơ chế pháp lý liên quan đến những công nghệ mới như Blockchain, vật lý số nên được khuyến khích thử nghiệm và phát triển”.

Khai phá các mô hình kinh tế mới - Ảnh 6

“Trong giai đoạn 2021-2030, Việt Nam đặt trọng tâm và chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy các động lực của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận và quản lý về kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc Cách mạng trong công nghiệp lần thứ tư, khi có rất nhiều mô hình kinh tế mới ra đời, từ kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tạo động lực cho tăng trưởng và hướng tới phát kiến bền vững. Những mô hình kinh tế này không chỉ giúp tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn lực, mà còn góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, ví dụ như các khung chỉ tiêu về kinh tế số, Luật Bảo vệ môi trường, Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, hay cam kết Net-Zero tại hội nghị COP 26, đấy là một trong những cam kết sẽ thay đổi mạnh mẽ nền kinh tế.

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và khung pháp lý linh hoạt để phục vụ tăng trưởng kinh tế cũng như đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục.

Thực tế, về mặt cơ chế, tốc độ chuyển động chính sách của Việt Nam cho thấy Việt Nam đang rất tích cực điều chỉnh, thay đổi mô hình tăng trưởng để đáp ứng những nhu cầu của thời đại. Tuy nhiên, những thay đổi này đòi hỏi phải có sự cải cách mạnh mẽ hơn nữa về chính sách, cơ chế quản lý. Trong quá trình này, doanh nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng, không chỉ thực hiện các chính sách và cơ chế mới, mà còn là lực lượng tạo ra sự thay đổi.

Khó khăn tiếp theo chính là nhận thức của doanh nghiệp về các mô hình kinh tế mới. Hiện nay vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển các mô hình kinh tế mới và việc này đòi hỏi bản thân “các nhà” phải vào cuộc. Nhà nước, nhà kinh tế, nhà hoạch định chính sách… phải vào cuộc để doanh nghiệp thay đổi góc nhìn, tư duy, đặc biệt trong phát triển kinh tế xanh hay kinh tế bền vững, những yếu tố như môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cần được quan tâm. Truyền thông cũng cần tập trung để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia phát triển các mô hình kinh tế mới.

Về công nghệ, trước hết là các công nghệ mới như AI, IoT, Big Data hay 3D, đây chính là một trong những cấu thành của nền kinh tế số. Các công nghệ này giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hiệu quả kinh doanh từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung.

Thứ hai, các công nghệ mới tạo ra nhiều cơ hội mới. Công nghệ có thể khiến những công việc cũ gặp khó khăn nhưng chính nó lại tạo ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp, cho người dân, ví dụ như phát triển thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ.

Thứ ba, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giúp doanh nghiệp và xã hội phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới đáp ứng ngày càng nhiều hơn nhu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, công nghệ mới cũng sẽ đặt ra một số thách thức với nền kinh tế cũng như tạo sự cạnh tranh gay gắt hơn. Doanh nghiệp phải hiểu và trang bị những công nghệ mới này, như vậy mới có thể tồn tại, thích ứng và cạnh tranh. Bên cạnh đó là các yếu tố về đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật nói chung. Rủi ro về bảo mật thông tin buộc doanh nghiệp phải có các biện pháp bảo vệ chặt chẽ. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến chi phí của doanh nghiệp tăng lên. Công nghệ mới phát triển cũng tạo ra những trách nhiệm xã hội mới của doanh nghiệp. Bởi vì, các công nghệ mới cần được sử dụng một cách có trách nhiệm, tránh gây ra tác động tiêu cực”.

Khai phá các mô hình kinh tế mới - Ảnh 7

VnEconomy 08/02/2024 09:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Khai phá các mô hình kinh tế mới - Ảnh 8

Bạn đang đọc bài viết "Khai phá các mô hình kinh tế mới" tại chuyên mục DOANH NHÂN. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.