Hải Dương: Thế hệ trẻ nối tiếp giữ hồn nghề Gốm làng Cậy gần 500 năm tuổi

22/01/2023 12:38

(THPL) - Khu làng nghề gốm thuộc xã Long Xuyên, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương đã quá quen thuộc với nhiều người. Với ý thức giữ gìn nghề thủ công truyền thống lâu đời, các thế hệ trẻ đang ngày một nâng cao trình độ nghệ thuật cao, tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng.

Bằng tất cả tình yêu và lòng quyết tâm của người dân trong làng, các nghệ nhân cao niên luôn cố gắng duy trì và truyền lửa đến các thế hệ sau gìn giữ.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, làng nghề từng có thời hoàng kim nhà nhà, người người làm gốm, cả làng có tới 4 lò bầu và và chục lò đứng lúc nào lửa nung cũng rực đỏ cả ngày lẫn đêm. Nhưng theo các nghệ nhân trong làng, nghề gốm cũng có nhiều thời điểm khó khăn, tưởng như bị mai một. Bằng tất cả tình yêu và lòng quyết tâm của người dân trong làng, các nghệ nhân cao niên luôn cố gắng duy trì và truyền lửa đến các thế hệ sau gìn giữ.

Gốm làng được sản xuất theo phương thức thủ công với nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn bao gồm nhiều kỹ thuật đòi hỏ sự khéo léo, tỉ mỉ từ nghệ nhân. Các sản phẩm của làng nghề rất đa dạng, phong phú đáp ứng mọi nhu cầu sinh hoạt trong gia đình đến đồ thờ tự, trang trí…

Loại gốm hoa chiếm tỷ lệ đến 90% là gốm hoa lam, đây là sản phẩm được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Nguồn nguyên liệu chính làm xương gốm làng Cậy vô cùng đặc biệt, đó là đất sét và cao lanh lấy ở vùng Đông Triều- Quảng Ninh. Phần men gốm lấy từ tro trấu hoặc tro củi được lọc kỹ hòa với nước và cao lanh. Chất liệu dùng để trang trí hoa văn chủ yếu là ô xít cô ban. Ngoài ra còn rất nhiều chất liệu pha chế các loại màu khác nhau tạo nên sự đa dạng, bắt mắt cho sản phẩm.

Điều đặc biệt có lẽ là công cụ sản xuất gốm gồm: bể lọc đất, bàn xoay tạo hình, lò nung, khuôn mẫu đều được người dân trong làng tự tay làm. Sản phẩm gốm làng Cậy gồm 4 loại chính: Gốm men xanh ngọc, gốm men nâu, gốm men trắng – xanh và gốm men trắng vẽ lam. Tuy nhiên, loại gốm hoa chiếm tỷ lệ đến 90% là gốm hoa lam, đây là sản phẩm được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Các nghệ nhân tâm huyết trong làng vẫn đang từng ngày cần mẫn, mong mỏi nghề gốm, sứ ở làng sẽ được quan tâm.

Để giữ gìn và phát triển nghề gốm làng Cậy, các nghệ nhân luôn cải tiến kỹ thuật, nâng cao tay nghề và đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu duy mỹ của khách hàng. Bàn xoay chuốt gốm sứ Cậy có cấu tạo khác biệt: Phần rốn bàn xoay còn gọi là cái lú được làm bằng cao lanh, trắng men nên cứng, trơn nhẵn hơn đất nung thông thường.

Hiện nay, tuy phải chịu nhiều sức ép từ nền kinh tế thị trường, bị cạnh tranh khốc liệt từ gốm sứ công nghiệp nhưng các nghệ nhân vẫn kiên trì giữ trọn vẻ đẹp riêng của gốm làng Cậy.

Làng Cậy hiện còn 10 hộ duy trì nghề sành sứ, sản phẩm chủ yếu là chén bát với quy mô sản xuất nhỏ, manh mún. Các nghệ nhân tâm huyết trong làng vẫn đang từng ngày cần mẫn, mong mỏi nghề gốm, sứ ở làng sẽ được quan tâm, phát triển cùng với sản phẩm sứ Hải Dương. Có lẽ sẽ cần sự nỗ lực và niềm khao khát giữ nghề truyền thống gốm sứ của thế hệ trẻ.

Lưu Kỳ

Bạn đang đọc bài viết "Hải Dương: Thế hệ trẻ nối tiếp giữ hồn nghề Gốm làng Cậy gần 500 năm tuổi" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: dautuforum@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.