![]() |
Cổ phiếu SHB tăng kịch biên độ trong phiên 18/4 với gần 4% vốn ngân hàng khớp lệnh giao dịch. Ảnh: SHB. |
Sau phiên giao dịch tích cực hôm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào phiên cuối tuần trong tâm thế cởi mở. Chỉ số VN-Index leo cao ngay từ sớm khi nhận được sự ủng hộ của nhiều mã bluechip, đặc biệt là cổ phiếu SHB.
Diễn biến khả quan này được duy trì tới nửa đầu phiên chiều. Song ở nửa thời gian giao dịch còn lại, tình trạng bán tháo ở một số mã trụ đã khiến VN-Index “sảy chân” và thu hẹp đáng kể biên độ tăng.
Kết phiên, VN-Index tăng 1,87 điểm (+0,2%) lên 1.219,12 điểm; HNX-Index tăng 3,52 điểm (+1,7%) lên 213,1 điểm; UPCoM-Index tăng 0,77 điểm (+0,9%) lên 91,3 điểm.
Thanh khoản toàn thị trường nhỉnh nhẹ so với hôm qua, chủ yếu bứt phá vào cuối phiên, tiến lên sát mốc 24.000 tỷ đồng.
Sắc xanh vẫn giữ ưu thế trên bảng điện tử. Toàn thị trường ghi nhận 625 mã tăng (gồm 54 mã tăng trần), 722 mã giữ tham chiếu và 255 mã giảm (gồm 26 mã giảm sàn). Rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 cũng đóng góp 20 mã tăng, 4 mã giữ tham chiếu và 6 mã điều chỉnh.
Cổ phiếu SHB là tâm điểm giao dịch hôm nay khi là mã VN30 duy nhất tăng trần. Đây là cổ phiếu dẫn đầu nhóm bảo vệ chỉ số trước áp lực chốt lời cùng với FPT (+2%), VPB (+2,4%), EIB (+4,7%), MBB (+1,1%), VNM (+1,1%), GEE (+4,6%), GVR (+1,2%), GMD (+5,7%) và CTG (+0,5%).
Cổ phiếu SHB hôm nay cũng ghi nhận thanh khoản giao dịch tăng đột biến lên 2.000 tỷ đồng, với hơn 156,3 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh, cao gấp 3-4 lần thông thường. Lượng cổ phiếu này tương đương hơn 3,8% vốn ngân hàng.
Kết phiên, vẫn còn 1,7 triệu cổ phiếu SHB dư mua ở giá trần, tạm dừng ở mốc 12.850 đồng/cổ phiếu, cao nhất 3 năm qua.
Hồi tháng 3, cổ phiếu SHB cũng ghi nhận nhiều phiên giao dịch tăng kịch biên độ. Đà tăng diễn ra trong bối cảnh ngân hàng này là một trong 2 nhà băng tư nhân có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao nhất giai đoạn 2019-2024.
![]() |
Cổ phiếu SHB nhảy vọt lên mốc cao nhất 3 năm. Ảnh: TradingView. |
Đến cuối năm 2024, SHB ghi nhận tổng tài sản đạt hơn 747.000 tỷ đồng; dư nợ tín dụng gần 534.000 tỷ đồng, tăng 18,2% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế năm 2024 của ngân hàng đạt hơn 11.543 tỷ đồng, tăng 25%.
Cũng trong năm 2024, SHB đã hoàn tất tăng vốn lên hơn 40.658 tỷ đồng, giữ vững vị thế top 5 ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 tới đây, nhà băng này đặt kế hoạch tổng tài sản vượt 832.000 tỷ đồng, tăng trưởng tổng dư nợ cấp tín dụng 16%. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế đặt mục tiêu 14.500 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2024.
SHB cũng đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 45.942 tỷ đồng nhằm củng cố nền tảng tài chính.
Ngược lại, bộ đôi cổ phiếu “họ Vin” là VIC (giảm sàn) và VHM (-3,2%) gây thất vọng khi điều chỉnh với biên độ lớn. Riêng VIC "nằm sàn" với hơn 829.000 cổ phiếu dư bán ở mức giá thấp nhất.
Hiện thị giá VIC tạm dừng ở mốc 66.100 đồng/cổ phiếu. Phiên bán tháo đã thổi bay 20.000 tỷ đồng vốn hóa của tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, qua đó thu hẹp về mốc 252.000 tỷ đồng.
Vị trí doanh nghiệp niêm yết lớn thứ 2 sàn chứng khoán của Vingroup cũng đang lung lay khi BIDV áp sát ngay phía sau. Hiện vốn hóa của Vingroup và nhà băng quốc doanh chỉ chênh nhau khoảng 3.000 tỷ đồng.
Phiên bán tháo cổ phiếu VIC cũng khiến giá trị tài sản từ cổ phiếu của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng giảm sâu. Với hơn 656,23 triệu cổ phiếu VIC nắm trực tiếp, tương đương 16,92% vốn doanh nghiệp, tài sản của ông Vượng đã giảm 3.200 tỷ đồng hôm nayt, xuống còn 43.300 tỷ đồng.
Các nhà đầu tư nước ngoài không tham gia sâu vào đợt bán tháo cổ phiếu VIC khi chỉ bán ròng 38 tỷ đồng. Tính chung cả 3 mã liên quan đến hệ sinh thái Vingroup, khối ngoại bán ròng 141 tỷ đồng.
Ngoài “họ Vin”, các mã chứng khoán dẫn đầu danh mục hạ tỷ trọng của khối ngoại hôm nay gồm có VIX (-82 tỷ đồng), HCM (-71 tỷ đồng).
Mặt khác, FPT được dòng tiền ngoại gom mạnh trở lại 266 tỷ đồng, SHB (+76 tỷ đồng) và HPG (+67 tỷ đồng).
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.