Đại hội cổ đông bất thường PGBank: Chủ tịch chia sẻ về mục tiêu mua lại công ty chứng khoán, bầu nhân sự từ Tập đoàn Thành Công vào HĐQT và BKS

22/07/2025 16:30

Hôm nay (22/7), Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank - Mã: PGB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2025 tại Khách sạn The Five Residences Hà Nội, 345 Đội Cấn, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội.

Điều chỉnh phương án tăng vốn

Tại Đại hội, PGBank trình cổ đông thông qua qua việc điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên, PGBank đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng vào cuối năm nay thông qua 2 phương án. Trong đó, ngân hàng tiếp tục phương án tăng vốn thêm 800 tỷ qua việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (kế hoạch này đã được ĐHĐCĐ 2024 thông qua). Ngân hàng cũng dự kiến tăng vốn thêm 5.000 tỷ qua việc phát hành 50 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 10% và phát hành 450 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp.

Theo lộ trình, PGBank thực hiện việc chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sau khi hoàn thành phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Tuy nhiên, theo ban lãnh đạo ngân hàng, việc thực hiện các bước nêu trên sẽ không đảm bảo thời hạn hoàn thành việc tăng vốn theo nhu cầu thực tế của PGBank. Vì vậy, cần sửa đổi lộ trình thực hiện các phương án tăng vốn để đảm bảo tiến đột riển khai và sự thuận tiện trong quá trình thực hiện.

Ban lãnh đạo ngân hàng đề xuất việc chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền mua cổ phiếu Chào bán cho cổ đông hiện hữu được thực hiện đồng thời với thời điểm chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Theo đó, cổ đông tại ngày chốt quyền sẽ đồng thời được hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10% (sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 10 cổ phiếu mới) và được quyền mua cổ phiếu phát hành mới với tỷ lệ 90% (cứ 1 cổ phiếu được nhận 1 quyền mua, 10 quyền mua được mua 9 cổ phiếu mới).

PGBank muốn mua lại công ty chứng khoán

Bên cạnh việc điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ, PGBank cũng bổ sung tờ trình về việc góp vốn, mua cổ phần của tổ chức để tổ chức đó thành công ty con, công ty liên kết của PGBank.

Cụ thể, HĐQT PGBank sẽ trình cổ đông thông qua chủ trương góp vốn, mua cổ phần để thành lập mua lại công ty con, công ty liên kết ở trong nước hoạt động trong một/một số các lĩnh vực gồm: bảo lãnh phát hành chứng khoán, môi giới chứng khoán; quản lý, phân phối chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và mua, bán cổ phiếu; bảo hiểm.

Công ty mục tiêu mà PGBank dự định góp vốn, mua cổ phần là công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ hoặc công ty bảo hiểm; đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật và quy định hiện hành của PGBank tại thời điểm góp vốn, mua cổ phần.

Nguồn tiền góp vốn/mua cổ phần từ vốn điều lệ và quỹ dự trữ của PGBank trên cơ sở phù hợp với quy định pháp luật. Với tỷ lệ tham gia góp vốn/mua cổ phần là toàn bộ hoặc một phần vốn điều lệ của công ty mục tiêu mà PGBank sẽ tham gia góp vốn, mua cổ phần tùy thuộc vào thỏa thuận với các bên liên quan và tối đa trong phạm vi pháp luật cho phép.

Giá trị giao dịch, giá trị góp vốn, mua cổ phần dự kiến có giá trị từ 20% vốn điều lệ trở lên của ngân hàng ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc mức khác phù hợp với quy định của pháp luật và điều lệ PGBank đảm bảo công ty mục tiêu trở thành công ty con, công ty liên kết của PGBank.

Động thái mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực tài chính ngoài ngân hàng được PGBank lý giải nhằm thực hiện chiến lược 5 năm giai đoạn 2025–2030, thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đề cử nhân sự từ Tập đoàn Thành Công vào HĐQT và BKS

Tại đại hội lần này, ngân hàng cũng trình cổ đông bầu bổ sung một thành viên HĐQT độc lập và một thành viên Ban Kiểm soát cho nhiệm kỳ 2025–2030.

Cụ thể, người dự kiến được bầu làm thành viên độc lập HĐQT PGBank là ông Bùi Vương Anh, sinh năm 1974, có trình độ học vấn cử nhân Kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội.

Ông có 24 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực ngoại giao chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa, lãnh sự và bảo hộ công dân, tài chính, kế toán;

Ông từng đảm nhiệm vị trí Trưởng thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Italy; Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu Bộ Công Thương; Phó Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu, Châu Mỹ Bộ Công Thương; Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức…

Hiện ông Bùi Vương Anh đang là Phó Chánh Văn phòng Ban Điều hành CTCP Tập đoàn Thành Công.

Thành viên BKS dự kiến được bầu là bà Chu Thị Hường sinh năm 1979, có trình độ học vấn cử nhân kinh tế - Đại học Tài chính kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính).

Bà Hường có 23 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bà từng đảm nhiệm Trưởng Kiểm toán nội bộ ABBank; Giám đốc Khối QTRR ABBank; Trưởng Ban Kiểm soát - Công ty chứng khoán An Bình (ABS). Hiện bà là Trưởng Ban Kiểm soát nội bộ CTCP Tập đoàn Thành Công.

Bên cạnh các nội dung trên, Đại hội đồng cổ đông bất thường PGBank cũng sẽ xem xét thông qua sửa đổi Điều lệ PGBank và các nội dung khác như: Tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ PGBank; Báo cáo về việc phát hành trái phiếu riêng lẻ trong 06 tháng đầu năm 2025 của PGBank.

Phần trả lời câu hỏi cổ đông

Cổ đông: Việc tham gia các lĩnh vực kinh doanh mới như chứng khoán, quản lý quỹ hay bảo hiểm sẽ tác động như thế nào đến hoạt động kinh doanh?

Chủ tịch Cao Thị Thúy Nga: Đầu tư vào công ty con hoặc thành lập công ty con, công ty liên kết là xu hướng chung của ngành ngân hàng. Trong chiến lược của PGBank, chúng tôi hướng đến xây dựng một hệ sinh thái tài chính toàn diện để nâng cao trải nghiệm đa dạng của khách hàng về các sản phẩm tài chính ngân hàng có quan hệ mật thiết với nhau. Chúng tôi hướng đến mục tiêu khách hàng có dòng tài sản ổn định, phục vụ khách hàng cao cấp và quản lý tài sản cho khách hàng cá nhân.

Vì vây, việc mở rộng đầu tư sang các công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán nhằm thưc hiện mục tiêu nâng cao trải nghiệm khách hàng, đáp ứng tất cả các sản phẩm tài chính, chứng khoán, ngân hàng. 

Thứ hai là nhằm mở rộng nguồn thu từ hoạt động đầu tư, gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng. Tiêu chí chúng tôi đặt ra là đầu tư vào các công ty thuộc ngành tài chính ngân hàng hoặc công nghệ tài chính, có uy tín, thương hiệu, năng lực tài chính, quản trị rủi ro tốt, mạng lưới khách hàng ổn định, có kết quả kinh doanh, ROE, ROA đạt mục tiêu kỳ vọng.

Tất nhiên, chúng tôi cũng tính đến rủi ro tiềm ẩn khi tham gia đầu tư vào các công ty trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán - vốn hơi khác với ngành ngân hàng. Trước khi đầu tư, chúng tôi đảm bảo đạt các tiêu chuẩn, chuẩn mực của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu về hệ số an toàn, khả năng tài chính, khả năng quản trị. 

Quản lý và đầu tư các công ty con là lĩnh vực không dễ dàng, do đó đòi hỏi khả năng quản trị của ngân hàng phải được nâng cao, hệ thống công nghệ cũng phải được nâng cấp.

Đây là tờ trình về chủ trương, và chúng tôi sẽ từng bước hoàn thiện mình trước, sau đó nâng cao năng lực quản trị, đáp ứng điều kiện của Ngân hàng Nhà nước. Chúng tôi sẽ tiếp cận, nghiên cứu các đối tượng mục tiêu như trong tờ trình đã đề ra, với mục tiêu tiến tới một hệ sinh thái tài chính ngân hàng, nâng cao trải nghiệm khách hàng, nâng cao năng lực đầu tư và quy mô, lợi nhuận của ngân hàng trong thời gian sắp tới.

Cổ đông: Xin Ban lãnh đạo chia sẻ về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm?

Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Hương: Trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi đã nỗ lực, gắn bó, đoàn kết và đạt được những kết quả được cổ đông ghi nhận: Tăng trưởng doanh thu 32% so với cùng kỳ;  Tăng lợi nhuận 35%, đạt 284 tỷ đồng. Tuy vậy vẫn còn cách khá xa kế hoạch lợi nhuận 1.000 tỷ đã đề ra.

Kế hoạch 6 tháng cuối năm, PGBank xác định tiếp tục triển khai các hoạt động kinh doanh hiệu quả. Đặc biệt là thu ngoài lãi, mục tiêu lớn đóng góp vào lợi nhuận cuối năm. 

Tiếp theo là phát triển quy mô. Quy mô tài sản của PG Bank đã tiệm cận 80.000 tỷ đồng. Chúng tôi khai thác hiệu quả tổng tài sản bằng cách huy động giá vốn hợp lý nhất, cho vay khách hàng tốt để tăng biên lợi nhuận, kiểm soát chất lượng tín dụng ngay từ khâu lựa chọn khách hàng, thẩm định và phê duyệt để giảm thiểu nợ quá hạn phát sinh.

Chúng tôi tin rằng các chính sách mới của Quốc hội, Nhà nước sẽ giúp các ngân hàng nói chung và PGBank nói riêng xử lý tốt khoản nợ xấu. Bên cạnh đó, việc triển khai hệ thống core banking vào tháng 9/2025 sẽ thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, bán hàng trên toàn quốc của PGBank.

Với những cơ sở trên, chúng tôi tin tưởng sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận mục tiêu 1.000 tỷ đồng đã đề ra.

Cổ đông: Đề nghị lãnh đạo ngân hàng chia sẻ thêm về phương án tăng vốn điều lệ qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Hương: Sau khi được Đại hội đồng cổ đông thông qua, vốn điều lệ dự kiến tăng lên 10.000 tỷ đồng, trong đó 500 tỷ đồng từ chia cổ tức và 4.500 tỷ đồng phát hành cho cổ đông hiện hữu. 

Chúng tôi đang chuẩn bị hồ sơ để xin chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Với kinh nghiệm tăng vốn trước đây, nếu hồ sơ được chuẩn bị chu đáo, chúng ta có thể hoàn thành trong năm 2025. 

Chủ tịch Cao Thị Thúy Nga: Ý nghĩa của việc tăng vốn là giúp tăng hệ số an toàn vốn (CAR), đáp ứng yêu cầu chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước, thể hiện khả năng chống chọi rủi ro và năng lực tài chính của ngân hàng. 

Việc tăng vốn cũng sẽ giúp ngân hàng tăng khả năng cho vay, đáp ứng nhu cầu tín dụng của khách hàng. Đồng thời, tăng tỷ lệ an toàn để đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết, tạo ra hệ sinh thái khách hàng, tăng nguồn lực, nguồn thu, và khách hàng cho PGBank.    

Kết thúc đại hội, toàn bộ tờ trình được cổ đông thông qua với tỷ lệ tán thành cao

Bạn đang đọc bài viết "Đại hội cổ đông bất thường PGBank: Chủ tịch chia sẻ về mục tiêu mua lại công ty chứng khoán, bầu nhân sự từ Tập đoàn Thành Công vào HĐQT và BKS" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.