Ngày 22/7, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận phiên giao dịch ấn tượng khi chỉ số chính vượt mốc 1.500 điểm và chạm mức cao nhất hơn 3 năm.
Chốt phiên 22/7, VN-Index bật tăng 24,49 điểm lên 1.509,54 điểm và chỉ còn cách đỉnh lịch sử khoảng 20 điểm. Thanh khoản giữ ổn định ở mức cao, giá trị khớp lệnh đạt 30.412 tỷ đồng.
Là trụ cột chính kéo điểm thị trường, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục nối dài chuỗi phiên giao dịch thăng hoa với nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh. Kết phiên có 20/27 mã tăng giá, 2 mã giảm và 5 mã đứng giá tham chiếu.
Trong đó, VAB của VietABank tăng mạnh nhất (gần 7,4%), lên 15.300 đồng/cp với thanh khoản đạt hơn 3,5 triệu đơn vị. Cổ phiếu VAB diễn biến tích cực trong bối cảnh hôm nay là ngày giao dịch đầu tiên trên HoSE với khối lượng niêm yết là gần 540 triệu đơn vị.
Trước đó, cổ phiếu VAB được giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 20/7/2021 và hủy đăng ký giao dịch từ ngày 10/7/2025. Ngày giao dịch cuối cùng trên UPCoM là 9/7/2025 với giá đóng cửa ở mức 15.200 đồng/cp.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, Chủ tịch VietABank Phương Thành Long cho rằng việc niêm yết cổ phiếu là cơ hội để VietABank tiếp cận nhà đầu tư, tăng số lượng giao dịch, giúp thị trường đánh giá và nhìn nhận giá trị ngân hàng tốt hơn.
Cổ phiếu EIB của Eximbank cũng gây ấn tượng trong phiên hôm nay khi tăng trần với khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt gần 26,8 triệu đơn vị. Đà tăng của EIB được hỗ trợ bởi lực mua ròng mạnh của khối ngoại với hơn 1,4 triệu đơn vị. Tính từ đầu tháng 7 đến nay, cổ phiếu này đã tăng tổng cộng gần 19% và tăng hơn 74% so với mức đáy ghi nhận vào đầu tháng 4. Với diễn biến trên, EIB là một trong những cổ phiếu ngân hàng có diễn biến tích cực nhất trong những tháng trở lại đây.
Trong phiên 22/7, cổ phiếu HDB của HDBank cũng bật tăng gần 4% lên 24.450 đồng đi cùng thanh khoản ở mức cao với 27,4 triệu đơn vị. Cổ phiếu HDB đã nối dài chuỗi tăng giá tích cực và đưa mức tăng giá kể đầu tháng 7 lên gần 17%.
Ngoài những mã kể trên, nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng ghi nhận mức tăng giá tốt trong phiên 22/7 như BID (2,1%), VBB (1,8%), NAB (1,72%), KLB (1,5%), VCB (1,47%), NVB (1,34%), TPB (1,32%)… Trong đó, nhiều mã đã tăng hơn chục % kể từ đầu tháng 7 như KLB, TPB, NVB, NAB,...
Cổ phiếu ngân hàng liên tục tăng giá trong thời gian gần đây, sau khi đón nhận nhiều thông tin tích cực, đặc biệt là tín dụng tăng trưởng bứt phá trong quý II và việc Quốc hội luật hóa Nghị quyết 42.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 30/6, tín dụng toàn hệ thống đạt 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024 và 19,32% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2022 đến nay.
Tăng trưởng tín dụng tốt được nhận định là nhân tố chủ chốt thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng trong quý 2. Thực tế, nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng cao trên 10% trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận tăng trưởng hai con số như VPBank, TPBank, NamABank, Kienlongbank, PGBank.
Đối với việc luật hoá Nghị quyết 42, Theo Chứng khoán KB, luật hóa giúp chấm dứt tình trạng "thí điểm" như NQ42 (2017–2023), tạo nền tảng pháp lý ổn định, lâu dài. Nâng cao giá trị pháp lý và tính ràng buộc khi được quy định thành luật, áp dụng thống nhất toàn hệ thống (thay vì chỉ áp dụng cho các khoản nợ trước năm 2017). Ngoài ra, việc luật hoá NQ42 được kỳ vọng cũng sẽ khắc phục những xung đột giữa các bộ luật với nhau, thay thế các quy định chồng chéo và tạm thời hiện nay.
Đồng thời, việc Luật hoá Nghị quyết 42 cũng hỗ trợ tích cực cho hoạt động của ngành ngân hàng. Theo đó, ngân hàng có thể tăng tốc độ xử lý nợ xấu khi quy trình xử lý rút ngắn lại, giảm chi phí kiện tụng và dự phòng rủi ro. Thứ hai, tăng khả năng thu hồi nợ do luật mới trao thêm quyền cho các ngân hàng về quyền thu giữ TSBĐ và ưu tiên thanh toán thay vì bị trì hoãn do vướng mắc với các nghĩa vụ khác của KH như trước đây. Thứ ba, chất lượng tài sản toàn hệ thống dự kiến cải thiện nhờ lành mạnh hoá bảng cân đối kế toán, giảm gánh nặng nợ xấu, giải phóng nợ tồn đọng để dòng chảy tín dụng hiệu quả hơn. Hiệu quả xử lý nợ xấu tăng lên đóng góp vào tăng trưởng thu nhập cho các ngân hàng.