Các chuỗi cà phê ở Hà Nội đã phải "oằn mình gồng gánh" thế nào suốt năm qua khi có nơi sụt giảm tới 90% doanh thu?

08/02/2022 00:36

Nhiều chi nhánh phải đóng cửa vì không "gồng gánh" nổi, các chuỗi cà phê ở Hà Nội đã phải xử lý như thế nào?

Các chuỗi cà phê ở Hà Nội đã phải "oằn mình gồng gánh" thế nào suốt năm qua khi có nơi sụt giảm tới 90% doanh thu?

Không thể phủ nhận những ảnh hưởng mà dịch bệnh đã gây ra cho chúng trong suốt thời gian vừa qua. Đặc biệt hơn chính là năm 2021, khi nhiều nơi trong cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đã liên tục phải thực hiện giãn cách cùng các biện pháp phòng chống dịch khác nhau. Ngành nghề nào cũng phải chịu ảnh hưởng mà trong đó, F&B chính là một trong những lịch vực bị suy giảm không ít trong năm 2021. Dù vậy, nhiều hàng quán, các chuỗi nhà hàng, cà phê lớn nhỏ đều cố gắng "oằn mình gồng gánh" để có thể bước tiếp trong năm 2022 này. 

Năm mới, cùng nhìn lại một năm 2021 nhiều biến đổi, và hướng đến những hi vọng mới trong năm 2022 này.

Cộng cà phê: Từ các chi nhánh ở Việt Nam đến nước ngoài đều gặp khó khăn nhưng vẫn không ngừng nỗ lực phát triển

Tương tự như rất nhiều doanh nghiệp F&B khác, Cộng cũng vấp phải rất nhiều khó khăn trong việc kinh doanh. Sau 2 năm, không ít chi nhánh Cộng cà phê đã phải đóng cửa. Đại diện chuỗi cà phê này cho biết: "Chính vì khó khăn chung, nên vấn đề chúng tôi đặt lên hàng đầu là nỗ lực tìm kiếm và thực hiện các giải pháp phù hợp với nguồn lực để vượt qua. Đối với các điểm được dự đoán không hiệu quả trong tương lai gần, thay vì "gồng gánh", chúng tôi lựa chọn lùi lại để có thể tiến lên chắc chắn trong các giai đoạn tiếp theo".

Được biết, có những chi nhánh của Cộng đã sụt giảm đến 90% doanh thu, có những nơi đóng cửa gần nửa năm trời. Đội ngũ Cộng buộc phải tìm ra giải pháp cho mọi vấn đề như: Thương lượng để giảm chi phí mặt bằng, hỗ trợ nhân sự trên tinh thần thấu hiểu và nỗ lực, liên tục hoạt động online, hoàn thiện các phần việc còn dang dở, họp bàn giải pháp cho tình thế hiện tại và đưa ra các kế hoạch mới cho giai đoạn tiếp theo. "Đại dịch khiến cho nhiều thứ thay đổi, ở hiện tại và tương lai. Chúng tôi bắt buộc cũng phải thay đổi rất nhiều để thích nghi, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng".

Cho đến hiện tại, nhiều chi nhánh mới chỉ phục hồi khoảng 60% so với trước dịch nhưng đội ngũ Cộng vẫn đang rất cố gắng duy trì. Dù không ít chi nhánh phải đóng cửa, nhưng trên tình hình thực tế, Cộng vẫn mở các chi nhánh mới ở những nơi có tiềm năng, cụ thể là mở thêm 10 chi nhánh ở các nơi như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu. Bên cạnh đó, đội ngũ Cộng còn liên tục chuẩn bị cho các dự án mới trong tương lai.

Tương tự như các chi nhánh ở Việt Nam, các chi nhánh Cộng ở nước ngoài cũng gặp khó khăn tương tự, thậm chí còn nặng nề hơn. Dù vậy, với với sự chuẩn bị nhất định và các giải pháp ứng phó kịp thời, hiện nay các cửa hàng nước ngoài cũng đang trên đà hồi phục. 

Đại diện của Cộng cũng chia sẻ rằng trong năm 2022 này, ngoài việc đa dạng thêm menu tại các cửa hàng, Cộng sẽ tập trung thêm vào việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm tiêu dùng, quà tặng. Đó cũng là một trong những định hướng mới của chuỗi cà phê tên tuổi này.

Hầm Trú Ẩn - chuỗi cà phê trẻ của những người trẻ vẫn "gồng mình" vươn lên giữa dịch bệnh

Dịch bệnh ảnh hưởng không loại trừ bất kì ai, bất kì ngành nghề hay hình thức kinh doanh nào. Là một chuỗi cà phê còn khá trẻ tuổi ở Hà Nội, do những người trẻ "tay ngang" gây dựng nên, Hầm Trú Ẩn đã và đang tiếp tục hành trình khẳng định vị trí của mình trong lòng giới trẻ Thủ đô. 

Theo chia sẻ của anh Trần Hoàng Tiến, co-founder của chuỗi cà phê này: "Tất cả các chi nhánh của chuỗi đã phải đối mặt với 2 vấn đề lớn nhất là tiền thuê mặt bằng và tiền trả lương cho nhân viên để giữ chân nhân sự. Trong khi các hàng ăn có thể bán mang về để cầm cự thì Hầm Trú Ẩn nói riêng và nhiều hàng quán cà phê khác nói chung gần như phải đóng cửa hoàn toàn bởi nhu cầu mua các món đồ uống mang về không quá nhiều. Trong quãng thời gian phải đóng cửa, gần như tháng nào, các cổ đông cũng phải gánh lỗ cho các cơ sở".

Cùng với việc thương lượng để giảm chi phí mặt bằng, đội ngũ Hầm cũng đã thực hiện chuyển đổi sang kênh bán delivery dù điều đó đồng nghĩa với việc tạm thay đổi cả sản phẩm và văn hóa cốt lõi cũng như quy trình vận hành của tất cả các cơ sở. Điều này không đem về lợi nhuận, nhưng cũng đủ hòa vốn và nhân sự có công việc để làm.

Trong suốt năm khó khăn vừa qua, dù liên tục phải gánh lỗ, thế nhưng Hầm Trú Ẩn vẫn mở thêm 2 chi nhánh mới bởi đội ngũ Hầm nhìn nhận được tiềm năng cũng như cơ hội từ sự bùng nổ nhu cầu của khách hàng khi hết dịch. Cùng với đó, Hầm còn tiếp tục tìm kiếm mặt bằng để mở thêm một số cơ sở tiếp theo, đồng thời còn lấn sân sang một lĩnh vực mới hơn, đó là xây dựng khu homestay và camping ở ngoại thành Hà Nội.

Dù vậy, anh Tiến, co-founder của Hầm Trú Ẩn khẳng định: "Đối với chúng mình, đi chắc vẫn tốt hơn là đi nhanh. Thế nên chúng mình sẽ tiếp tục dành thời gian để ổn định lại chất lượng sau dịch".

Ảnh: Facebook

Hạ Linh, thiết kế: Huyền Trang

Bạn đang đọc bài viết "Các chuỗi cà phê ở Hà Nội đã phải "oằn mình gồng gánh" thế nào suốt năm qua khi có nơi sụt giảm tới 90% doanh thu?" tại chuyên mục TIÊU DÙNG. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: dautuforum@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.