3 lý do khiến bất động sản khu Tây Tp.HCM “gợn sóng” đầu năm

02/04/2025 20:02

Trong chia sẻ về thị trường bất động sản Long An gần đây, ông Đinh Minh Tuấn – Giám đốc Batdongsan.com.vn đã chỉ ra các xu hướng dịch chuyển đô thị trong tương lai. Từ đó, vị này nêu lợi thế, tiềm năng của bất động sản khu Tây nói chung, Long An nói riêng trong bức tranh bất động sản phía Nam.

Theo ông Tuấn, không gian đô thị Tp.HCM không ngừng mở rộng nhờ các công trình hạ tầng quan trọng. Giai đoạn từ 1997 đến 2025, thị trường bất động sản phía Nam phát triển mạnh với trục Nguyễn Văn Linh, Đại lộ Đông Tây, hầm Thủ Thiêm và cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Các tuyến tuyến đường đã làm thay đổi diện mạo bất động sản khu Đông, khu Nam Tp.HCM và vùng lân cận.

Xu hướng mở rộng không gian đô thị vẫn tiếp tục diễn ra và giai đoạn 2025-2030. Vành đai 3 Tp.HCM, cao tốc Bến Lức - Long Thành được đầu tư sẽ mở rộng, chuyển trục sang khu vực phía Tây. Trong đó, Long An đang sẵn sàng đón làn sóng dịch chuyển đầy tiềm năng này.

Nhìn từ sự kiện, Long An chào đón Vinhomes khai trương dự án Vinhomes Green City 197 ha tại Hậu Nghĩa, ông Tuấn cho rằng, đây được xem một cột mốc đột phá cho khu vực phía Tây Tp.HCM nói chung, Long An nói riêng.

3 lý do khiến bất động sản khu Tây Tp.HCM “gợn sóng” đầu năm- Ảnh 1.

Theo ông Đinh Minh Tuấn, xu hướng dịch chuyển không gian đô thị ra vùng lân cận Tp.HCM tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới. Ảnh: Minh hoạ

Vị này đã chỉ ra 3 tiềm năng của thị trường bất động sản Long An khiến nơi đây "nổi sóng" thời điểm đầu năm 2025.

Thứ nhất, hạ tầng mở nút thắt: Với khoảng cách liền kề Tp.HCM nhưng nút thắt hạ tầng trước giờ đã cản trở sự phát triển bất động sản ở khu vực phía Tây. Đến nay, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như cao Tốc Bến Lức - Long Thành, Vành Đai 3, Vành đai 4 Tp.HCM, mở rộng cao tốc Tp.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận... đã và sẽ thông tuyến, nối 13 tỉnh miền Tây với khu Đông sôi động.

Thứ hai, giá bất động sản "vùng trũng cơ hội": Việc sở hữu một căn nhà liền thổ đầy đủ tiện ích tại Tp.HCM tương đối xa tầm với khi giá trung tâm ngày càng tăng cao. Long An trở thành lựa chọn hiếm hoi đáp ứng nhu cầu sở hữu bất động sản thấp tầng với mức giá hợp lý.

Thứ ba, đón đầu làn sóng dãn dân: Theo ông Tuấn, với mật độ dân cư trung tâm Tp.HCM đang quá tải với >30,000km2/người, xu hướng giãn dân là tất yếu. Người dân sẵn sàng dịch chuyển đến những nơi trong lành, hạ tầng kết nối tốt và giá bất động sản phù hợp. Long An đáp ứng tiêu chí này.

Nhờ mức giá còn hợp lý, hạ tầng kết nối thuận lợi với Tp.HCM, một số KĐTquy mô lớn đã hiện hữu tại thị trường Long An thu hút sự quan tâm của người mua, bao gồm cả nhà đầu tư phía Bắc. Đơn cử, dự án KĐT Waterpoint 355ha của Nam Long triển khai các sản phẩm biệt thự, dinh thự giới hạn The Aqua, Park Village ra thị trường và ghi nhận thanh khoản khá tích cực. Theo đơn vị này, vừa qua lượng khách hàng từ phía Bắc vào tìm hiểu dự án khá nhiều. 

Waterpoint 355ha là dự án trọng điểm của Nam Long trong chiến lược mở rộng phân khúc sản phẩm cao cấp, hạng sang, hướng đến tầm nhìn trở thành tập đoàn bất động sản tích hợp. Khu đô thị có kết nối trực tiếp cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, ngay nút giao với Vành đai 4, liền kề điểm giao cao tốc Bến Lức - Long Thành và Vành đai 3, theo đó được hưởng lợi trực tiếp từ "bệ phóng" hạ tầng khu vực. 

Đây cũng là đại đô thị bên sông đầu tiên tại phía Tây TP.HCM, được Nam Long bắt tay triển khai từ những năm 2000. Điều này mang đến cho Waterpoint lợi thế vượt trội về tính hiện hữu, tiện ích – hạ tầng đồng bộ, môi trường cảnh quan sinh thái trong lành, sẵn sàng cung ứng sản phẩm chất lượng ra thị trường.

Cũng theo ông Tuấn, trước đến nay, việc phát triển đô thị vùng ven luôn đối mặt với 3 khó khăn lớn: Không thu hút được dân cư, vị trí xa trung tâm, và hạ tầng dự án chưa đồng bộ. Thế nhưng gần đây khi hạ tầng liên tục đầu tư phát triển cùng động thái đổ bộ của các ông lớn trong ngành sẽ mở nút thắt cho bất động sản đô thị khu ven. "Việc Vingroup khởi công Vinhome Hậu Nghĩa cùng loạt doanh nghiệp đã có mặt tại Long An từ khá lâu phát triển các dự án KĐT quy mô cho thấy, diện mạo bất động sản khu Tây sẽ thay đổi rất nhiều. Bất động sản khu vực này sẽ thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia và lao động chất lượng cao đổ về", ông Tuấn nhấn mạnh.

Khẳng định việc mở rộng không gian đô thị sang khu vệ tinh Tp.HCM sẽ là xu hướng của thị trường địa ốc trong thời gian tới, ông Đinh Minh Tuấn dẫn chứng, với gần 2.400 dự án mới trong không gian đô thị mở rộng tới Vành đai 4 để thấy, sự dịch chuyển các dự án từ vùng lõi trung tâm Tp.HCM cho tới các vành đai, cao tốc trong giai đoạn 2016-2025 khủng khiếp thế nào.

3 lý do khiến bất động sản khu Tây Tp.HCM “gợn sóng” đầu năm- Ảnh 2.

Tình trạng ô nhiễm môi trường cũng là lý do tác động đến xu hướng dịch chuyển sang đô thị khu ven của người mua nhà. Nguồn dữ liệu Batdongsan.com.vn

Theo vị này, nhiều người đặt câu hỏi, liệu có đủ dân để tiếp tục dịch chuyển ra các vùng vệ tinh hay chỉ phát triển các dự án để trống "bỏ hoang" như đã từng diễn ra ở một số khu vực trong cả thập kỷ vừa qua. Nhìn vào thực tế cho thấy, xu hướng dịch chuyển tất yếu phải xảy ra, đặc biệt với các siêu đô thị lớn trên thế giới (dân số >10 triệu). Hiện nay có 3 kiểu dịch chuyển chính:

Kiểu Seoul: Do giá bất động sản tại trung tâm quá cao, người dân buộc phải dịch chuyển ra vùng ven, tạo nên vùng đô thị bao gồm Seoul, Incheon và Gyeonggi với số dân gần 25 triệu chiếm 50% dân số Hàn Quốc.

Kiểu Bắc Kinh: Ô nhiễm môi trường là nguyên nhân chính khiến người giàu sẵn sàng chi trả mức giá cao hơn để tận hưởng không khí trong lành, kết quả Bắc Kinh hiện có tới 8 vành đai bao quanh trung tâm để phục vụ nhu cầu này.

Kiểu Tokyo: Cơ sở hạ tầng tại trung tâm quá tải dẫn đến việc dịch chuyển dân cư ra các khu vực ngoại ô, nơi hạ tầng giao thông công cộng phát triển mạnh mẽ, giúp kết nối thuận lợi với trung tâm thành phố.

"Hà Nội và Tp,HCM có thể được xem là siêu đô thị khi dân cư cũng xấp xỉ 10 triệu dân và mật độ dân cư > 2000 người/km2. Hà Nội xu hướng mở rộng tương tự Bắc Kinh khi ô nhiễm trung tâm ngày càng cao. Trong khi đó Tp.HCM nghiêng về hướng Tokyo và Seoul khi trung tâm giá quá cao và quá tải về hạ tầng. 

Theo đó, xu hướng mở rộng không gian đô thị ra khu ven Tp.HCM sẽ còn tiếp diễn. Đây cũng chính là cơ hội để thị trường bất động phát triển ăn theo, nhất là các khu đô thị được quy hoạch tiện ích bài bản, đang ở giai đoạn đầu đầu tư hạ tầng, dư địa tăng trưởng còn lớn...", ông Tuấn nhấn mạnh.


Bạn đang đọc bài viết "3 lý do khiến bất động sản khu Tây Tp.HCM “gợn sóng” đầu năm" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.