![]() |
Bộ Tài chính cho rằng đánh thuế bất động sản trên phần thu nhập lãi ròng là cách tiếp cận phản ánh đúng bản chất giao dịch kinh tế. Ảnh: Nam Khánh. |
Tại báo cáo phục vụ chất vấn gửi Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết trong quá trình sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, cơ quan này đã nghiên cứu 2 phương pháp tính thuế chuyển nhượng bất động sản, phụ thuộc vào mức độ đầy đủ của thông tin về giao dịch.
Cụ thể, nếu có thể xác định rõ giá mua và các chi phí liên quan đến bất động sản chuyển nhượng, cơ quan thuế sẽ áp dụng phương pháp tính theo thuế suất 20% trên phần thu nhập chịu thuế - được xác định bằng giá bán trừ đi tổng chi phí liên quan. Mức thuế suất này được đề xuất nhằm tiệm cận với thuế suất doanh nghiệp trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
Ngược lại, nếu không thể xác định được các chi phí đầu vào, thuế thu nhập cá nhân sẽ được tính theo tỷ lệ 2% trên tổng giá trị chuyển nhượng ghi trên hợp đồng.
Bộ Tài chính cho rằng phương pháp tính thuế dựa trên phần thu nhập ròng - tức giá bán trừ giá vốn và chi phí - là cách tiếp cận phản ánh đúng bản chất giao dịch kinh tế và phù hợp với nguyên tắc đánh thuế trên thu nhập thực tế phát sinh.
Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả phương pháp này, điều kiện tiên quyết là phải có cơ sở dữ liệu đầy đủ, minh bạch về lịch sử giao dịch bất động sản và quy định pháp luật rõ ràng về các khoản chi phí được trừ, điều kiện chứng minh, hóa đơn - chứng từ hợp lệ, cũng như cách xác định giá vốn bất động sản.
Về dữ liệu giao dịch, Bộ Tài chính cho biết hệ thống của cơ quan thuế đã có khả năng tra cứu lịch sử chuyển nhượng thửa đất và lịch sử giao dịch của người nộp thuế từ năm 2018.
Tuy vậy, giá ghi trên hợp đồng vẫn thường thấp hơn nhiều so với giá giao dịch thực tế. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc kiểm soát và xác định đúng thu nhập chịu thuế, do thiếu công cụ để xác minh giá trị thật của giao dịch trên thị trường.
Khó khăn tương tự cũng được ghi nhận trong việc xác minh các chi phí liên quan đến giao dịch chuyển nhượng. Ngoài các khoản chi phí dễ chứng minh như chi phí mua bán, xây dựng, cải tạo hay phí thủ tục pháp lý, còn nhiều loại chi phí khác như phí môi giới, lãi vay, chi phí bồi thường... thường không có chứng từ rõ ràng.
Thực trạng này khiến việc xác định chính xác phần lợi nhuận thực tế gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt trong các trường hợp người nộp thuế khai sai nhằm giảm nghĩa vụ thuế.
Ngoài ra, nhiều trường hợp bất động sản được chuyển nhượng có từ thời gian rất lâu hoặc hình thành qua thừa kế, cho tặng, khiến việc xác định giá vốn gần như không thể thực hiện.
Trước đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 quy định mức thuế với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là 25% trên thu nhập (giá bán trừ giá vốn và các chi phí liên quan). Trường hợp không xác định được giá vốn, các chi phí liên quan và có chứng từ chứng minh, mức thuế phải nộp là 2% giá bán.
Từ năm 2015, theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Thuế thu nhập cá nhân, mức thu thống nhất là 2% trên giá chuyển nhượng bất động sản.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy phương án tính thuế 2% trên giá trị chuyển nhượng bất động sản cho thấy nhiều lỗ hổng, điển hình là người mua bán khai giá chuyển nhượng thấp hơn thực tế để giảm số thuế phải nộp, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.