Việt Nam có 1,35 triệu thanh niên '3 không'

06/04/2025 16:11

Trong quý I, Việt Nam ghi nhận 1,35 triệu người thuộc độ tuổi 15-24 không đi học, không có việc làm và cũng không tham gia đào tạo, chiếm 10,4% tổng số thanh niên.

Thất nghiệp giảm nhưng số lượng thanh niên "3 không" (không học, không việc, không tham gia đào tạo) tăng. Ảnh: Duy Hiệu.

Báo cáo mới công bố của Cục Thống kê cho biết lực lượng lao động và số người có việc làm giai đoạn vừa qua đã giảm nhẹ so với quý trước nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2024.

Tay nghề của lao động được cải thiện

Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,9 triệu người, giảm 230.700 người so với quý trước nhưng tăng 532.000 người so với cùng kỳ năm ngoái. So với quý trước, lực lượng lao động ở khu vực thành thị giảm 120.600 người, còn khu vực nông thôn giảm 110.200 người.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trong quý này đạt 68,2%, giảm 0,8 điểm % so với quý trước.

Một điểm sáng là chất lượng nguồn lao động tiếp tục được cải thiện. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28,8%, tăng 0,2 điểm % so với quý trước và tăng 1 điểm % so với cùng kỳ.

SỐ LƯỢNG LAO ĐỘNG CÓ VIỆC LÀM VÀO QUÝ I HÀNG NĂM
Nguồn: Cục Thống kê.
Nhãn20212022202320242025
Lao động có việc làm triệu người 49.95051.251.351.9

Số người có việc làm trong quý I đạt 51,9 triệu người, giảm 234.000 người so với quý trước (-0,4%) nhưng tăng 532.100 người (+1%) so với cùng kỳ .

Xét theo ngành nghề, khu vực dịch vụ tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất với 40,7%, tương đương khoảng 21,1 triệu người; kế đến là khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,3%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng thấp nhất với 26%.

So với quý trước và cùng kỳ, lao động trong khu vực dịch vụ tăng lần lượt 100.300 người và 574.400 người. Khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 287.100 người so với quý trước nhưng vẫn tăng 262.700 người so với cùng kỳ.

Riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chứng kiến số lượng lao động giảm 47.200 người so với quý trước và 305.000 người so với cùng kỳ.

Số lao động phi chính thức trong quý I/2025 (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông, lâm, ngư nghiệp) là 33,4 triệu người, chiếm 64,3% tổng số người có việc làm, tăng 0,7 điểm % so với quý trước nhưng giảm 0,5 điểm % so với cùng kỳ năm trước.

1,35 triệu thanh niên "3 không"

Theo Cục Thống kê, việc giảm lao động và số giờ làm sau Tết Nguyên đán là xu hướng thường thấy do doanh nghiệp gia tăng tuyển dụng thời vụ và tăng ca trước Tết, sau đó cắt giảm trở lại sau kỳ nghỉ. Vì vậy, tình trạng thiếu việc làm trong quý I hàng năm thường tăng so với quý trước.

Tuy vậy, nhờ tình hình kinh tế - xã hội quý I có nhiều chuyển biến tích cực, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động thu hẹp còn 797.000 người. Dù tăng 32.400 người so với quý trước, nhưng con số này vẫn thấp hơn 136.000 người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi đạt 1,72%, tăng không đáng kể so với quý trước nhưng giảm 0,31 điểm % so với cùng kỳ. Trong đó, tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị là 0,98%, thấp hơn đáng kể so với khu vực nông thôn (2,21%).

Xét theo ngành, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ lệ thiếu việc làm cao nhất với 50,1% tổng số người thiếu việc (tương đương 399.600 người). Khu vực dịch vụ chiếm 27,1% (tương đương 215.900 người) còn công nghiệp và xây dựng chiếm 22,8% (tương đương 181.500 người).

Về thu nhập, mức bình quân tháng của người lao động trong quý I tiếp tục tăng 131.000 đồng so với quý trước (+2%) và 720.000 đồng so với cùng kỳ năm trước (+10%) lên 8,3 triệu đồng. Chênh lệch giữa mức thu nhập bình quân của lao động khu vực thành thị so với khu vực nông thôn là 1,39 lần.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tiếp tục giảm xuống còn 2,2%. Số người thất nghiệp trong độ tuổi khoảng 1,04 triệu người, giảm 10.700 người so với quý trước và giảm 14.400 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị tiếp tục duy trì dưới mức 3%.

Đáng chú ý, trong quý I, có khoảng 1,35 triệu thanh niên từ 15-24 tuổi không đi học, không có việc làm và cũng không tham gia đào tạo (chiếm 10,4% tổng số thanh niên). Con số này tăng 84.400 người so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn 66.900 người so với cùng kỳ năm trước.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam có 1,35 triệu thanh niên '3 không'" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.