Thị trường BĐS có tín hiệu tích cực: Thu hồi nợ đã xóa sổ của Vietcombank, BIDV, VietinBank tăng mạnh

16/05/2025 12:13

Báo cáo phân tích ngành ngân hàng do VPBankS thực hiện mới đây cho biết, khoản mục "thu nhập khác" của các ngân hàng quốc doanh (SOCBs) – gồm các khoản thu hồi nợ đã xóa sổ - cho thấy tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản.

Cụ thể, "Thu nhập khác" của các ngân hàng quốc doanh thể hiện tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản.

Lịch sử cho thấy khoản thu nhập từ xử lý nợ xấu thường phản ánh sức khỏe của thị trường bất động sản (nơi tài sản thế chấp tập trung nhiều). Báo cáo tài chính kiểm toán 2024 công chi tiết về khoản mục "thu nhập từ hoạt động khác" trong báo cáo kết quả kinh doanh, từ đó giúp đánh giá chính xác hiệu quả thu hồi nợ xấu. Dù báo cáo Quý I/2025 chưa được kiểm toán, các khoản mục "thu nhập khác" của SOCBs đã cho thấy dấu hiệu vẫn có giá trị tham khảo mặc dù có thể chưa phản ánh đầy đủ so với các ngân hàng tư nhân.

Trong năm tài chính 2024, thu nhập từ xử lý nợ xấu chiếm đến 84% thu nhập khác của Vietcombank, 88% của BIDV và 79% của VietinBank. Đây cũng là ba ngân hàng có quy mô bảng cân đối kế toán lớn nhất trong nhóm 11 ngân hàng phân tích.

Trong Quý I/2025, khoản mục này của ba ngân hàng quốc doanh niêm yết tăng đến 51% so với cùng kỳ và tăng 2 điểm cơ bản khi tính theo tỷ lệ trên dư nợ cho vay.

Thị trường BĐS có tín hiệu tích cực: Thu hồi nợ đã xóa sổ của Vietcombank, BIDV, VietinBank tăng mạnh- Ảnh 1.

VPBankS cho biết không có câu chuyện nổi bật với nợ xấu (NPL) trong quý 1/2025. Tỷ lệ nợ xấu trung bình của 11 cổ phiếu ngân hàng trong phạm vi phân tích tăng 20 điểm cơ bản so với quý trước, trong khi nợ Nhóm 2 đi ngang. Tỷ lệ nợ xấu trong quý 1/2024 cũng ghi nhận mức tăng tương tự - 20 điểm cơ bản so với quý trước.

Chi phí dự phòng của 11 ngân hàng trong phạm vi phân tích đạt mức 0,24% dư nợ cho vay trong Quý I/2025, so với mức 0,30% của Quý I/2024. Điều này tương ứng với quan điểm được nêu trong báo cáo trước đó, rằng các ngân hàng Việt Nam đang trích lập dự phòng thấp so với rủi ro tiềm ẩn, dù việc áp dụng chuẩn mục kế toán quốc tế IFRS là chuyển sớm muộn.

Các ngân hàng ghi nhận mức giảm mạnh nhất về chi phí dự phòng theo năm bao gồm Vietcombank, Sacombank, TPBank, VIB.

Tuy nhiên, việc giảm chi phí dự phòng chủ yếu nhằm "bù đắp" cho mức tăng trưởng yếu kém của thu nhập hoạt động (TOI). Vì vậy, VPBankS cho rằng, thay vì nhìn vào lợi nhuận sau thuế (NPAT), hiện tại TOI là chỉ số phản ánh rõ hơn thực chất hoạt động của ngành hàng. Các ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng TOI hai chữ số trong Quý I/2025 bao gồm: HDBank (riêng lẻ), VPBank (riêng lẻ), MB và Sacombank.


Bạn đang đọc bài viết "Thị trường BĐS có tín hiệu tích cực: Thu hồi nợ đã xóa sổ của Vietcombank, BIDV, VietinBank tăng mạnh" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.