Thêm một triệu doanh nghiệp: Tiềm năng lớn từ 5 triệu hộ kinh doanh

14/04/2025 20:11

(Chinhphu.vn) - Thêm một triệu doanh nghiệp xuất hiện, cùng với khoảng gần 1 triệu doanh nghiệp hiện có, sẽ bổ sung thêm vốn đầu tư tư nhân, tạo thêm động lực cho tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Những cải cách về thể chế, pháp luật, sự hỗ trợ tiếp cận tài chính, tín dụng và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… sẽ tạo ra môi trường thuận lợi để doanh nghiệp hình thành và lớn mạnh.

Thêm một triệu doanh nghiệp: Tiềm năng lớn từ 5 triệu hộ kinh doanh- Ảnh 1.

Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng - Ảnh: VGP/Hoàng Hạnh

Đột phá thể chế và sự sẵn sàng của doanh nghiệp

Tại một cuộc hội thảo về vốn tín dụng để thúc đẩy kinh tế tư nhân tổ chức vào cuối tháng 3/2025, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã nhận định, nền kinh tế Việt Nam muốn tăng trưởng từ 8% vào năm 2025, tiến tới mức hai con số trong những năm tiếp theo thì khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tăng trưởng ở mức tương tự.

Quan điểm của vị chuyên gia xuất phát từ thực tế rõ ràng, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chiếm tới khoảng 98% (trong đó, doanh nghiệp vừa chiếm khoảng 1,5%) trong tổng số doanh nghiệp tư nhân đăng ký chính thức tại Việt Nam. Kể cả trong định hướng kinh tế tư nhân trở thành bệ đỡ cho toàn nền kinh tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng với khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể chính là một trụ cột vô cùng cần thiết.

Chỉ thị 10/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành ngày 25/3/2025, khi được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, sẽ tháo gỡ những vướng mắc hiện đang trì néo sự trưởng thành của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhiệm vụ giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm tối thiểu 30% chi phí tuân thủ; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết… sẽ góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn cho doanh nghiệp, điều càng trở nên cấp thiết trước những triển vọng không mấy tích cực của kinh tế toàn cầu.

Việc chuyển đổi mạnh mẽ từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với thanh tra, giám sát còn giúp doanh nghiệp thuận tiện hơn trong đề xuất, triển khai những ý tưởng, sản phẩm mới, tự tin "làm những điều pháp luật không cấm", đồng thời là bước đi quan trọng thích ứng với quá trình tinh giản bộ máy sẽ hoàn thành ngay trong năm 2025.

Song song với đó, Chỉ thị 10/CT-TTg đã quan tâm tới việc tạo dựng những tiền đề giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa đồng hành với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc gồm các hạ tầng cứng quan trọng như đường sắt, cảng biển kết nối, trung tâm tài chính quốc tế…; hạ tầng thể chế pháp lý với việc xây dựng và hoàn thiện các luật hiện có, nghiên cứu, đề xuất khung pháp lý quản lý, thúc đẩy phát triển tài sản số, tài sản mã hóa, tiền kỹ thuật số…; hỗ trợ chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cộng đồng doanh nghiệp có thể kỳ vọng những đột phá về thể chế, và cùng với đó, nền kinh tế đã sẵn sàng để phát huy tối đa hiệu quả từ những đột phá này.

Bày tỏ sự đồng tình với nội dung Chỉ thị trên, ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng đề xuất, các cấp thừa hành cần cụ thể hoá các nhiệm vụ, chẳng hạn, cắt giảm 30% điều kiện kinh doanh là những điều kiện nào, thuộc lĩnh vực nào, giảm thời gian xử lý những thủ tục hành chính nào, thời gian giảm đi là bao nhiêu… Những việc này càng cụ thể, chi tiết, doanh nghiệp càng dễ dàng tuân thủ và việc thanh tra, giám sát của các cơ quan cấp trên càng thuận lợi, nhờ đó, giúp Chỉ thị 10/CT-TTg sớm đi vào đời sống kinh doanh, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.

"Từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực miền Trung, Tây Nguyên, tôi nghĩ rằng, nên chăng, chúng ta cân nhắc thêm các chính sách hỗ trợ vận chuyển hàng hoá được sản xuất tại các vùng sâu, vùng xa tới trung tâm logistics để phân phối ra toàn quốc hoặc xuất khẩu. Các ngành chức năng của địa phương cũng nên đặt ra chỉ tiêu xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thay vì chỉ hỗ trợ 50% kinh phí cho số ít doanh nghiệp đủ khả năng ra nước ngoài tổ chức giới thiệu hàng hoá như hiện nay", ông Phạm Bắc Bình khuyến nghị thêm.

Thêm một triệu doanh nghiệp: Tiềm năng lớn từ 5 triệu hộ kinh doanh- Ảnh 2.

TS. Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế của Economia Việt Nam - Ảnh: VGP/Hoàng Hạnh

Thêm một triệu doanh nghiệp từ đâu?

Cũng được đề ra trong Chỉ thị 10/CT-TTg, nhiệm vụ có thêm một triệu doanh nghiệp vào năm 2030 có thể được coi là chỉ tiêu được lượng hoá của nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thế nhưng, để một triệu doanh nghiệp mới ra đời kết nối tốt trong mạng lưới chung, kích thích sự gia tăng quy mô từ doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp vừa, đóng góp bền vững, ổn định vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, thì số lượng phải đi cùng với chất lượng.

Từ góc nhìn của ông Phạm Bắc Bình, lời giải cho bài toán nêu trên nằm ở hộ kinh doanh cá thể. Vị chuyên gia lý giải, bên cạnh số doanh nghiệp đang đăng ký hoạt động chính thức, khu vực kinh tế tư nhân còn được cấu thành bởi hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. So với thống kê vào tháng 6/2022, số hộ kinh doanh cá thể đã tăng 51,5%, tương đương hơn 1,7 triệu hộ. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng số doanh nghiệp tương đối chậm, từ 895.876 doanh nghiệp năm 2022, tới 921.372 doanh nghiệp năm 2023, và tới thời điểm này, đang có khoảng 940.000 doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế Việt Nam. Có thể thấy, sức tồn tại, chống chịu của hộ kinh doanh cá thể đang bền bỉ hơn so với doanh nghiệp đăng ký kinh doanh chính thức. Và tinh thần ấy sẽ tiếp tục được duy trì nếu các hộ kinh doanh cá thể này bước vào khu vực chính thức, chuyển thành các doanh nghiệp.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (trước đây) củng cố thêm nhận định của vị chuyên gia. Theo đó, tính đến năm 2022, tỉ lệ doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh còn tồn tại sau năm năm cao gần gấp đôi mức trung bình chung của tổng số doanh nghiệp đăng ký theo Luật Doanh nghiệp. Sau mốc thời gian năm năm này, còn tới 97% doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh đang tồn tại, hoạt động, cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ trung bình là 52% của tất cả các doanh nghiệp đăng ký theo Luật Doanh nghiệp.

Quan trọng hơn, việc hộ kinh doanh cá thể tham gia thị trường một cách chính thức có thể giúp nhóm doanh nghiệp hiện hữu lớn lên. Theo vị chuyên gia, hiện các hộ kinh doanh cá thể đang cung ứng vật tư, nguyên liệu, sản phẩm… cho bộ phận lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do hộ kinh doanh cá thể hoạt động phi chính thức, các giao dịch mua bán, thuê mướn dịch vụ với họ đều không có hoá đơn. Thiếu hoá đơn, doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tính đúng tính đủ chi phí kinh doanh, là cơ sở để khấu trừ thuế, và cũng khó chứng minh tính toàn vẹn của chuỗi cung ứng để xuất khẩu hay đáp ứng yêu cầu của người mua khó tính. Đây là một điểm nghẽn lớn cho sự vươn lên của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cuối cùng, với công cuộc tinh giản biên chế, sáp nhập các đầu mối của hầu hết các địa phương, các ngành, các lĩnh vực, nếu tiếp tục duy trì bộ phận kinh tế phi chính thức với số lượng gấp hơn 5 lần doanh nghiệp đăng ký chính thức, áp lực trong quản lý và điều hành sẽ tăng lên nhiều. Trong khi đó, bản thân hộ kinh doanh cá thể muốn thích ứng với chuyển đổi số cũng phải nâng cao được năng lực, trình độ. Muốn được hỗ trợ trong cuộc chuyển đổi này, cũng như tiếp cận các chính sách hỗ trợ về tín dụng, thị trường…, hộ kinh doanh cá thể không thể tiếp tục hoạt động một cách phi chính thức như hiện tại.

Hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp

Bắt đầu từ điểm xuất phát mới này, câu hỏi nảy sinh tiếp theo là làm thế nào để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp? Ông Phạm Bắc Bình cho rằng, cần phải hoá giải cùng lúc ba vấn đề.

Một là, mô hình hộ kinh doanh cá thể giúp chủ thể tiết kiệm tối đa các loại chi phí, chẳng hạn, thay vì thuế doanh nghiệp 20% là thuế khoán tự kê khai, các chi phí tuân thủ trong thanh tra, giám sát, an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, phí môi trường… Vì vậy, để hộ cá thể sẵn sàng lên doanh nghiệp, phải hạn chế tối đa các loại chi phí này, có thể thông qua việc giới hạn số lượng phải đóng và miễn giảm trong những năm đầu.

Thứ hai, phương thức quản trị trong hộ kinh doanh cá thể hoàn toàn khác với quản trị doanh nghiệp. Vậy nên, cần kết nối, giới thiệu chuyên gia tư vấn, giúp đỡ họ từ việc làm sổ sách kế toán, xây dựng và triển khai kế hoạch kinh doanh, lựa chọn và đào tạo nhân lực, lập hồ sơ vay vốn ngân hàng… Thời gian đầu, chắc chắn họ sẽ có những sai sót, thay vì áp dụng cứng nhắc các quy định để chấn chỉnh, xử phạt, các công chức, viên chức có trách nhiệm hãy "cầm tay chỉ việc", giúp họ dần làm quen với văn hoá kinh doanh mới.

Thứ ba, cần nghiên cứu xây dựng chính sách, bao gồm cả chính sách quản lý và chính sách hỗ trợ phù hợp với mô hình hộ kinh doanh cá thể chuyển lên doanh nghiệp.

"Hãy dẫn dắt, dìu dắt hộ kinh doanh cá thể lên đường ray kinh doanh chính thức. Nếu họ đã đặt những bước chân đầu tiên một cách vững vàng, chắc chắn, họ sẽ lớn mạnh theo đà đi lên của toàn nền kinh tế", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng khẳng định.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế của Economia Việt Nam kiến nghị cần hình thành khuôn khổ pháp lý riêng cho loại hình kinh doanh cá thể.

Ông Bình cũng là tác giả của nghiên cứu "Xác định địa vị pháp lý cho hộ kinh doanh tại Việt Nam: Chìa khóa để chính thức hóa" do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) hỗ trợ thực hiện. Theo vị chuyên gia, trên thực tế, mô hình hộ kinh doanh cá thể có đặc điểm và tính chất giống với hình thức cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp cá thể (sole proprietorship, sole trader) đã phổ biến ở nhiều nước.

Việt Nam đã có quy định về hình thức doanh nghiệp cá thể này, được gọi là "doanh nghiệp tư nhân" trong Luật Doanh nghiệp nhưng người khởi sự kinh doanh hầu như không chọn hình thức này để tránh phải chịu các ràng buộc pháp lý, các quy định tương tự như các loại hình doanh nghiệp khác.

Vì thế, cần cải cách các quy định hiện nay đối với hình thức doanh nghiệp tư nhân hiện đang được quy định trong Luật Doanh nghiệp thành hình thức doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp một chủ. Việc đăng ký kinh doanh, yêu cầu về tổ chức, quản trị doanh nghiệp, kế toán, bảo hiểm xã hội, chế độ báo cáo, thuế… được thiết kế phù hợp với đặc điểm và tính chất của loại hình doanh nghiệp này. Chi phí tuân thủ quy định pháp luật, thuế áp dụng cũng phải giảm mạnh so với hình thức doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra, có thể nghiên cứu phân quyền để cho phép các doanh nghiệp cá thể được đăng ký tại cấp xã, phù hợp với tiến trình sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương đang diễn ra.

"Khuôn khổ pháp lý này cũng cần có những quy định có tính không khuyến khích doanh nghiệp cá thể tồn tại mãi dưới hình thức này. Khi đạt đến một quy mô nào đó, hoặc khi mở rộng hoạt động kinh doanh sang một số ngành nghề nhất định, chủ của các loại hình doanh nghiệp cá thể, kinh doanh cá thể này buộc phải cân nhắc, lựa chọn và tự quyết định để chuyển đổi thành hình thức pháp nhân kinh doanh phải chịu nhiều trách nhiệm hơn như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần...", TS. Lê Duy Bình lưu ý.

Hoàng Hạnh


Bạn đang đọc bài viết "Thêm một triệu doanh nghiệp: Tiềm năng lớn từ 5 triệu hộ kinh doanh" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.