Thanh toán số ngày càng chiếm ưu thế

18/05/2025 20:02

Tháng 3/2025, Ủy ban Thanh toán và Hạ tầng thị trường (CPMI) công bố báo cáo định kỳ về tình hình phát triển hoạt động thanh toán trên toàn cầu.

Tháng 3/2025, Ủy ban Thanh toán và Hạ tầng thị trường (CPMI) công bố báo cáo định kỳ về tình hình phát triển hoạt động thanh toán trên toàn cầu.

Theo đó, CPMI nêu rõ các xu hướng chủ đạo trong thanh toán bán lẻ, được công bố tại Sách đỏ thống kê năm 2023 và thu thập trong 6 tháng đầu năm 2024 từ các quốc gia thành viên thuộc Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), tập trung vào việc đánh giá các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, xu hướng sử dụng các hoạt động thanh toán nhanh và tình hình cung cấp tài khoản thanh toán phi ngân hàng, vai trò của tiền mặt trong xã hội.

Báo cáo nêu rõ, tiến bộ công nghệ và thay đổi về nhu cầu của người dùng trong nhiều năm qua đã thúc đẩy thanh toán số và thanh toán nhanh, thanh toán không dùng tiền mặt. Xu hướng sử dụng thẻ tín dụng và tiền điện tử tăng cao, nhất là tại các nước đang phát triển và mới nổi (EMDEs). Trong đó, thanh toán nhanh thường liên kết với lượng tiền mặt nhỏ trong lưu thông và với thanh toán qua thẻ. Việc số hóa các giao dịch thanh toán tiếp tục góp phần giảm dần lượng tiền mặt trong lưu thông. Tuy nhiên, tiền mặt vẫn tiếp tục là phương tiện thanh toán quan trọng.

Thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục phát huy động lực

Trong năm 2023, giá trị các khoản thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng cao, nhất là tại EMDEs với số lượt thanh toán theo đầu người tăng 29% từ 293 lượt lên 377 lượt, cao hơn nhiều so với kết quả tăng 4,0% (từ 468 lượt lên 487 lượt) tại các nước phát triển (AEs). Đáng chú ý, việc sử dụng thẻ tín dụng và tiền điện tử tại EMDEs tiếp tục tăng vững (lần lượt tăng 35% và 48%). Tại nhiều EMDEs, giao dịch thẻ tín dụng đa phần được dẫn dắt bởi xu hướng phát triển thanh toán nhanh. Nếu tính trung bình theo đầu người, số lượt thanh toán qua thẻ tín dụng và tiền điện tử tại EMDEs lần lượt là 104 và 68 lượt, trong khi con số này tại AEs là 98 và 22 lượt. Một sự khác biệt đáng lưu ý giữa hai nhóm quốc gia này thể hiện trong xu hướng sử dụng thẻ thanh toán, với 306 giao dịch trên đầu người tại AEs và 188 giao dịch trên đầu người tại EMDEs.

Tuy nhiên, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt so GDP có xu hướng giảm hoặc đi ngang. Cụ thể là, giảm 9% tại AEs (trở về mức trước đại dịch), chủ yếu là do xu hướng giảm tổng giá trị giao dịch qua thẻ tín dụng; đi ngang tại EMDEs (như năm 2022). Kết quả này cho thấy, mặc dù số lượt sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao, nhưng phần lớn thanh toán số là các khoản giao dịch giá trị thấp. Tại AEs, giá trị giao dịch qua thẻ tín dụng giảm trung bình 9% trong năm 2023 từ 6.808 USD xuống 6.169 USD, và giảm 21% tại EMDEs từ 4.051 USD xuống 3.220 USD.

Vẫn còn sự khác biệt giữa các quốc gia

Trong thập niên gần đây, nhiều quốc gia đã giới thiệu các hệ thống thanh toán nhanh và dịch vụ liên quan, đa số sẽ bắt đầu triển khai thực hiện trong những năm tới đây. Trong khi phần lớn các quốc gia thành viên CPMI có ít nhất một hệ thống hoặc cơ sở dịch vụ thanh toán nhanh, việc sử dụng dịch vụ thanh toán nhanh có sự khác biệt giữa các quốc gia. Trong năm 2023, số lần sử dụng thanh toán nhanh so tổng thanh toán không dùng tiền mặt dao động từ 1,0% tại Pháp và 7,0% tại Australia lên 63% tại Argentina và 82% tại Ấn Độ. Xét về vấn đề thanh toán theo đầu người, Brazil và Argentina ghi nhận tốc độ tăng đáng kể trong năm 2023. Kết quả là, số lần sử dụng thanh toán nhanh theo đầu người tăng cao nhất tại Brazil với 193 lượt/người và Argentina với 179 lượt/người, tiếp đến là Mỹ với 172 lượt/người, Thụy Điển với 95 lượt/người.

Về quy mô thanh toán nhanh, giữa các quốc gia có sự khác biệt rất lớn: Cao nhất tại Nhật Bản (3.652 USD), Mexico (3.218 USD) và Hàn Quốc (2.658 USD); thấp nhất tại Argentina (62 USD), Thụy Điển (47 USD) và Ấn Độ (24 USD). Bên cạnh sự khác biệt về chi phí sinh hoạt và đời sống, điều này có thể phản ánh những khác biệt về loại hình giao dịch sử dụng thanh toán nhanh (chuyển tiền giữa cá nhân với cá nhân hay giữa cá nhân với doanh nghiệp), sự tồn tại và hạn mức thanh toán.

Thanh toán nhanh là phép thử "quỳ tím" để mở rộng thanh toán số

Thanh toán nhanh có thể được sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau, như thanh toán giữa cá nhân với cá nhân, tại các điểm mua sắm, thanh toán hóa đơn hay thanh toán qua biên giới. Tùy theo đặc điểm thiết kế dịch vụ và hệ thống thanh toán nhanh, có thể dẫn đến tác động khác nhau giữa các quốc gia, như tác động đến các công cụ thanh toán truyền thống, lưu lượng tiền mặt, chuyển giao tín dụng truyền thống, thanh toán thẻ.

Tại những quốc gia có đầy đủ các dữ liệu về tiến trình phát triển thanh toán nhanh và xu hướng sử dụng thẻ, thanh toán nhanh tăng khá cao, nhưng không tác động đáng kể đến xu hướng mở rộng sử dụng thẻ tại Argentina, Hàn Quốc, Mexico và Thụy Điển. Điều này cho thấy, tại những quốc gia này, thanh toán nhanh và thẻ thanh toán có thể được sử dụng trong những trường hợp khác nhau, hơn là thay thế lẫn nhau. Trái lại, mức độ sử dụng thẻ ghi nợ giảm dần tại Ấn Độ khi thanh toán nhanh tăng cao. Điều này cho thấy, trong chừng mực nào đó, có thể có sự thay thế nhu cầu sử dụng thẻ ghi nợ.

Tại những quốc gia có tốc độ phát triển thanh toán nhanh tăng cao, quy mô thanh toán qua thẻ nhìn chung đều giảm. Cũng tại những quốc gia mà thanh toán nhanh được ưa chuộng rộng rãi, lượng tiền mặt trong lưu thông có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, mức độ tương phản giữa xu hướng mở rộng thanh toán nhanh và giảm thanh toán tiền mặt có thể chỉ đơn thuần phản ánh tác động thông thường của xu thế số hóa rộng lớn trong nền kinh tế. Chẳng hạn, sự chuyển dịch từ thanh toán tại điểm bán hàng sang thanh toán điện tử có thể sẽ góp phần kéo giảm thanh toán tiền mặt, trong khi xu hướng gia tăng sử dụng mã thanh toán QR tại điểm bán hàng có thể thúc đẩy thanh toán nhanh. Trong mọi trường hợp, thanh toán nhanh là dấu hiệu nổi bật về xu hướng mở rộng số hóa hệ thống thanh toán.

Nhu cầu về tài khoản phi ngân hàng lập đỉnh cao mới tại một số quốc gia

Trong 10 năm qua, số lượng tài khoản thanh toán do các định chế phi ngân hàng cung cấp có xu hướng tăng dần, cao nhất tại Mexico và Argentina. Trong giai đoạn 2020-2023, số lượng tài khoản thanh toán phi ngân hàng theo đầu người tăng trên 65% tại Mexico, và trên 200% tại Argentina, nguyên nhân có thể là do thay đổi về quy định quản lý. Năm 2020, NHTW Argentina đã điều chỉnh khung khổ pháp lý, cho phép các định chế phi ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán. Tương tự, Quốc hội Mexico đã thông qua luật điều chỉnh dịch vụ cung cấp công nghệ thanh toán vào năm 2018.

Tiền mặt trong lưu thông giảm đều đặn nhưng tỷ trọng rút tiền mặt vẫn ổn định

Trong năm 2023, lượng tiền mặt trong lưu thông tiếp tục giảm tại hầu hết các quốc gia thành viên CPMI, chiếm 8% GDP tại AEs và 7% GDP tại EMDEs. Tuy nhiên, giữa các quốc gia có sự khác biệt đáng kể, cao nhất tại Nhật Bản (22% GDP) và Hồng Kông, Trung Quốc (20% GDP), thấp nhất tại Thụy Điển (0,9% GDP) và Thổ Nhĩ Kỳ (2,0% GDP).

Về tổng giá trị tiền mặt trong lưu thông, đa phần đều chỉ sử dụng loại tiền mệnh giá thấp trong thanh toán. Vì lý do này, việc rút tiền mặt thường chỉ là chỉ số về sử dụng tiền mặt làm phương tiện thanh toán hơn là tổng lượng tiền mặt trong lưu thông. Sau khi giảm trong nhiều năm liên tiếp, tỷ trọng rút tiền mặt so GDP ổn định về cơ bản trong năm 2023. Trong khi AEs và EMDEs ghi nhận lượng tiền mặt trong lưu thông tương đương nhau, nhưng giá trị rút tiền mặt nhìn chung tại AEs (6% GDP) thấp hơn so với tại EMDEs (15% GDP). Điều này có thể cho thấy, tiền mặt được sử dụng vì mục tiêu tích trữ tại AEs hơn là tại EMDEs, và có nhiều phương pháp thanh toán tại EMDEs hơn so với tại AEs. Giả thiết này có thể nhất quán với tốc độ lưu thông tiền tệ tại AEs (cả tiền mặt và tiền gửi) chậm hơn so với tại EMDEs.

Trong năm 2023, nhu cầu về tiền mặt liên quan đến số lần rút tiền trên đầu người cũng ổn định tại hầu hết các nước, từ AEs đến EMDEs. Đáng lưu ý, số lần rút tiền trên đầu người tại EMDEs cao hơn 1,5 lần so với tại AEs. So với năm 2022, giá trị rút tiền mặt trung bình tại AEs thay đổi vừa phải, tăng nhẹ từ 88 USD lên 97 USD tại EMDEs.

Tóm lại, việc sử dụng các phương pháp thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng trong năm 2023 và các khách hàng ngày càng lựa chọn thanh toán số đối với các giao dịch giá trị nhỏ. Thanh toán không dùng tiền mặt tăng nhanh tại EMDEs, chủ yếu là nhờ xu hướng gia tăng sử dụng thẻ tín dụng và tiền điện tử.

Mặc dù thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục phát huy động lực trong năm 2023, nhưng tiền mặt vẫn đóng vai trò quan trọng trong xã hội. Trong khi lượng tiền mặt trong lưu thông tiếp tục giảm tại nhiều nước, nhu cầu rút tiền mặt nhìn chung vẫn ổn định.

Nguồn: BIS tháng 3/2025

Bạn đang đọc bài viết "Thanh toán số ngày càng chiếm ưu thế" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.