Tổng thống Donald Trump đã gọi ngày công bố thuế quan mới là "ngày giải phóng," khẳng định rằng đây là bước đi cần thiết để tái thiết nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng những thay đổi mà ông Trump kỳ vọng, bao gồm phục hồi ngành sản xuất và tái định hình chuỗi cung ứng, sẽ mất nhiều năm để hiện thực hóa.
Trong khi đó, người tiêu dùng có thể sớm cảm nhận được những tác động tiêu cực từ chính sách này, Reuters nhận định.
|
Tổng thống Donald Trump phát biểu về việc áp thuế quan đối ứng tại Vườn Hồng, Nhà Trắng. Ảnh: Reuters. |
Theo phân tích của các nhà kinh tế, thuế quan không chỉ đánh vào hàng nhập khẩu mà còn làm tăng chi phí đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước.
"Nguy cơ trước mắt là giá cả leo thang, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lời cam kết giảm chi phí sinh hoạt (của ông Trump) trong quá khứ", chuyên gia Lanhee Chen tại Viện Hoover nhận định.
Nguy cơ suy thoái
Một trong những hậu quả rõ ràng nhất của thuế quan là giá cả hàng hóa tiêu dùng sẽ gia tăng. Theo khảo sát của Reuters/Ipsos, 70% người Mỹ, bao gồm 62% đảng viên Cộng hòa, tin rằng chính sách này sẽ khiến giá thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu tăng mạnh.
Ngoài ra, 53% số người được hỏi cho rằng thuế quan sẽ gây hại nhiều hơn là mang lại lợi ích.
Thị trường chứng khoán ngay lập tức phản ứng tiêu cực với tuyên bố áp thuế quan của ông Trump, khi chỉ số Dow Jones và S&P 500 lao dốc.
Một số nhà đầu tư lo ngại rằng nếu xu hướng này tiếp diễn, quỹ hưu trí 401(k) của hàng triệu người Mỹ sẽ bị ảnh hưởng.
"Ngày giải phóng có vẻ như đang giải phóng tiền bạc khỏi túi của người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ", Reuters dẫn lời một cựu cố vấn đảng Cộng hòa chia sẻ.
![]() |
Chi phí nhập khẩu được dự báo sẽ tăng mạnh do thuế quan. Ảnh: Reuters. |
Không chỉ gây áp lực lên thị trường tài chính, các chuyên gia còn cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế nếu căng thẳng thương mại leo thang.
Dưới góc độ doanh nghiệp, phản ứng trước chính sách thuế quan rất đa dạng. Drew Greenblatt, chủ sở hữu hãng thép Marlin, cho biết thuế quan giúp công ty ông nhận được nhiều đơn hàng hơn khi khách hàng chuyển sang sản phẩm nội địa.
Tuy nhiên, Michelle Lim Warner, chủ cửa hàng rượu vang DCanter ở Washington D.C., bày tỏ lo ngại khi hai phần ba sản phẩm của bà đến từ châu Âu.
“Ai sẽ trả 75 USD cho một chai rượu trước đây chỉ có giá 25 USD?”, bà Warner đặt câu hỏi.
Rủi ro cho đảng Cộng hòa
Việc tăng thuế quan không chỉ gây ra những vấn đề kinh tế mà còn tạo ra rủi ro chính trị nghiêm trọng cho đảng Cộng hòa. Chỉ còn khoảng 18 tháng trước cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2026, các nghị sĩ trong đảng lo ngại rằng nếu người dân cảm thấy đời sống khó khăn hơn, họ sẽ quay lưng với ông Trump và trao quyền kiểm soát Quốc hội cho đảng Dân chủ.
Những dấu hiệu bất mãn đã bắt đầu xuất hiện trong nội bộ đảng Cộng hòa. Tại Thượng viện, một nhóm nghị sĩ Cộng hòa đã cùng phe Dân chủ thông qua dự luật nhằm chấm dứt việc áp thuế quan với Canada. Dù khó có khả năng được Hạ viện thông qua, dự luật này vẫn phần nào phản ánh sự chia rẽ trong đảng.
Bên cạnh đó, các cuộc bầu cử đặc biệt gần đây cũng cho thấy sự suy giảm ủng hộ đối với người đứng đầu Nhà Trắng, Reuters nhận định.
Tại Florida, các ứng viên Cộng hòa giành chiến thắng sít sao trong những khu vực mà ông Trump từng thắng áp đảo. Trong khi đó, tại Wisconsin, một thẩm phán theo khuynh hướng tự do đã giành chiến thắng trước một ứng viên bảo thủ do ông Trump hậu thuẫn, đánh dấu một thất bại chính trị quan trọng.
![]() |
Bà Susan Crawford, thuộc đảng Tự do, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào Tòa án Tối cao bang Wisconsin trước đối thủ đảng Cộng hòa Brad Schimel, người nhận được sự hậu thuẫn từ Tổng thống Trump và tỷ phú Elon Musk. Ảnh: Reuters. |
"Bao nhiêu lần chúng ta nghĩ rằng đây là giọt nước tràn ly, nhưng cuối cùng ông Trump vẫn không hề hấn gì? Tuy nhiên, lần này, áp lực từ nền kinh tế có thể thay đổi cục diện", giáo sư ngành khoa học chính trị Barbara Trish tại Đại học Grinnel nhận định.
Dù chính quyền Tổng thống Trump khẳng định rằng thuế quan là công cụ cần thiết để đưa nền kinh tế Mỹ trở lại vị thế dẫn đầu, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về viễn cảnh suy thoái nếu các đối tác thương mại của Mỹ đáp trả bằng những biện pháp tương tự.
"Rủi ro lớn nhất là phản ứng từ các đối tác thương mại của chúng ta", Philip Luck, Giám đốc chương trình kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định.
Để củng cố lập luận của mình, ông Trump nhấn mạnh rằng thuế quan sẽ mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách liên bang, giúp bớt nợ công.
"Bây giờ là lúc chúng ta hưởng lợi và sử dụng hàng nghìn tỷ USD này để giảm thuế và trả nợ quốc gia, tất cả sẽ diễn ra rất nhanh", người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thuế quan thực chất là khoản thuế mà các nhà nhập khẩu Mỹ phải trả, và họ có xu hướng chuyển gánh nặng của chi phí này sang người tiêu dùng. Trong bối cảnh người dân Mỹ vẫn lo ngại về lạm phát, động thái của ông Trump có thể làm suy giảm niềm tin của cử tri.
Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào nền kinh tế đã giảm mạnh kể từ khi ông Trump đẩy mạnh chính sách thuế quan, đảo ngược xu hướng lạc quan sau cuộc bầu cử năm 2024.
Nếu nền kinh tế tiếp tục có dấu hiệu suy yếu, đảng Dân chủ có thể tận dụng điều này để chỉ trích chính quyền ông Trump trong chiến dịch tranh cử sắp tới, Reuters nhận định.
Trong khi đó, Nhà Trắng khẳng định rằng mục tiêu duy nhất của Tổng thống Trump là cải thiện đời sống người dân Mỹ.
"Hành động lịch sử này phản ánh cam kết của tổng thống trong việc khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ cho các ngành công nghiệp và người lao động, không phải để chiều theo những giả thuyết chính trị vô nghĩa", phát ngôn viên Nhà Trắng Kush Desai tuyên bố.
Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế
Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.