
"Kiến trúc sư" tạo sự ổn định cho hệ thống ngân hàng
Năm 2025, kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều yếu tố bất định, những "cơn gió ngược" tới từ căng thẳng thuế quan leo thang dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, áp lực lạm phát, biến động tỷ giá, và đặc biệt là tình trạng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn có xu hướng gia tăng.
Trong bối cảnh đó, chính sách phân bổ room tín dụng – tưởng chừng là một công cụ hành chính cũ kỹ – lại một lần nữa chứng minh tính hữu hiệu trong việc đảm bảo ổn định vĩ mô và kiểm soát rủi ro hệ thống.
Điều này không phải là quyết định nhất thời, mà là sự kế thừa có tính hệ thống từ những bài học thực tế trong quá khứ. Giai đoạn 2006–2010, nền kinh tế từng trải qua một đợt tăng trưởng tín dụng "nóng", với mức bình quân lên tới 36% mỗi năm, đỉnh điểm là năm 2007 với 51,5%.
Tỷ lệ tín dụng/GDP tăng vọt, dòng vốn chảy mạnh vào bất động sản, chứng khoán khiến nợ xấu bùng phát, nhiều ngân hàng rơi vào tình trạng khó thanh khoản. Năm 2011, để ổn định tình hình, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng cơ chế phân bổ room tín dụng theo từng tổ chức tín dụng – như một biện pháp "chốt chặn" quan trọng nhằm kiểm soát quy mô và chất lượng tăng trưởng.
Bài học đó vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh hiện tại. Với nền kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào kênh vốn ngân hàng, room tín dụng tiếp tục là công cụ then chốt giúp NHNN điều phối dòng vốn hợp lý, tránh để hệ thống rơi vào vòng xoáy tăng trưởng nóng – nợ xấu – bất ổn vĩ mô.
Năm nay, NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ở mức 16% – cao hơn mức 14-15% của các năm trước, thể hiện định hướng điều hành chủ động, linh hoạt nhưng không nới lỏng cực đoan. Tăng trưởng tín dụng được dẫn dắt bằng những tiêu chí cụ thể, gắn với năng lực hấp thụ vốn thực tế, mức độ an toàn vốn và hiệu quả hoạt động của từng ngân hàng. Điều này cũng cho thấy sự chủ động của cơ quan điều hành, không chỉ bằng số lượng mà còn chú trọng đến chất lượng tín dụng.
Theo các chuyên gia, kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào kênh vốn ngân hàng, trong khi các kênh thay thế như thị trường trái phiếu hay cổ phiếu vẫn đang trong quá trình phát triển. Việc phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng, do đó, không chỉ là công cụ kỹ thuật mà còn là "van an toàn" giúp bảo vệ sự lành mạnh của hệ thống tài chính.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) nhận định: "Việc duy trì room tín dụng trong giai đoạn hiện nay là lựa chọn hợp lý. NHNN đã không đi theo các xu hướng dễ dãi mà thể hiện rõ vai trò điều phối thị trường, không chỉ về lượng vốn mà cả về chất lượng tín dụng."
Trên thực tế, NHNN cũng đang từng bước đổi mới tư duy điều hành. Trong báo cáo gửi Quốc hội tháng 5/2024, cơ quan quản lý nhấn mạnh sẽ từng bước tiến tới bỏ phân bổ room tín dụng, nhưng theo lộ trình phù hợp với năng lực giám sát và sức khỏe tài chính của từng ngân hàng. Các tổ chức tín dụng có năng lực quản trị tốt, chỉ tiêu an toàn cao sẽ được trao quyền tự chủ cao hơn – nhằm tạo động lực nâng cấp hệ thống ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế.
Sự thận trọng cần thiết
Dù có nhiều ý kiến cho rằng nên xóa bỏ hoàn toàn cơ chế room tín dụng để tăng tính thị trường, thực tế hiện nay cho thấy điều này không đơn giản và nếu làm vội, có thể gây phản ứng ngược.
Một trong những lý do quan trọng là tình trạng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đang tăng nhanh hơn tốc độ tín dụng, đặt ra cảnh báo đáng kể về chất lượng tài sản.
Thống kê từ Wichart cho thấy, tính đến 31/12/2024, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của 27 ngân hàng đạt hơn 131.000 tỷ đồng, tăng hơn 39.500 tỷ so với năm 2023, tương đương mức tăng 43%. Trong đó, tỷ trọng của nợ nhóm 5 trong tổng dư nợ cho vay có xu hướng tăng, từ 0,91% năm 2023 lên 1,11% năm 2024.
Thống kê từ FiinRatings cũng chỉ ra rằng, trong ba năm gần đây (2022–2024), tốc độ tăng trưởng nợ xấu luôn vượt tốc độ tăng trưởng tín dụng.
"Việc bỏ room tín dụng hoàn toàn trong điều kiện hiện nay có thể dẫn đến rủi ro rất lớn. Khi thị trường chưa có đủ công cụ giám sát thay thế, sự buông lỏng tín dụng sẽ dễ kéo theo một làn sóng tăng trưởng nóng, đặc biệt ở những ngân hàng yếu kém về quản trị", chuyên gia tài chính Lê Hoài Ân đánh giá trong một sự kiện mới đây.
Chính vì vậy, lộ trình chuyển đổi mà NHNN đang triển khai – từ điều hành mang tính hành chính sang kiểm soát dần bằng các tiêu chí thị trường – được các chuyên gia đánh giá là cách tiếp cận đúng đắn. Nó vừa duy trì được kỷ cương hệ thống, vừa tạo áp lực cải cách từ bên trong, giúp các tổ chức tín dụng chủ động nâng cấp mình để thoát khỏi sự phụ thuộc vào phân bổ hạn mức.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đang đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, tăng cường năng lực giám sát, cũng như cải thiện chất lượng tín dụng thông qua các chuẩn mực quốc tế như Basel II và Basel III. Đây là những điều kiện tiên quyết để tiến tới một cơ chế điều hành tín dụng minh bạch, hiệu quả, và có thể bỏ hoàn toàn room tín dụng mà không gây bất ổn.
Trong một thị trường tài chính còn đang trong giai đoạn hoàn thiện như Việt Nam, chính sách room tín dụng – nếu được vận hành linh hoạt và minh bạch – vẫn là công cụ quan trọng để NHNN kiểm soát rủi ro, điều tiết dòng vốn và dẫn dắt sự phát triển ổn định cho cả nền kinh tế.