Quản lý, giao dịch tài sản số tại Việt Nam: Cấp thiết xây dựng khung pháp lý phù hợp

28/05/2025 08:14

Tại Việt Nam, dù chưa có khung pháp lý chính thức, nhưng quy mô giao dịch tiền kỹ thuật số (KTS) ước tính lên đến khoảng 100 tỷ USD/năm, với hơn 27 triệu tài khoản tham gia. Điều này cho thấy nhu cầu lớn của xã hội và đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng một khung pháp lý rõ ràng, linh hoạt và phù hợp để quản lý lĩnh vực tài sản số.

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
298 bài viết

Nhiều cơ hội, lắm rủi ro

Hiện tài sản số ở Việt Nam vẫn tồn tại trong một vùng pháp lý chưa rõ ràng. Điều này khiến nhiều hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, trong đó có tiền KTS, diễn ra trên các sàn giao dịch nước ngoài, dẫn đến việc thất thoát nguồn thu thuế, khó kiểm soát dòng vốn và các hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố. Cùng với đó, nhà đầu tư cá nhân không được bảo vệ trước các rủi ro lừa đảo, thao túng giá…

Vào tháng 3 vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về việc triển khai thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa. Theo Bộ Tài chính, thị trường tài sản mã hóa đang phát triển nhanh chóng, mang lại cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Việc triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) sẽ giúp các cơ quan quản lý theo dõi, đánh giá thực tiễn hoạt động của thị trường trước khi áp dụng chính thức, giúp Việt Nam tận dụng tiềm năng của tài sản mã hóa để huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh, phát triển nền kinh tế số, đồng thời giảm thiểu các nguy cơ như rửa tiền, tài trợ khủng bố và các hoạt động tài chính bất hợp pháp.

Quản lý, giao dịch tài sản số tại Việt Nam: Cấp thiết xây dựng khung pháp lý phù hợp- Ảnh 1.

Bộ Tài chính nhấn mạnh, một vấn đề quan trọng được đặt ra là chính sách thuế đối với tài sản số. Theo đó, hệ thống pháp luật hiện hành đã có cơ sở thu thuế đối với các loại hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả hoạt động kinh doanh tài sản số.

Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể về phân loại và xác định bản chất của tài sản mã hóa, việc áp dụng chính sách thuế vẫn còn nhiều vướng mắc. Do đó, nếu pháp luật chuyên ngành xác định rõ tài sản mã hóa là một loại hàng hóa hoặc tài sản hợp pháp, thì các giao dịch liên quan sẽ được thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định hiện hành.

Tại buổi tọa đàm về tiền KTS được tổ chức tại TPHCM mới đây, TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho biết, dù chưa có khung pháp lý rõ ràng nhưng quy mô giao dịch tiền KTS của người Việt rất lớn, ước tính lên tới 100 tỷ USD/năm với khoảng 27 triệu tài khoản tham gia. Điều này cho thấy nhu cầu lớn và đang trong “vùng xám” pháp lý nên các hoạt động phát sinh lợi nhuận và chi phí liên quan đến tài sản mã hóa phần lớn của người Việt Nam đều diễn ra ở nước ngoài như Singapore, Mỹ, Hồng Công (Trung Quốc).

Do đó, người Việt khi tham gia đầu tư loại hình tiền KTS gặp rủi ro rất lớn. Thực tiễn này đặt ra yêu cầu cấp thiết, phát triển thị trường tài sản mã hóa và cần thí điểm xây dựng hành lang pháp lý gắn với nguyên tắc: phát triển bền vững và bảo vệ người tiêu dùng, tránh nguy cơ bị lừa đảo.

Phát triển nhưng phải kiểm soát

Theo Hiệp hội Blockchain Việt Nam, việc xây dựng khung pháp lý không chỉ giúp kiểm soát rủi ro mà còn tạo điều kiện để dòng vốn từ tài sản mã hóa đóng góp chính thức vào nền kinh tế. Với khối lượng giao dịch trên thị trường tài sản mã hóa vượt qua 100 tỷ USD mỗi năm, cho thấy cơ hội từ một sân chơi quốc tế đang dần hình thành. Nếu được quản lý và khai thác hợp lý, thị trường tài sản số có thể đóng góp hàng trăm triệu USD tiền thuế mỗi năm, đồng thời kích thích các ngành khác như du lịch, thương mại điện tử.
Cùng với đó, có thể giảm thiểu các hệ lụy xã hội từ những hoạt động đầu tư chưa được kiểm soát. Còn nhà đầu tư sẽ được trải nghiệm và hiểu rõ thế nào là một giao dịch chính thức được công nhận, đồng thời được bảo vệ trong khuôn khổ pháp lý của Nhà nước.

TS Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng, khoảng trống pháp lý đã khiến thị trường tài sản số tại Việt Nam trở thành một “thiên đường thuế”, bất chấp những rủi ro tiềm ẩn. Do các giao dịch chưa bị quản lý và đánh thuế chặt chẽ, thị trường này đã thu hút đông đảo người tham gia sở hữu và giao dịch.

Do đó, yêu cầu một khuôn khổ pháp lý trở nên cấp bách. Tuy nhiên, quan trọng hơn là khung pháp lý đảm bảo cho thị trường phát triển bền vững, hạn chế đầu cơ và khuyến khích đầu tư nhằm tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế.

Quản lý, giao dịch tài sản số tại Việt Nam: Cấp thiết xây dựng khung pháp lý phù hợp- Ảnh 2.

“Mục tiêu của xây dựng khung pháp lý nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động kinh doanh thực huy động vốn, đặc biệt là hướng dòng vốn chảy vào các lĩnh vực đầu tư có triển vọng tốt như công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Các chủ thể tham gia thị trường phải tuân thủ quy định về đăng ký, xác thực định danh, phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và bảo vệ nhà đầu tư. Chính sách thuế cần hướng tới việc áp dụng mức thuế cao đối với vốn đầu cơ (crypto ngắn hạn) sang ưu đãi thuế cho nhà đầu tư thực tế (STO) và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển token chứng khoán gắn với tài sản thực. Kết hợp hai yếu tố này sẽ giúp thị trường tài sản số phát triển bền vững, hạn chế đầu cơ và khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế”, TS Điền nhấn mạnh.

Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng, việc nghiên cứu và triển khai quản lý tiền KTS quốc gia là rất cần thiết. Tuy nhiên, để quản lý tiền KTS một cách hiệu quả, cần dựa trên một số nguyên tắc như: khung pháp lý phải bám sát tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, hướng đến việc kiến tạo và thúc đẩy phát triển song song với kiểm soát rủi ro; cần tháo gỡ những rào cản trước mắt đồng thời có tầm nhìn dài hạn để đảm bảo tính bền vững của chính sách và không gây ra gánh nặng chi phí đối với doanh nghiệp và người dân; phải đón đầu các xu thế lớn trên thế giới, đặc biệt là những thay đổi liên quan đến khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế số và tài sản số; phải đảm bảo tính khả thi, hiệu lực và hiệu quả; phải phù hợp với cam kết quốc tế cũng như hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam.

TS HUỲNH TRUNG MINH - chuyên gia tài chính - ngân hàng:

Trong bối cảnh kinh tế số ngày càng phát triển mạnh mẽ, tài sản số, trong đó có tiền KTS, đang trở thành xu hướng đầu tư đòi hỏi Việt Nam phải có các khung pháp lý rõ ràng, cụ thể cho loại hình đầu tư này. Tuy nhiên, việc xây dựng khung pháp lý cho tài sản số phải đảm bảo tính bền vững và bảo vệ người tiêu dùng. Bởi lẽ, thị trường tài sản số cơ hội cao, nhưng đồng thời cũng đi kèm với rủi ro lớn hơn so với các sản phẩm truyền thống như vàng, chứng khoán hay bất động sản.

Ông NGUYỄN DUY HƯNG - Chủ tịch Công ty CP Chứng khoán SSI:

Khi khung pháp lý đối với tài sản mã hóa được xác lập một cách rõ ràng thì chúng tôi sẽ thành lập quỹ đầu tư vào tiền mã hóa. Bởi lẽ, khi cả thế giới đã công nhận xu hướng này, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc.

Bên cạnh đó, đã là sàn thí điểm thì cần được kiểm soát, nhưng không nên bó buộc, “trói tay trói chân” những người thực hiện. Hãy tạo điều kiện để họ chủ động triển khai, đồng thời giám sát chặt chẽ. Nếu xuất hiện rủi ro hay dấu hiệu bất thường, lúc đó có thể can thiệp kịp thời, như việc “ngắt cầu dao” khi cần thiết.


Bạn đang đọc bài viết "Quản lý, giao dịch tài sản số tại Việt Nam: Cấp thiết xây dựng khung pháp lý phù hợp" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.