Ông lớn khách sạn hàng đầu thế giới sẽ mở thêm 6 khách sạn tại Việt Nam

27/05/2025 20:30

Tại Việt Nam, RHG hiện đang vận hành 6 khách sạn, cùng 6 khách sạn khác trong danh mục phát triển. Đơn vị cũng đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ trở thành thương hiệu khách sạn quốc tế hàng đầu tại Việt Nam.

Ông lớn khách sạn hàng đầu thế giới sẽ mở thêm 6 khách sạn tại Việt Nam- Ảnh 1.

Tập đoàn Radisson Hotel Group (RHG) - một trong những đơn vị quản lý khách sạn lớn nhất thế giới cho biết, doanh nghiệp sẽ đồng loạt khai trương loạt dự án trọng điểm tại Việt Nam trong quý II năm nay, bao gồm Radisson Blu Hạ Long Bay và Radisson Resort Mũi Né. Hiện tại, Tập đoàn RHG đang vận hành 6 khách sạn tại Việt Nam và có thêm 6 dự án khác đang trong giai đoạn phát triển.

Vừa qua, lễ ký kết hợp tác vận hành cho Radisson Hotel Westlake Hanoi, dự kiến khai trương vào năm 2028 cũng đánh dấu bước tiến mới của thương hiệu này tại thủ đô. Tập đoàn đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ trở thành thương hiệu khách sạn quốc tế hàng đầu tại thị trường Việt Nam, tập trung vào các phân khúc trung và cao cấp.

Theo ông Ramzy Fenianos, Giám đốc Phát triển Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Radisson Hotel Group, từ thời điểm thương hiệu tham gia thị trường tới nay, Việt Nam đã nhanh chóng trở thành điểm đến du lịch cao cấp, thu hút nhiều đối tượng khách như du lịch nghỉ dưỡng, dân xê dịch kỹ thuật số, khách doanh nghiệp và khách tìm kiếm trải nghiệm sức khỏe.

“ Việt Nam đang trải qua sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, kết nối quốc tế ngày càng gia tăng và du lịch nội địa phát triển mạnh, khiến nơi đây trở thành thị trường rất hấp dẫn. RHG nhận thấy tiềm năng lớn ở cả phân khúc du lịch nghỉ dưỡng và công tác, đặc biệt nhờ vào sự đa dạng về trải nghiệm từ lưu trú đô thị, nghỉ dưỡng ven biển đến các điểm đến văn hóa ” Ông Ramzy chia sẻ.

Ông lớn khách sạn hàng đầu thế giới sẽ mở thêm 6 khách sạn tại Việt Nam- Ảnh 2.

Ông Ramzy Fenianos, Giám đốc Phát triển Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Radisson Hotel Group

Đại diện cấp cao Radisson cũng cho rằng, các yếu tố không kém phần quan trọng khác như cơ sở hạ tầng cải thiện, chính phủ hỗ trợ du lịch, và kết nối hàng không quốc tế gia tăng đã thúc đẩy khả năng tiếp cận và sức hút du lịch của Việt Nam. Từ đó, thị trường lưu trú Việt Nam cũng ngày càng cạnh tranh gay gắt, khi các tập đoàn khách sạn quốc tế tên tuổi đều không ngừng tăng tốc.

Theo quan sát của ông Ramzy, khách Việt ngày càng ưa chuộng các kỳ nghỉ ngắn, staycation cuối tuần và những trải nghiệm cao cấp, chất lượng, khác biệt gần nhà. Còn khách quốc tế sẽ bị thu hút bởi trải nghiệm bản địa chân thực, các yếu tố văn hóa, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và xu hướng du lịch bền vững. Nhu cầu đặt dịch vụ trực tuyến, đặt phòng linh hoạt và sự lưu tâm đến các hành trình cá nhân hóa đang lên ngôi. Trong thời gian tới, du lịch sức khỏe, đổi mới kỹ thuật số và sáng kiến bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo.

Thời gian qua, Việt Nam nắm giữ lợi thế lớn nhờ vị trí chiến lược tại trung tâm Đông Nam Á, cửa ngõ kết nối với Đông Bắc Á, tốc độ tăng trưởng GDP ổn định ở mức 6–7%/năm, chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài (FDI) cởi mở, nới rộng visa và định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2030. Tốc độ phục hồi nhanh của thị trường inbound cũng là nền tảng cho các thương hiệu lưu trú cao cấp phát triển dài hạn.

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, doanh thu từ khách du lịch năm 2024 ước đạt gần 34 tỷ USD, tăng trưởng 23,8% so với năm 2023. Mordor Intelligence dự báo, quy mô thị trường ngành khách sạn tại Việt Nam dự kiến đạt 5,88 tỷ USD vào năm 2025 và đạt 11,29 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 13,94% trong cùng giai đoạn. Năm 2025, ngành Du lịch Việt Nam cũng đặt ra "tham vọng": đạt tổng thu từ du lịch khoảng 980 - 1.050 nghìn tỷ đồng, vươn đến mốc thu triệu tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý khác là sự trỗi dậy mạnh mẽ của giới trung lưu, lực lượng tiêu dùng chủ đạo cho các sản phẩm và dịch vụ. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết trong nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất châu Á, mỗi năm có thêm khoảng 1,4 triệu người, mở ra một thị trường nội địa đầy tiềm năng cho các thương hiệu quốc tế. Điều này cộng hưởng cùng các chỉ số tăng trưởng kinh tế vĩ mô tích cực, giúp Việt Nam bước vào giai đoạn vàng của ngành du lịch và lưu trú.

Ông David Jackson, Tổng Giám đốc Avison Young nhận định rằng, các điểm đến ven biển mới mẻ cùng với các vườn quốc gia đang mở ra nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn.

Theo thống kê của Avison Young, nếu như trước năm 2000 chỉ có khoảng 6 nhà điều hành khách sạn quốc tế lớn hiện diện, thì 15 năm trở lại đây đã có thêm 10 đơn vị gia nhập. Tổng cộng, họ đang sở hữu hơn 60 thương hiệu khách sạn tại Việt Nam.

Trong khi đó, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Cấp cao Savills Hotels khu vực Đông Nam Á, cho biết thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự xuất hiện của nhiều mô hình nghỉ dưỡng mới như wellness retreat (khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe) và all-inclusive resort (khu nghỉ dưỡng trọn gói về lưu trú, ẩm thực và giải trí).

“Những đổi mới này sẽ thúc đẩy giai đoạn phát triển tiếp theo của ngành bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam, thu hút các thương hiệu lớn và góp phần định hình tương lai ngành, ” ông Mauro chia sẻ tại một sự kiện diễn ra vào tháng trước.

Bạn đang đọc bài viết "Ông lớn khách sạn hàng đầu thế giới sẽ mở thêm 6 khách sạn tại Việt Nam" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.