
Số lượng vàng mua vào của các ngân hàng trung ương theo quý (ĐVT: tấn)
Theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới năm 2024, một số quốc gia mua vàng nhiều nhất bao gồm Ba Lan (89,54 tấn), Ấn Độ (72,9 tấn),Trung Quốc (44,17 tấn), Cộng hòa Séc (20,5 tấn), Iraq (20,06 tấn).

Bên cạnh làn sóng mua vào, thị trường cũng ghi nhận các hoạt động bán ra của các ngân hàng trung ương. Tuy nhiên lượng bán ra nhỏ và mang tính kỹ thuật trong bối cảnh giá vàng tăng mạnh. Chẳng hạn ngân hàng trung ương Philippines đã bán ra 30 tấn vàng từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2024 với lý do chính là do giá vàng tăng mạnh. Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) bán 10 tấn. Ngân hàng Bundesbank (Đức) giảm 1 tấn, khả năng phục vụ cho chương trình đúc tiền xu.
Mặc dù làn sóng mua vàng vẫn mạnh mẽ, nhưng bước sang năm 2025 tốc độ mua đã chững lại. Số liệu của WGC cho thấy lượng mua ròng tháng 4/2025 của các ngân hàng trung ương là 12 tấn, thấp hơn tháng trước 12%. Nguyên nhân chính của việc này được cho là do giá vàng tăng mạnh đã làm giảm đà mua của các ngân hàng trung ương.
Xu hướng nắm giữ vàng của các ngân hàng trung ương
Những năm qua đã ghi nhận xu hướng tăng tích trữ vàng của các ngân hàng trung ương toàn cầu và trong bối cảnh môi trường địa chính trị và kinh tế ngày càng bất ổn, khó đoán định như hiện nay, các nhà quản lý dự trữ ngày càng thận trọng hơn, do đó xu hướng nắm giữ vàng được dự đoán sẽ vẫn tiếp tục.
Khảo sát của WGC thực hiện từ ngày 25/2-20/5/2025 cũng cho thấy mức độ quan tâm ngày càng cao của các ngân hàng trung ương toàn cầu đến hoạt động quản lý vàng. Số ngân hàng tham gia khảo sát năm nay là 73 ngân hàng thuộc nhiều khu vực địa lý khác nhau, con số lớn nhất trong 8 năm thực hiện khảo sát của Hội đồng Vàng thế giới.

Nguồn: Hội đồng Vàng Thế giới
Kết quả khảo sát cho thấy 95% ngân hàng tham gia tin rằng tổng dự trữ vàng toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong 12 tháng tới, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 81% vào năm trước.
Đối với câu hỏi khảo sát về kế hoạch đầu tư vào vàng, có tới 43% ngân hàng tham gia cho biết dự trữ vàng của họ sẽ tăng trong kỳ tới và không có ngân hàng nào sẽ giảm dự trữ vàng. Còn trong vòng 5 năm tới, 76% ngân hàng cho rằng vàng sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng dự trữ của họ (con số này năm trước là 69%).

Nguồn: Hội đồng Vàng Thế giới
Nơi lưu trữ vàng phổ biến
WGC cũng thực hiện khảo khát về nơi lưu trữ vàng của các ngân hàng trung ương. Theo đó, Ngân hàng Trung ương Anh là lựa chọn phổ biến trong việc lưu giữ vàng ở nước ngoài (64%), tiếp theo là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (17%), Ngân hàng Thanh toán quốc tế (14%). Việc lưu trữ vàng ở các trung tâm tài chính quốc tế này có ưu điểm là thuận tiện cho việc mua bán, cho vay hoặc sử dụng làm tài sản thế chấp, giảm thiểu các chi phí liên quan đến vận hành kho lưu giữ so với lưu giữ vàng trong nước.
Tuy nhiên, việc lưu trữ ở nước ngoài cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như thiếu kiểm soát trực tiếp và rủi ro chủ quyền; rủi ro đối tác và rủi ro địa chính trị (từ phía nước lưu trữ); chi phí lưu kho phải trả định kỳ cho đơn vị lưu ký và chi phí vận chuyển về trong nước cao; thiếu minh bạch và khó xác minh thực tế sự tồn tại và an toàn của kho vàng khi tài sản được giữ ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương cũng có xu hướng tăng lưu giữ vàng ở trong nước với 59% số ngân hàng tham gia có lựa chọn lưu trữ vàng trong nước, tăng so với 41% vào năm ngoái. Lưu trữ vàng trong nước có thể gây hạn chế về tính thanh khoản và khả năng tiếp cận nhanh chóng các thị trường giao dịch vàng quốc tế lớn như London hay New York; đồng thời việc lưu trữ vàng trong nước yêu cầu chi phí cao để vận hành kho lưu trữ.
Tuy vậy, các ngân hàng trung ương vẫn chọn lưu giữ vàng trong nước bởi việc lưu giữ vàng trong nước giúp quốc gia đó có thể thực hiện quyền kiểm soát trực tiếp và toàn diện đối với tài sản này; chủ động hoàn toàn trong việc xây dựng và triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh vật chất cho kho vàng theo tiêu chuẩn riêng; giảm thiểu các rủi ro liên quan đến đối tác lưu giữ ở nước ngoài hoặc các biến động địa chính trị toàn cầu. Trong những năm gần đây, một số quốc gia như Đức, Hà Lan, Áo, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ có xu hướng chuyển một phần hoặc toàn bộ vàng dự trữ đang được giữ ở nước ngoài về kho chứa trong nước.
Lý cho chính của việc nắm giữ vàng của các ngân hàng trung ương
Về mặt lịch sử vàng vốn được xem là tài sản chiến lược bởi các đặc tính độc đáo như lưu trữ giá trị, tính hiệu quả cao trong thời kỳ khủng hoảng và đa dạng hóa danh mục.
Khảo sát của WGC cho thấy có tới 85% số ngân hàng cho rằng hiệu suất của vàng trong khủng hoảng là rất quan trọng, 81% các ngân hàng đánh giá cao khả năng đa dạng hóa danh mục, 80% ngân hàng nhấn mạnh tới vai trò lưu giữ giá trị của vàng.
Trong những thời kỳ khủng hoảng, giá vàng thường tăng lên mạnh mẽ. Do đó hiệu suất của vàng được bảo toàn và là công cụ hữu hiệu để phòng ngừa rủi ro lạm phát. Việc tăng cường dự trữ vàng còn góp phần củng cố niềm tin vào sự ổn định tài chính quốc gia và hệ thống tiền tệ
Thời gian qua, ngân hàng trung ương các nước đã liên tục tăng lượng nắm giữ vàng do nhu cầu đa dạng hóa danh mục tài sản dự trữ ngoại hối, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ (USD). Động thái này càng trở nên rõ rệt hơn trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt tài chính gia tăng và lo ngại về vị thế của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu tương lai.
Khảo sát của WGC cũng cho thấy, 73% các ngân hàng trung ương tin rằng tỷ trọng USD trong dự trữ toàn cầu sẽ giảm trong 5 năm tới, trong khi 76% dự báo tỷ trọng vàng sẽ tăng. Điều này phản ánh lo ngại của nhiều quốc gia, nhất là các nền kinh tế mới nổi, trước nguy cơ USD bị sử dụng làm “vũ khí tài chính” trong các lệnh trừng phạt.
Bên cạnh đó, môi trường địa chính trị thế giới ngày càng phức tạp với nhiều bất ổn leo thang, diễn biến bất ngờ đã thúc đẩy các WGC tìm đến vàng như một “tài sản trú ẩn an toàn”, có tính thanh khoản cao và trung lập về mặt chính trị.

Nguồn: Hội đồng Vàng thế giới
Có thể nói vai trò của vàng như một tài sản chiến lược của một quốc gia là không thể phủ nhận. Tuy vậy, chiến lược quản lý và nắm giữ vàng vẫn có nhiều sự khác biệt trong nhóm các nước có nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (EMDE) và nhóm các quốc gia có nền kinh tế phát triển
Theo khảo sát của WGC, 43% tổ chức tham gia khảo sát cho biết trong vòng một năm tới họ sẽ tăng dự trữ vàng, cao hơn hẳn tỷ lệ 29% vào năm ngoái. Trong đó, các ngân hàng EMDE thể hiện xu hướng tích lũy vàng mạnh mẽ hơn so với các nền kinh tế phát triển. Điều này cũng phù hợp với xu hướng tăng mua vàng trong thực tế của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là ngân hàng trung ương các nước trong nhóm EMDE.
Về hiệu suất của vàng trong khủng hoảng, tỷ lệ đồng ý với lý do này ở các nước thuộc nhóm EMDE là 87%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 77% ở nhóm các nước phát triển. Về vai trò vàng như một công cụ đa dạng hóa do bối cảnh địa chính trị, có 78% ngân hàng thuộc nhóm các nước EMDE đồng ý, trong khi ở nhóm các nước phát triển con số này chỉ 46%.
Trong một thế giới ngày càng bất ổn và khó dự đoán, các đặc tính của vàng như an toàn, thanh khoản, lợi nhuận, vốn là ba mục tiêu quản lý của các ngân hàng trung ương lại càng trở nên quan trọng, khiến nhu cầu về nắm giữ vàng của các ngân hàng trung ương được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong tương lai gần. Tuy nhiên, xu hướng mua này cũng còn có sự khác biệt giữa các quốc gia, tùy thuộc vào bối cảnh kinh tế, chính trị trong nước, quy mô dự trữ ngoại hối cũng như mục tiêu quản lý của ngân hàng trung ương quốc gia đó.