Ngân hàng Nhà nước chỉ ra 3 nguyên nhân khiến giá vàng trong nước đắt hơn thế giới 14 triệu đồng/lượng

08/05/2025 20:30

NHNN cho biết chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và thế giới tăng cao từ đầu tháng 4/2025 chủ yếu là do 3 nguyên nhân chính.

Tại báo cáo phục vụ chất vấn gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 23/4/2025, chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và thế giới quy đổi ở mức xấp xỉ 14,48 triệu đồng/lượng (tương đương ~13,62%).

Theo NHNN, giá vàng miếng SJC trong nước tăng với tốc độ nhanh hơn giá vàng thế giới và chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và thế giới tăng cao từ đầu tháng 4/2025 chủ yếu là do 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, tâm lý kỳ vọng việc giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong bối cảnh các chính sách thuế quan của Chính quyền Tổng thống Trump dự kiến tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu; lộ trình chính sách tiền tệ khó lường của FED; diễn biến địa chính trị thế giới căng thẳng; các cú sốc giá cả hàng hóa có thể phát sinh khiến nhu cầu mua vàng tăng;

Thứ hai, nguồn cung vàng miếng trên thị trường chưa được tăng thêm từ đầu năm 2025 đến nay, thị trường ngoại hối và thị trường vàng tương đối ổn định nên từ đầu năm 2025 đến nay NHNN không phải can thiệp thị trường;

Thứ ba, không loại trừ nguyên nhân có một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng tình hình biến động của thị trường để đầu cơ, thổi giá, trục lợi.

"Mặc dù giá vàng trong nước tăng cao, tuy nhiên những biến động này trước mắt chưa ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô. NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng trong nước và quốc tế, phối hợp với các cơ quan hữu quan để tăng cường công tác quản lý và có biện pháp ổn định thị trường vàng theo thẩm quyền", Báo cáo của NHNN cho biết..

Trước đó, trong những tháng đầu năm 2025, giá vàng thế giới liên tục phá vỡ mức kỉ lục kéo giá vàng trong nước tăng theo. Theo NHNN, nguyên nhân chủ yếu khiến giá vàng quốc tế tăng là do:

Thứ nhất, bất ổn chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược gia tăng trên phạm vi toàn cầu như xung đột quân sự Nga - Ukraine kéo dài, kéo theo đó là các biện pháp trừng phạt, trả đũa lẫn nhau về kinh tế, chính trị giữa Nga với Mỹ và đồng minh; xung đột quân sự giữa Israel và các quốc gia, lực lượng Hồi giáo tại Trung Đông;

Thứ hai, nhiều ngân hàng trung ương và quỹ đầu tư đẩy mạnh mua vào vàng để bổ sung dự trữ ngoại hối cũng là lý do quan trọng khiến giá vàng tăng;

Thứ ba,Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng cao với các quốc gia trên thế giới đã tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và tăng trưởng kinh tế thế giới, khiến dòng tiền của nhà đầu tư có xu hướng đổ vào vàng;…

Nói về những khó khăn trong thời gian tới, NHNN nhận định thị trường vàng vẫn chưa thực sự ổn định bền vững, vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, kỳ vọng, tiềm ẩn rủi ro tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối. Bên cạnh các giải pháp từ phía NHNN, để ổn định thị trường vàng một cách bền vững cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Về định hướng điều hành, NHNN cho biết sẽ tiếp tục làm tốt công tác truyền thông để kịp thời cung cấp các thông tin về chủ trương, giải pháp, chính sách quản lý thị trường vàng, ổn định tâm lý thị trường.

Đồng thời, khẩn trương xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Bên cạnh đó, NHNN sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan (Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tài chính…) để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường. Kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập, vi phạm để xử lý nghiêm theo thẩm quyền và báo cáo các cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý phù hợp.

Bạn đang đọc bài viết "Ngân hàng Nhà nước chỉ ra 3 nguyên nhân khiến giá vàng trong nước đắt hơn thế giới 14 triệu đồng/lượng" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.