Một cổ phiếu tăng phi mã, trần 7 phiên liên tiếp: Công ty lý giải “do nhận được sự tín nhiệm của nhà đầu tư”

28/04/2025 12:30

Chỉ trong vòng 2 tuần, cổ phiếu này chứng kiến đà tăng tới 80% giá trị.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu NFC của CTCP Phân lân Ninh Bình đang “làm mưa, làm gió” với đà tăng phi mã. Thị giá NFC tiếp tục diễn biến khởi sắc trong phiên 28/4, qua đó leo lên mốc đỉnh lịch sử 47.100 đồng/cp, đánh dấu chuỗi kịch trần 7 phiên liên tiếp. Chỉ trong vòng 2 tuần, cổ phiếu NFC chứng kiến đà tăng tới 80% giá trị. Vốn hóa công ty phân bón này cũng lập kỷ lục đạt gần 750 tỷ đồng.

Một cổ phiếu tăng phi mã, trần 7 phiên liên tiếp: Công ty lý giải “do nhận được sự tín nhiệm của nhà đầu tư”- Ảnh 1.

Trong văn bản giải trình về đà tăng trần 5 phiên liên tiếp từ ngày 18/4 tới 24/4, NFC cho biết các nhà đầu tư đánh giá cao cổ phiếu công ty và kỳ vọng vào tiềm năng phát triển của doanh nghiệp qua những số liệu đã được công bố tại BCTC quý 1/2025: doanh thu thuần bán hàng đạt gần 453 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt gần 120 tỷ đồng, doanh thu tài chính đạt 1,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 51 tỷ đồng. Các chỉ số này tăng so với cùng kỳ lần lượt 62%, 288%, 1.109% và 288%.

Ngày 24/4/2025, ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh 2025 với doanh thu 1.050 tỷ, lợi nhuận trước thuế 65 tỷ, tỷ lệ trả cổ tức là 20%.

Như vậy, sau quý đầu năm, doanh nghiệp này đã hoàn thành được 43% kế hoạch doanh thu và 78% mục tiêu lợi nhuận sau quý đầu năm.

“Như vậy, cổ phiếu NFC đã nhận được sự tín nhiệm của các nhà đầu tư dẫn đến nhu cầu thực tế trên thị trường chứng khoán tăng”, báo cáo giải trình nêu rõ. Thêm nữa, các quyết định giao dịch của nhà đầu tư với cổ phiếu NFC nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty, công ty không có bất cứ tác động nào gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá giao dịch trên thị trường.

Trong một báo cáo phân tích ngành ngân bón gần đây, Chứng khoán MB (MBS) cho biết kể từ ngày 1/7/2025, phân bón chính thức trở thành mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng đầu ra với thuế suất 5% sau khi thông qua Dự thảo Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT – VAT) sửa đổi.

Nhóm phân tích cho rằng việc áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón (ở đây là 5%) sẽ cho phép các doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, từ đó hỗ trợ lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.

Chi phí nguyên vật liệu đầu vào thường chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón, dao động từ 50% đến 80%. Các nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất phân bón tương đối đa dạng, và chịu mức thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 5% - 10%.

Về lý thuyết, áp thuế GTGT sẽ khiến giá phân bón tăng, nhưng việc lợi nhuận được hỗ trợ sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước giảm giá bán, từ đó tăng cạnh tranh với các sản phẩm phân bón nhập khẩu – vốn trước đây có lợi thế về giá thành so với phân bón sản xuất trong nước.

Một cổ phiếu tăng phi mã, trần 7 phiên liên tiếp: Công ty lý giải “do nhận được sự tín nhiệm của nhà đầu tư”- Ảnh 2.

Bạn đang đọc bài viết "Một cổ phiếu tăng phi mã, trần 7 phiên liên tiếp: Công ty lý giải “do nhận được sự tín nhiệm của nhà đầu tư”" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.