Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt lớn của kinh tế toàn cầu bởi dự báo các căng thẳng địa chính trị và thuế quan có thể sẽ làm thay đổi cấu trúc dòng chảy thương mại và đầu tư trên thế giới. Đồng thời trong giai đoạn này, Việt Nam đang thực hiện cải cách cùng các đột phá chiến lược bước vào kỷ nguyên mới, cũng như triển khai đồng bộ các chính sách kinh tế trọng điểm và hàng loạt các dự án đầu tư công quy mô lớn.
Chính vì vậy, dù còn nhiều khó khăn từ bên ngoài nhưng các chuyên gia đánh giá năm nay sẽ là năm nhiều triển vọng đối với nhiều ngành nghề trong nước. Đặc biệt, với việc thúc đẩy đầu tư công và nhiều dự án trọng điểm quốc gia đã và đang được triển khai, trong đó ngành công nghiệp thép đóng vai trò quan trọng cần phải đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất, qua đó cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao, tự chủ được nguồn nguyên liệu phục vụ các dự án trọng điểm quốc gia.
Trao đổi trong Talkshow Phố Tài chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam hiện nay đang được Chính phủ giao nghiên cứu, sản xuất các loại thép chất lượng cao, đặc biệt là thép ray cho các dự án đường sắt, phục vụ tuyến đường sắt Bắc - Nam trong thời gian tới, đánh giá ngành công nghiệp thép được dự báo sẽ có những thay đổi bước ngoặt, góp phần giúp thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Như ông đã thấy những căng thẳng địa chính trị và thuế quan đang làm ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại và đầu tư toàn cầu. Theo ông, những tác động đó đang làm ảnh hưởng đến ngành sản xuất thép và thương mại trong nước?
Ông Nguyễn Việt Thắng: Với ngành thép, việc áp thuế quan cũng không ảnh hưởng trực tiếp vì ngành thép cũng đã chịu thuế quan theo Mục 232 của Mỹ từ vài năm nay và với thuế đối ứng lần này, họ không áp thêm thuế đối với những doanh nghiệp đã chịu thuế 232 của ngành thép.
Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, một số đối tác đồng minh của Mỹ được miễn trừ thuế 232 ngành thép như Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng đã phải chịu thuế 232 này… Như vậy, về tổng thể ngành thép Việt Nam không chịu tác động trực tiếp việc áp thuế quan đối ứng của Mỹ.
Vấn đề lớn là câu chuyện thuế quan này có ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam như thế nào? Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng Chính phủ sẽ có những giải pháp phù hợp để duy trì tốc độ tăng trưởng theo kỳ vọng và việc tiêu thụ thép của các doanh nghiệp như Hòa Phát vẫn đảm bảo.
Ngoài ra, đối với những những nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam sẽ có những ảnh hưởng đến các vấn đề liên quan với tỷ giá và việc điều hành tỷ giá của Chính phủ trong giai đoạn này cũng rất quan trọng. Hiện nay, Ngân hàng nhà nước cũng có những điều hành để đảm bảo việc tỷ giá không biến động quá lớn và việc ổn định tỷ giá đã hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp trong ngành thép, đặc biệt Hòa Phát có nhập khẩu cũng tương đối lớn.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để ngành công nghiệp thép và các tập đoàn, các doanh nghiệp thép cơ cấu và chuyển mình sang một giai đoạn mới, nhất là trong năm nay, Chính phủ thúc đẩy đầu tư công quy mô lớn đ ồng thời đa dạng hóa thị trường, ông đánh giá như thế nào về điều này?
Ông Nguyễn Việt Thắng: Đầu tiên, chúng tôi rất ghi nhận ý kiến của Thủ tướng Chính phủ là trong bất kỳ trường hợp nào thì vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là khoảng 8% trong năm nay và từ năm 2026 sẽ là 10%, đây là một cơ hội rất lớn cho những doanh nghiệp như HPG.
Nếu chúng ta duy trì được tốc tăng trưởng này, nhu cầu cho cơ sở hạ tầng, các công trình sẽ rất nhiều và sẽ giúp cho ngành thép tăng trưởng. Với Hòa Phát, chúng tôi đặt mục tiêu là trong vòng 5 năm tới sẽ tăng trưởng khoảng khoảng 15% một năm và để duy trì tốc độ tăng trưởng này, chúng tôi đã có rất nhiều giải pháp:
Đối với thị trường trong nước, sẽ tiếp tục duy trì tỷ trọng trên thị trường. Ngoài ra, Hòa Phát sẽ phát triển tiếp một số loại hàng chất lượng cao phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mà chúng tôi kỳ vọng sẽ phát triển trong thời gian tới.
Với thị trường xuất khẩu, hiện nay chúng tôi cũng đang tiếp tục mở rộng ra các thị trường mới. Quan điểm của HPG là sẽ mở rộng ở nhiều thị trường, không tập trung vào một thị trường quá lớn để chống lại những hàng rào phòng vệ thương mại nếu có. Hiện nay chúng tôi đang xuất khẩu sang khoảng 40 nước trên thế giới và duy trì ở mỗi nước một tỷ trọng vừa phải.
Với các sản phẩm công nghệ cao, chúng tôi đang tập trung vào các mặt hàng theo những dự án trọng điểm của Chính phủ, ví dụ như việc triển khai dự án sản xuất ray đường sắt tốc độ cao, đây là một trong những dự án trọng điểm của Hòa Phát trong giai đoạn tới. Ngoài ra, Hòa Phát đang sản xuất một số loại hàng cho các ngành công nghiệp như công nghiệp đóng tàu, công nghiệp về dầu khí, đây là những ngành sẽ có nhu cầu lớn và tăng trưởng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, xu hướng phát triển xanh và bền vững cũng đang được các nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam chú trọng, theo ông, ngành công nghiệp thép cần phát triển như thế nào để không chỉ tăng trưởng nhanh và còn bền vững nữa?
Ông Nguyễn Việt Thắng: Chính phủ đã có cam kết tại COP26 về Net Zero đến năm 2050 và hiện nay chúng tôi cũng đang đi theo lộ trình này. Với việc giảm phát thải của ngành thép, chúng tôi đang thực hiện theo từng lộ trình từng bước và hiện Hòa Phát cũng đang sử dụng khoảng 30% tổng vốn đầu tư cho các vấn đề về môi trường.
Chúng tôi cũng đã đưa ra các giải pháp có thể làm giảm phát thải, dự án này đã được đưa vào trong báo cáo ESG của tập đoàn và sẽ phát hành trong thời gian tới.
Với vị thế là nhà sản xuất lớn nhất, luôn đi đầu tại Việt Nam, cũng như đứng thứ 30 trên thế giới và thuộc Top đầu doanh nghiệp đóng góp cho ngân sách nhà nước, ông có thể chia sẻ thêm về các chiến lược phát triển quan trọng của tập đoàn trong thời gian tới để đóng góp vào sự phát triển của kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới?
Ông Nguyễn Việt Thắng: Việc đầu tiên, chúng tôi rất ghi nhận Chính phủ đã đặt doanh nghiệp tư nhân là thành phần kinh tế quan trọng nhất của nền kinh tế đất nước. Đây là một sự ghi nhận cũng như là sự động viên rất lớn cho các doanh nghiệp như Hòa Phát với các định hướng của Chính phủ về phát triển kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới và chúng tôi đã sẵn sàng tham gia vào quá trình này.
Chính phủ đã xác định ngành thép là một ngành nền tảng và ngành thép, người ta thường nói là: “Thép là bánh mì của nền công nghiệp”. Chính vì vậy, một đất nước muốn phát triển một nền công nghiệp hiện đại, bắt buộc việc phát triển ngành thép là điều tất yếu. Và hiện nay Hòa Phát đang là doanh nghiệp sản xuất thép tư nhân lớn nhất Việt Nam cũng như Đông Nam Á, chính vì vậy chúng tôi tự tin có thể đáp ứng hoàn toàn các nhu cầu về thép cho sự phát triển kinh tế của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Hiện nay, chúng tôi đang đầu tư cho các dự án mới trung bình mỗi năm khoảng hơn một tỷ USD. Ngoài ra, chúng tôi cũng cam kết tăng trưởng duy trì 15% một năm và cũng đang tham gia vào các dự án trọng điểm của Chính phủ để làm thay đổi cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam như dự án đường sắt cao tốc, các dự án về điện hạt nhân và các dự án khác.
Về công nghệ, chúng tôi cũng luôn cập nhật, đón đầu tất cả các công nghệ thép tiên tiến nhất trên thế giới. Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên có sự tiếp xúc với các đơn vị sản xuất các thiết bị thép hàng đầu trên thế giới và tất cả các công nghệ hiện nay của chúng tôi đều tương đương với công nghệ của các nước G7.
Thực tế hiện nay, ngành công nghiệp của Việt Nam cũng còn phát triển ở mức độ khiêm tốn. Một trong những lý do đó chính là chúng ta còn thiếu rất nhiều các nguồn nguyên liệu đang phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Ngoài ra, chúng ta chưa xây dựng được một thị trường trong nước cũng như xuất khẩu đảm bảo để có thể phát triển thêm những doanh nghiệp lớn. Chính vì vậy, việc Hòa Phát có thể tự chủ được các vấn đề về nguyên liệu cũng sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Chúng tôi kỳ vọng rằng với định hướng Chính phủ, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng sẽ là một trong những mũi nhọn của tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới và HPG là một trong những đơn vị tham gia vào quá trình này.