
Ảnh minh họa
Trong báo cáo mới công bố, Chứng khoán MB (MBS) dự báo lợi nhuận sau thuế quý 1/2025 của ngành ngân hàng (trong danh sách theo dõi) sẽ tăng khoảng 15% so với cùng kỳ 2024 nhờ tín dụng đã bắt đầu tăng tốc ngay từ thời điểm đầu năm.
Trong khi đó, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) được dự báo đi ngang so với quý 4/2024, thấp hơn so với cả năm 2024 do các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay nhằm đạt được mức tăng trưởng tín dụng kế hoạch mới.
Chi phí trích lập dự kiến sẽ giảm so với quý 4/2024 và tương đương cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm ngân hàng cổ phần dự kiến sẽ có mức tăng cao hơn do chất lượng tài sản suy giảm nhiều hơn nhóm ngân hàng quốc doanh.
MBS cho rằng thu nhập ngoài lãi của ngành ngân hàng sẽ phân hoá, với kỳ vọng nhóm ngân hàng quốc doanh có mức tăng khả quan hơn nhờ hoạt động thu phí từ nhóm khách hàng doanh nghiệp vẫn được duy trì.

Nguồn: MBS
Nhóm ngân hàng tăng trưởng cao
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank - Mã: VPB) được kỳ vọng có lợi nhuận tăng 50% trong quý 1/2025 và 28% cho cả năm 2025.
MBS dự báo tăng trưởng tín dụng MB đạt 4% tại thời điểm cuối quý 1, cao hơn so với cùng kỳ 2023 đạt 1,9%, chủ yếu vẫn sẽ được dẫn dắt bởi tín dụng doanh nghiệp. Trong khi đó, NIM được dự phóng giảm nhẹ xuống 6%, cao hơn mức 5,9% cùng kỳ 2024. Chi phí trích lập dự kiến đạt khoảng 5.000 tỷ, giảm 12,2%.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank - Mã: STB) được dự báo sẽ tăng trưởng lợi nhuận khả quan nhờ mức nền thấp năm 2024. Cụ thể, MBS dự báo lợi nhuận ròng Sacombank sẽ tăng 37% trong quý 1 và 8% cho cả năm 2025. Trong đó, NIM quý 1 dự kiến vẫn duy trì ở mức 3,5%, chi phí trích lập dự kiến đạt 200 tỷ (giảm 70,5% so với cùng kỳ). Tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 4%, tương đương với năm 2024.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG), MBS dự báo nhà băng này sẽ ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 28% trong quý 1 và 31% cho cả năm 2025. Trong đó, tín dụng được kỳ vọng tăng trưởng khả quan trong quý 1 (đạt 4-5%) nhờ đẩy mạnh hoạt động đầu tư công và sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, NIM trong quý kỳ vọng đi ngang so với năm 2024, đạt 2,9%. Chi phí trích lập dự phòng dự kiến đạt khoảng 5.000 tỷ (giảm 37,5% so với cùng kỳ, gấp đôi so với quý trước).
Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank - Mã: HDB) được kỳ vọng đạt tăng trưởng lợi nhuận 19% trong quý 1 và 28% cho cả năm 2025. Theo MBS, tăng trưởng tín dụng của HDBank sẽ duy trì ở mức trên 6% như cùng kỳ 2024, còn NIM giảm nhẹ xuống 5%-5,2% trong quý 1. Chi phí dự phòng được dự báo tương đương quý 1/2024, ở mức khoảng 1.300 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) được dự báo tăng trưởng lợi nhuận 18% trong quý 1 và cả năm 2025. MBS cho rằng, tăng trưởng tín dụng quý 1 của Eximbank sẽ đạt 5,2% do đẩy mạnh các gói cho vay lãi suất thấp. Trong khi NIM dự kiến giảm nhẹ so với cùng kỳ, đạt 2,7% do giảm lợi suất tài sản trong khi tăng chi phí vốn huy động so với cùng kỳ. Chi phí trích lập dự phòng dự kiến đạt 220 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB- Mã: ACB) được dự báo lợi nhuận sau thuế quý I và cả năm 2025 cùng tăng 18%, chủ yếu do nền thấp của năm 2024 và được dẫn dắt nhờ kỳ vọng chi phí trích lập giảm so với cùng kỳ, dự kiến đạt 300 tỷ đồng, giảm 41,4%. Tăng trưởng tín dụng trong quý đạt khoảng 4% và NIM duy trì ở mức 3,5%.
Nhóm ngân hàng tăng trưởng từ 10% trở xuống
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BIDV) được kỳ vọng sẽ đạt mức trưởng lợi nhuận 10% trong quý 1 và cả năm tăng 11%.
Theo MBS, tín dụng BIDV dự kiến tăng trưởng 2-3% từ đầu năm đến nay do sự hồi phục của sản xuất kinh doanh cũng như mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn. Trong khi đó, NIM dự kiến đi ngang so với cùng kỳ, đạt 2,4%. Chi phí trích lập dự phòng dự kiến đạt hơn 4.000 tỷ đồng (giảm 8,8%) do tỷ lệ nợ xấu giảm dần.
Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank - Mã: LPB), MBS dự phóng lợi nhuận quý 1 và cả năm 2025 tăng lần lượt 9% và 11%. Dự báo của MBS dựa trên cơ sở tăng trưởng tín dụng ngân hàng dự kiến đạt 11-12% (tương đương quý 1/2024 đạt 11,71%) do triển khai thêm các chương trình ưu đãi với lãi suất thấp từ tháng 3/2025, trong khi NIM dự kiến đi ngang so với quý 4/2024, đạt 3,6%. Chi phí trích lập dự phòng dự kiến đạt khoảng 220 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB), lợi nhuận quý I được dự báo tăng trưởng 3% và cả năm tăng 7% trong bối cảnh NIM quý I dự kiến thấp hơn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng quý 1 được kỳ vọng cao hơn so với cùng kỳ do lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng đang ở mức thấp và thấp nhất trong ngành ngân hàng. Chi phí trích lập dự kiến đạt khoảng 1.000 tỷ, giảm 30%.
Nhóm ngân hàng sụt giảm lợi nhuận
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB - Mã: OCB) được dự báo lợi nhuận giảm 4% trong quý 1, tuy nhiên tăng trưởng 33% cho cả năm 2025. Theo MBS, tăng trưởng tín dụng quý 1 của OCB dự kiến đạt 2-3% cùng với NIM giảm so với quý 4/2024 xuống mức 3,5%. Đồng thời, chi phí trích lập vẫn sẽ là rào cản lớn với tăng trưởng lợi nhuận.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB), MBS dự báo lợi nhuận giảm 4% trong quý 1 chủ yếu do mức nền cao của năm 2024 nhưng sẽ tăng trưởng 23% trong cả năm 2025. Tăng trưởng tín dụng quý đầu năm dự kiến đạt 4-5% (cùng kỳ tăng 7,1% so nền thấp của năm 2023). NIM được dự báo sẽ tương đương với quý 4/2024, đạt 3,9%. Chi phí trích lập dự phòng dự kiến sẽ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng, giảm 16,7% so với cùng kỳ.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB - Mã: VIB) được dự báo lợi nhuận giảm 6% trong quý 1 nhưng cả năm vẫn tăng khoảng 24%. Theo MBS, tăng trưởng tín dụng quý 1 của VIB chỉ đạt 2% do nhu cầu tín dụng bán lẻ vẫn còn yếu. Ngoài ra, NIM sẽ đạt 3,5% đi theo tín dụng chậm, tương đương với quý 4/2024. Chi phí trích lập đạt khoảng 1.200 tỷ (tăng 25,7% so với cùng kỳ) do nợ xấu có xu hướng nhích lên khi tín dụng chậm.
Mạnh Đức