"Cá mập" liên tục gom hàng, "săn" quỹ đất lớn trước khi bảng giá đất mới có hiệu lực

11/01/2025 00:08

Ông Lưu Quang Tiến, Phó viện trưởngDat Xanh Services - FERI cho biết, năm 2024 là năm chiến lược gom hàng, gom đất, gom tiền của các chủ đầu tư. Các chủ đầu tư tranh thủ tận dụng các nguồn lực, hợp tác cùng nhau để săn các quỹ đất lớn trước khi bảng giá đất mới có hiệu lực có thể sẽ làm tăng chi phí phát triển dự án.

Tại một sự kiện mới đây, ông Lưu Quang Tiến, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) đánh giá, thị trường bất động sản nhà ở năm 2024 đã chính thức đi qua và dần rời xa vùng đáy. Năm 2024 là năm mà các bên tham gia thị trường có sự chuyển biến ở nhiều mặt.

Theo đó, tất cả các chủ thể tham gia vào thị trường bất động sản đều có sự nỗ lực thay đổi và chuyển mình. Nếu như các chủ đầu tư đã có sự chuyển đổi về chiến lược, về nhận thức và về trạng thái; thì các doanh nghiệp môi giới cũng đã có sự chuyển đổi về thị trường, về nhận thức và cả phương thức bán hàng, triển khai kinh doanh. Trong khi đó, khách hàng đã có sự chuyển đổi tích cực về tâm lý, về hành vi và cả dòng tiền.

"Cá mập" liên tục gom hàng, "săn" quỹ đất lớn trước khi bảng giá đất mới có hiệu lực- Ảnh 1.

Ông Lưu Quang Tiến cho rằng, năm 2024 - 2025 là giai đoạn thị trường bước vào quá trình tích lũy và chuẩn bị.

Ông Tuyến nhận định, năm 2024 là năm mà chiến lược gom hàng, gom đất, gom tiền của các chủ đầu tư được thể hiện một phần trong hoạt động M&A với sự tăng trưởng cả về số lượng và giá trị các thương vụ thành công.

Cụ thể, tỷ trọng giá trị các thương vụ trong ngành bất động sản năm 2024 chiếm đến 53% trên toàn bộ giá trị M&A của toàn thị trường, trong khi tỷ trọng này trong các năm trước đó lần lượt là 22% (năm 2023), 16% (năm 2022) và 17% (năm 2021).

Số lượng dự án được phê duyệt, tháo gỡ vướng mắc pháp lý được cải thiện dần qua các quý trong năm 2024, đặc biệt là trong Quý III và IV, sau mốc ngày 01/08 khi “nút thắt” về cơ chế đã được khai thông. Theo Bộ Xây dựng, năm 2024 có hơn 210 dự án bất động sản trên cả nước được tháo gỡ vướng pháp lý. Riêng TP.HCM đã có 77/143 dự án vướng mắc được quyết (đạt 54%).

Theo thống kê của Dat Xanh Services - FERI, năm 2024 ghi nhận 29 dự án được khởi công xây dựng, 69 dự án được tổ chức kick off và 93 sự kiện mở bán trên cả nước. Riêng quý 4/2024 có đến 48 sự kiện mở bán, chiếm hơn 50% số lượng sự kiện mở bán trong năm, đánh dấu một giai đoạn ấm áp hơn của thị trường bất động sản.

“Điều này cho thấy trong bối cảnh thị trường mới, đã mở ra rất nhiều cơ hội đầu tư, giúp tối ưu thế mạnh của các bên, cụ thể là các doanh nghiệp có quỹ đất, dự án và các doanh nghiệp có nguồn vốn, dòng tiền lớn”, ông Tiến nói.

Theo đó, các chủ đầu tư tranh thủ tận dụng các nguồn lực, hợp tác cùng nhau để săn các quỹ đất lớn trước khi bảng giá đất mới có hiệu lực có thể sẽ làm tăng chi phí phát triển dự án. Sự tham gia của nhiều bên, đặc biệt là các quỹ, các chủ đầu tư ngoại góp phần làm cho thị trường M&A ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn.

Ông Lưu Quang Tiến cho biết thêm, thị trường bất động sản hiện đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau trong quá khứ, từ khủng hoảng đến phục hồi và tái cấu trúc. Năm 2024 - 2025 là giai đoạn thị trường bước vào quá trình tích lũy và chuẩn bị. Các tín hiệu phục hồi rõ ràng hơn được kỳ vọng từ năm 2026, được trợ lực từ nền kinh tế, các cơ chế pháp lý hoàn thiện hơn và niềm tin của thị trường được khôi phục, đặc biệt là nhu cầu mua bất động sản.

Bạn đang đọc bài viết ""Cá mập" liên tục gom hàng, "săn" quỹ đất lớn trước khi bảng giá đất mới có hiệu lực" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.